Ấn Độ có thể tấn công hạt nhân phủ đầu Trung Quốc, Pakistan?

23/08/2013 08:45 GMT+7

(TNO) Một cựu tư lệnh Hải quân Ấn Độ vừa lên tiếng kêu gọi nước này cần thay đổi học thuyết quân sự để cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu.

(TNO) Trong bài bình luận đăng trên tờ The Asian Age hôm 19.8, phó đô đốc Arun Kumar Singh, cựu Tư lệnh Hải quân miền Đông Ấn Độ, đã kêu gọi giới chức nước này cần phải thay đổi học thuyết quân sự để cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm tạo đối trọng với liên minh Trung Quốc - Pakistan.

Ấn Độ có thể tấn công hạt nhân phủ đầu Trung Quốc - Pakistan?
 Một tên lửa hạt nhân của Ấn Độ - Ảnh: AFP

Đề cập đến khả năng tấn công phủ đầu nói trên, ông Arun Kumar Singh cho biết Ấn Độ nên nhanh chóng thay đổi chính sách "không ra tay trước" của mình nhằm tạo năng lực răn đe với Pakistan và Trung Quốc.

“Để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, Ấn Độ cần phải tuyên bố không loại trừ khả năng tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong trường hợp các thế lực thù địch vượt qua ‘lằn ranh đỏ’”, ông Singh viết.

Ông Singh cũng nhấn mạnh là vũ khí hạt nhân chiến thuật chỉ được triển khai dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của Cơ quan kiểm soát vũ khí hạt nhân Ấn Độ.

Liên minh mới nổi Trung Quốc - Pakistan

Ông Arun Kumar Singh cho biết ông bắt đầu quan tâm nghiên cứu các hoạt động và xung đột nhỏ lẻ tại biên giới Ấn Độ từ năm 2008. Dựa trên kinh nghiệm 40 năm phục vụ trong các lực lượng Hải quân và Phòng vệ duyên hải, ông đã nhận thấy sự hình thành một mô hình “liên minh ma quỷ” mới nổi.

Trong đó, vấn đề đáng báo động nhất là những đối tượng khủng bố người Pakistan sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công Ấn Độ bằng đường biển.

Ông này nhắc lại một sự kiện khủng bố ngày 26.11.2008 tại thành phố Mumbai đã xảy ra chỉ 6 tháng sau khi tờ The Asian Age đăng tải bài viết của ông có tựa đề Cuộc tấn công khủng bố tiếp theo có thể là từ biển vào ngày 19.5.2008.

Nhà phân tích chiến lược người Ấn Độ cho biết mặc dù đã 51 năm trôi qua kể từ cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc (năm 1962), nhưng Ấn Độ vẫn tiếp tục phải trả giá vì sự thờ ơ trong chiến lược phòng thủ của mình.

Cụ thể là tại khu vực Ladakh, Ấn Độ hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng cơ sở hạ tầng cũng như các lực lượng quân sự có quy mô tương xứng. Và điều này đã tạo ra những lỗ hổng an ninh đang được Trung Quốc khai thác một cách khéo léo. 

Riêng hệ thống đường bộ từ thị trấn Leh đến đường băng phía đông Daulat Beg Oldi thì chưa được xây dựng, nên binh sĩ Ấn Độ vẫn phải hành quân trên địa hình đồi núi trong 6 ngày để vượt qua khoảng cách này.

Trong khi đó, nhờ địa hình bằng phẳng, cơ sở hạ tầng đầy đủ, và sự sẵn sàng của các lực lượng đồn trú tại chỗ, quân đội Trung Quốc có thể tiếp cận khu vực tranh chấp ở phía đông Ladakh trong vòng 12 - 24 giờ.

Ngoài ra, ông Arun Kumar còn cho biết những thay đổi lãnh đạo chính trị gần đây ở Trung Quốc và Pakistan, cùng với việc Mỹ sắp rút quân khỏi Afghanistan, đã dẫn đến nhiều hoạt động mang tính phối hợp chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Pakistan dọc theo các tuyến biên giới với Ấn Độ.

Ông Singh nhắc lại chuyện Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, sau khi lên nắm quyền vào ngày 5.6, đã ngay lập tức thiết lập "khu vực Kashmir". Và chưa đầy hai tháng sau, vào ngày 2.8, bom đã nổ gần lãnh sự quán Ấn Độ tại Jalalabad (miền đông Afghanistan).

