Phó thủ tướng Malaysia lỡ lời

28/10/2013 12:36 GMT+7

(TNO) Dư luận bức xúc vì Phó thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin lấy căn bệnh tiểu đường của một chính khách quá cố để biện minh cho việc bỏ trợ giá đường của chính phủ.

(TNO) Dư luận bức xúc vì Phó thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin lấy căn bệnh tiểu đường của một chính khách quá cố để biện minh cho việc bỏ trợ giá đường của chính phủ.

Hôm 26.10, một ngày sau khi Thủ tướng Najib Razak công bố kế hoạch ngân sách năm 2014, trong đó có việc bỏ trợ giá đường 34 xu ringgit (2.300 đồng)/kg từ 26.10.2013, Phó thủ tướng Muhyiddin đã có cuộc tiếp xúc báo chí bên lề quốc hội và biện minh cho chủ trương này.

Tại đây, theo báo Malaysian Insider, ông Muhyiddin nói rằng việc ăn uống quá độ, đặc biệt là tiêu thụ nhiều đường, khiến nhiều người trên thế giới bị bệnh tiểu đường, trong đó có cả cố Thủ hiến bang Kedah - Azizan Abdul Razak.

“Chính vì lý do đó mà ông ấy (tức cố Thủ hiến Azizan) đã phải bị cưa mất đôi chân”, ông  Muhyiddin nói thêm.

Thủ hiến Azizan - chính trị gia đảng Hồi giáo toàn Malaysia (PAS) đối lập - bị bệnh tiểu đường phải cắt mất đôi chân và qua đời hôm 26.9.2013 vì bệnh tim (lúc ông 69 tuổi).

Vị Thủ hiến có 2 đời vợ và 14 người con này từng là nghị sĩ bang Kedah đến 5 nhiệm kỳ, được cử tri địa phương rất kính trọng, và là người đầu tiên không phải thành viên đảng cầm quyền UMNO làm Thủ hiến của bang này.

“Vô ý thức”!

Trên trang Malaysian Insider, độc giả tên wanom bình luận: “Muhyiddin đã đi quá xa khi trỏ phát ngôn của mình vào một con người cụ thể”.

"Phát ngôn của Muhyiddin để lại một dư vị thật tồi tệ. Làm sao mà ông ấy lại có thể vô ý thức như thế chứ?”, độc giả Awang Selamat Ori viết.

Ngay trong ngày 26.10, Ủy viên đảng PAS ở Kedah Mahfuz Omar đã cực lực phản đối việc Phó thủ tướng Muhyiddin lấy cái chết của một chính khách để làm lý lẽ biện hộ cho một chủ trương của nhà nước.

“Đó là hành vi rất không phù hợp và đáng xấu hổ của một phó thủ tướng”, ông Mahfuz nói.

Ông Mahfuz cũng nói qua báo Malaysian Insider: "PAS đề nghị Muhyiddin rút lại phát ngôn của mình, đồng thời xin lỗi bà quả phụ và gia đình Azizan cũng như toàn thể cử tri thị trấn Sungai Limau", nơi ông Azizan là dân biểu suốt 5 nhiệm kỳ.

Dân bức xúc

Hiện chưa thấy Phó thủ tướng Muhyiddin hay Chính phủ Malaysia lên tiếng gì về vụ này. Các tờ báo được cho là “thân chính phủ” cũng không đưa tin về chuyện này.


Giá đường ở Malaysia tăng 13,6% từ ngày 26.10 sau khi chính phủ bỏ trợ giá - Ảnh: The Star
 

Nhưng phát ngôn của ông Muhyiddin khiến công chúng càng bất bình hơn với kế hoạch tài chính của chính quyền Najib.

Hầu hết người dân tức giận vì giá đường hiện tại khoảng 2,50 ringgit (16.800 đồng)/ký đã tăng lên 2,84 ringgit/ký, sẽ dẫn tới việc tăng giá các thức uống và thực phẩm sử dụng nhiều đường vốn là khẩu vị của người dân Malaysia, nhất là người gốc Ấn trong dịp quốc lễ Deepavali cuối tuần này.

Thủ tướng Najib trong kế hoạch ngân sách đã lý giải việc bỏ trợ giá đường là chủ trương vì sức khỏe của người dân.

“Các thống kê cho thấy 2,6 triệu người Malaysia dưới 30 tuổi bị tiểu đường. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm khác như bệnh tim, suy thận, mù lòa và phải đoản chi”, ông Najib giải thích.

Ông Najib cũng nói thêm: “Tôi kêu gọi người dân quan tâm đến sức khỏe của mình và giảm lượng đường trong thức ăn và nước uống”.

Chưa hết, ông Najib cũng đưa ra chính sách đánh thuế hàng hóa và dịch vụ (GST, tương đương với thuế giá trị gia tăng của Việt Nam) 6% bắt đầu từ ngày 1.4.2015.

Vị Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính giải thích GST không phải là loại thuế mới mà là một cách đánh thuế tiêu thụ đồng đều thay cho Thuế bán hàng và dịch vụ (STT) hiện đang áp dụng đối với một số hàng hóa không thuộc loại “nhu cầu cơ bản” và có mức tối đa đến 16%.

“Thuế GST cố định chỉ 6%. Nếu so sánh với thuế bán hàng từ 5-10% và thuế dịch vụ 6% thì thực tế một số mặt hàng trở nên rẻ hơn”, ông nói.

Mặc dù ông Najib giải thích việc áp dụng thuế GST sẽ không tạo ra thay đổi lớn cho nguồn thu, cũng như số tiền tiết giảm được từ việc bãi bỏ trợ giá đường sẽ được chuyển vào các hoạt động dân sinh, dư luận vẫn rất bức xúc.

“Vật giá bây giờ đã quá đắt đỏ đến nỗi chúng tôi không dám nghĩ đến việc có nhiều hơn 1 đứa con. Nay lại thêm tăng giá, tăng thuế rõ là quá đáng”, cô giáo Sudhashini Nair than.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng các động thái trên là nhằm tăng nguồn thu để bù đắp cho nợ nần chồng chất mà chính phủ bội chi trong nhiều năm qua, đặc biệt là cho các hoạt động “dân túy” nhằm “mua phiếu” trong cuộc bầu cử sống còn hồi tháng 5.2013.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Hoàng thân đòi đất ở Malaysia qua đời
>> Malaysia thành lập hãng hàng không quốc gia đường dài giá rẻ
>> Thủ tướng Malaysia giải tán quốc hội
>> Thủ tướng, cựu Thủ tướng Malaysia bị kiện  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.