Nữ tướng ngành may

24/11/2013 03:00 GMT+7

Chẳng hề quá lời khi gọi chị Ninh Thị Ty là nữ tướng của ngành công nghiệp may mặc VN, bởi đến nay, chị là người phụ nữ duy nhất của ngành này nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

 Ninh Thị Ty
Chị nguyên là Phó tổng giám đốc Tập đoàn dệt may VN - Ảnh: Tư liệu

Bước sang tuổi 60, chị  vẫn đảm đương chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP may Chiến Thắng, rồi Chủ tịch HĐQT Công ty may Hồ Gươm. Hình như “nghiệp may” đến với chị là định mệnh.

Thiếu tuổi đi học

Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở TP.Hải Phòng, nhưng cất tiếng khóc chào đời vào tháng 10 nên khi đến ngày khai giảng, cô bé Ninh Thị Ty thiếu gần một tháng tuổi và không được tới trường cùng bạn bè đồng lứa. Đã vậy, lúc đó bố thất nghiệp, cả gia đình chỉ sống bằng tiền lương nhân viên cấp dưỡng của mẹ, nên ước mơ đến trường của chị càng xa hơn. Sau cùng, Ty vẫn được đến lớp nhưng chậm hơn 2 năm so với bạn bè cùng trang lứa. Khi ước mơ thành hiện thực, Ty khiến mọi người nể phục bằng kết quả đoạt giải toán lớp 4 cấp huyện ở nơi tản cư và được cử đi báo cáo điển hình vì thành tích vượt khó.

Đến lúc thi đại học, chị Ty lại tiếp tục khẳng định năng lực của mình với mức điểm cao, được cử sang Cộng hòa Dân chủ Đức học về công nghệ may. Chị đã bày tỏ nguyện vọng xin đổi ngành học nhưng không được chấp nhận nên đành phải theo.

Tốt nghiệp Trường đại học Bekleidungstechnick (Berlin), Ty được tiếp nhận về công tác ở Liên hiệp Các xí nghiệp may thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Vào năm 1986, chị lại được cử đi thực tập sinh sau đại học 18 tháng ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Đến lúc trở về cơ quan, chị thử sức ở cơ sở sản xuất, rồi được cử làm quản đốc một phân xưởng của Công ty may Thăng Long.

Hai năm sau khi nước Đức thống nhất, chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức chiêu sinh đào tạo lại cán bộ quản lý cho những ai đã học ở Đức và chị đã trúng tuyển để một lần nữa quay lại nước Đức. Đến khi về nước, được Công ty Vanlaack, một doanh nghiệp Đức đầu tư ở VN, trả lương lên đến 1.500 USD/tháng cho chức vụ giám đốc điều hành. Thế nhưng, mức lương khủng này vẫn không đủ sức níu chân chị, người luôn có khát khao thử sức phát triển một doanh nghiệp VN.

Chèo lái những con thuyền gặp bão

Vậy là, chị nhận lời mời về làm Giám đốc Công ty may Hồ Gươm với mức lương chỉ bằng 1/10 con số mà Vanlaack đã trả. Chị đã không nề hà ngay cả khi phải nhận lãnh trọng trách lèo lái một công ty có tài khoản “âm”, lương của người lao động cũng chưa biết xoay từ đâu. Tuy nhiên, chính khát vọng đã khiến chị phải mang sổ đỏ của gia đình để thế chấp, vay tiền ngân hàng trả lương cho nhân viên. Sau 2 năm, công ty bắt đầu đứng được trên đôi chân khi đủ sức trả lương nhân viên. Chưa bằng lòng, chị lại vay ngân hàng để mở rộng sản xuất. Không những thế, chị còn sớm chuẩn bị để sau khi Hiệp định Thương mại VN - Mỹ được ký kết, Công ty Hồ Gươm đã ở thế chủ động làm ăn với Mỹ và hàng loạt nước khác.

 Với thành quả cụ thể bằng việc “chèo lái con thuyền Hồ Gươm” vượt qua sóng gió, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may VN đã gợi ý chị kiêm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Công ty may Chiến Thắng đang ngấp nghé bờ vực phá sản, mỗi tháng lỗ cả trăm ngàn USD, nhân viên chán nản bỏ đi... Giữa muôn vàn khó khăn, chị lại có những quyết định gây choáng với nhiều người khi bộ máy nhân sự không chỉ được giữ nguyên mà còn tăng 20% thu nhập cho tất cả. Quyết định “ngược đời” này bị nội bộ công ty gửi đơn tố cáo lên cấp trên cho rằng chị đi học ở tư bản về nên “cố ý phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa”!

Ngược lại, chị cho rằng năng suất lao động thấp có thể là do chưa biết vận hành bộ máy một cách khoa học, lương quá thấp làm cho người lao động thiếu nhiệt tình, ảnh hưởng tới năng suất lao động. Tiếp theo, chị đưa bữa ăn trưa, bữa ăn phụ vào cho người lao động. Sau những bước đi trên, Công ty Chiến Thắng chuyển động rõ rệt. Năng suất lao động tăng cao, có nơi tăng gấp đôi. Đến tháng 12.2006, công ty đã gần như cắt lỗ rồi tiến tới có lãi.

Khi tôi hỏi về bí quyết điều hành hiệu quả ở hai doanh nghiệp mà chị vực được từ chỗ đều bên bờ phá sản, chị trả lời rất giản dị: “Tôi học được điều này từ người Đức, đó là phải có sự tự tin vào sức lực và trí tuệ của bản thân; phải biết tính toán để tiết kiệm từng gam nguyên vật liệu, từng phút lao động trong dây chuyền sản xuất sao cho khoa học. Bản thân cán bộ lãnh đạo cũng phải thật gương mẫu. Ngoài ra, người lãnh đạo cao nhất của đơn vị cần có một tầm nhìn dài hơi và quyết liệt hơn khi phải quyết đoán công việc”.

Có thể nhờ vào những đóng góp ấy, 5.000 công nhân của 2 công ty với 13 xí nghiệp trải dài khắp 10 tỉnh thành ở miền Bắc do chị lãnh đạo hiện nay đều cảm phục chị.

Sản phẩm của 2 công ty do chị lãnh đạo đã được xuất sang hàng loạt thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu, Canada, Mexico, Colombia và đã mang về nguồn thu không nhỏ cho đất nước. 

Quốc Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.