Người xưa dạy sử Việt

05/09/2013 11:15 GMT+7

Những bài văn vần, câu chuyện danh nhân thú vị. Bài học về lãnh thổ, cương vực của Tổ quốc không bao giờ thiếu. Đó là cách người xưa đã dạy sử trong thời kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Sáng qua (4.9), trước ngày giỗ đầu, cuốn sách của TS Nguyễn Thị Hường Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm đã ra mắt. Một cuốn sách mà theo đồng nghiệp cùng Viện Hán Nôm, TS Trần Trọng Dương, đã mở đầu một hướng nghiên cứu đầy hứa hẹn. Để có được tác phẩm, nhà nghiên cứu đã khảo sát 20 cuốn sách dạy lịch sử (gồm 186 văn bản cổ) có niên đại từ 1880 đến 1952.

Một trang trong cuốn Thiên nam tứ tự kinh
Một trang trong cuốn Thiên nam tứ tự kinh - Ảnh: TL 

Sử viết bằng văn vần

Có rất nhiều bài học lịch sử bằng văn vần đã được tìm thấy và được dịch lại. Chẳng hạn, sách Khóa nhi tiểu giản tứ tự quốc âm thể, một cuốn sách dạy trẻ em bậc sơ học. Sách được soạn theo thể thơ 4 chữ, gồm 400 câu. Sách dạy về cương thường, luân lý, sử ký, cách đối nhân xử thế và nhiệm vụ đối với đất nước. Trong đó có 40 câu dạy về lịch sử Việt Nam đến năm 1945. Ai mà không thấy thú khi học bài học văn vần như: “Từ họ Lạc Hồng/Đến đời Thục Triệu/Có nước có dân/Không hèn không yếu”, rồi “Thời kỳ Bắc thuộc/Hơn một nghìn năm/Quốc dân chịu nhục/Chí khí nuốt căm”... Nhiều cuốn sách khác bằng văn vần mỗi câu bốn chữ cũng được khảo và nêu tên trong nghiên cứu này.

Những bài học về con người trong sách sử cũng được TS Hường tìm và nêu cụ thể. Tài liệu về danh nhân lịch sử. Cuốn Thiên nam tứ tự kinh sau khi trình bày diễn trình lịch sử, có liệt kể danh nhân đất Việt với thể văn vần bốn chữ. Có Phù Đổng Thiên Vương, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Mạc Đĩnh Chi... Với các vua sáng, kể các chính sách có đóng góp quan trọng trong lịch sử. Trong Tiểu học quốc sử lược biên, mỗi bài học là một sự kiện lịch sử quan trọng như những thay đổi về chính sách, những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Những luận giải về cương vực, theo TS Hường cũng là điều đáng chú ý trong các sách giáo khoa lịch sử của người xưa. “Có thể nói, việc trình bày chuyên sâu về cương vực là công việc của môn địa dư. Nhưng do tính quan trọng của nó đối với quốc gia cũng như sự liên quan chặt chẽ của nó với quốc sử, cương vực luôn là vấn đề được đặt ra hàng đầu trong các sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và Nôm”, TS Hường phân tích.

Chính vì mức độ quan trọng đó, tuy sách trình bày kỹ càng về cương vực giữa các sách không giống nhau, có sách lướt qua, có sách dành cả chuyên mục, nhưng vấn đề cương vực luôn được các tác giả biên soạn sách đề cập đến. Chủ quyền trên biển ở Hoàng Sa, Trường Sa vì thế cũng có trong những bài giảng của sách sử.

Chưa kể, theo TS Hường, một số cuốn sách sau khi trình bày các sự kiện chính còn có những phần sử bình, thể hiện quan điểm sử học. Trong cuốn Tiểu học quốc sử lược biên, tác giả đặt hẳn những phần phân tích sự kiện thành bài học. Có bài về phép tắc tốt đẹp nhà Trần. Cũng có bài phương pháp lấy lòng dân của nhà Trần hay nguyên nhân nhà Trần thắng quân Nguyên. “Như vậy, tác giả không đơn thuần là trình bày sự kiện mà tổng hợp, phân tích sống động, thổi vào đó cả niềm tự hào dân tộc, tạo hứng thú cho người đọc”, TS Hường phân tích.

Hướng dạy sử mới

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, chỉ riêng việc có về lãnh thổ, cương vực trong mọi cuốn sách giáo khoa lịch sử đã là điều đáng chú ý. Vì bản thân bà, khi tìm hiểu về cương vực thời Trần cũng thấy số sách có nội dung này không nhiều.

 TS Nguyễn Thị Hường (trái) và TS Tô Lan trong nhóm tổ chức bản thảo cuốn sách d
TS Nguyễn Thị Hường (trái) và TS Tô Lan trong nhóm tổ chức bản thảo cuốn sách
- Ảnh: Ngữ Thiên

PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Hán Nôm nhấn mạnh lại ý kiến của TS Hường, rằng rất cần tiến hành dịch chú các cuốn sách dạy lịch sử bằng chữ Hán, Nôm để dùng làm tài liệu tham khảo trong việc biên soạn và dạy lịch sử. Ông cũng đồng tình đề xuất cấu trúc sách như: câu chuyện lịch sử ở tiểu học, vấn đề lịch sử ở trung học... “Rõ ràng chúng ta thấy việc dạy lịch sử hiện nay đang rất yếu. Chúng ta cần chú ý những đề xuất mà TS Hường đã nói trong nghiên cứu”, ông Mạnh nói.

Với cuốn Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, từ chuyện học sử của người xưa, có biết bao bài học mà ngày nay cần tiếp nối.

'Có thể nói, chưa ở đâu và chưa bao giờ vấn đề học sử Việt Nam lại được cổ vũ và coi trọng như trong các cuốn sách dạy lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Quốc sử được xem là công cụ đúc nên quốc hồn, là linh đan bồi bổ cho quốc não, khơi dậy lòng yêu nước, đưa đất nước tiến lên văn minh và tiến bộ', cố TS Nguyễn Thị Hường (1981 - 2012).

Trinh Nguyễn

>> Giáo viên là người quyết định học sinh thích học sử
>> Cô thủ khoa chuyển từ học văn sang học sử
>> Học sinh lớp 5 viết phần mềm học Sử
>> Học sử là phải hiểu sử
>> Hơn 8.500 trường học sử dụng hệ thống quản lý SMAS
>> Học sử qua những bài giáo khoa thuộc lòng
>> Lên mạng học sử Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.