Các hoạt động gần đây nhất của Pakistan dọc theo Đường kiểm soát (LOC) ở Kashmir là vụ giết hại 5 binh sĩ Ấn Độ hôm 6.8, cuộc đọ súng dọc theo LOC hôm 15.8, và các cuộc bạo loạn cộng đồng ở Kishtwar.

Còn Trung Quốc cũng đã liên tục có những hoạt động khiêu khích dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) tại Ladakh, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ binh lính nước này xâm nhập và xây dựng lán trại tại khu vực thung lũng Depsang thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ hồi tháng 4.

Qua nghiên cứu và phân tích các hoạt động của Pakistan dọc theo LOC và của Trung Quốc dọc theo LAC, ông Arun Kumar Singh đã bày tỏ lo ngại về mối đe dọa từ liên minh Trung Quốc - Pakistan có thể sớm trở thành hiện thực, đặc biệt là trong thời điểm đang diễn ra bầu cử tại Ấn Độ.

Chênh lệch lực lượng và thế “lưỡng đầu thọ địch”

Lo ngại về sự an toàn của dự án “hành lang năng lượng” trị giá 18 tỉ USD từ khu vực Tân Cương đến cảng Gwadar của Pakistan qua khu vực núi Karakoram, Trung Quốc đã quyết định phải chiếm cho được một số lãnh thổ đang tranh chấp ở miền đông Ladakh.

Với năng lực về cơ sở hạ tầng và lực lượng quân sự hiện có ở miền đông Ladakh, là khu vực mà Ấn Độ chỉ duy trì cảnh sát vũ trang và một số ít binh sĩ, quân đội Trung Quốc có thể phát động một cuộc tấn công của không quân và lục quân với sự tham gia của khoảng 10.000 - 20.000 bộ binh và 100 - 300 xe tăng để xâm chiếm toàn bộ khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền tại đông bắc Ladakh trong vòng 48 giờ.

Các đường băng quân sự tại biên giới Daulat Beg Oldi và Nyoma có thể bị chiếm đóng bởi lực lượng Trung Quốc được trực thăng vận trong vòng vài giờ, nhằm cắt đứt đường tiếp vận trên không của Ấn Độ đến khu vực phía đông Ladakh.

Sự can thiệp tích cực của không quân Ấn Độ, thậm chí nếu được chấp thuận ngay lập tức của chính phủ, có thể tác động không đáng kể tới kết quả vì sự bất cân xứng về lực lượng.

Nếu chiếm đóng được khoảng 1.000 km2 ở phía đông bắc Ladakh, Trung Quốc không chỉ đảm bảo an ninh cho dự án hành lang năng lượng "Karakoram - Gwadar" của mình, mà còn có khả năng uy hiếp các vị trí đóng quân của Ấn Độ trên các sườn núi Saltoro, đặc biệt là khi quân đội Ấn Độ phải lâm vào thế “lưỡng đầu thọ địch” với lính Pakistan giáp công mặt trước và lính Trung Quốc phụ trách mặt sau. 

Nếu cuộc khủng hoảng này bùng nổ, các lực lượng tàu chiến, tàu ngầm và máy bay của Trung Quốc sẽ di chuyển đến cảng và sân bay tại Gwadar, do đó vô hiệu hóa lợi thế địa lý tự nhiên của bán đảo Ấn Độ là nằm chắn ngang tuyến đường giao thương xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc.

Ngoài ra, các đơn vị Hải quân Trung Quốc đồn trú tại Gwadar còn có thể cắt đứt tuyến đường nhập khẩu năng lượng của Ấn Độ từ Tây Á.

Trong tháng 4.2011, Pakistan đã ký với Trung Quốc một hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm quy ước lớp Thanh, dự kiến sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động khoảng giữa năm 2014 đến 2015. Mỗi chiếc tàu ngầm lớp Thanh có khả năng phóng 3 tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân CJ-10 với tầm bắn đến 2.500 km.

Trong các cuộc thử nghiệm hạt nhân Pokhran II năm 1998, Ấn Độ đã thử nghiệm 4 thiết bị hạt nhân bao gồm các loại 0,2 kg, 0,4 kg, 0,8 kg và loại 14 tấn. Những vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) này có thể được sử dụng để chống lại các đơn vị quân sự có quy mô lớn xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ, bao gồm cả khu vực Ladakh.

Với sức mạnh hủy diệt của mình, các TNW nói trên hoàn toàn có thể ngăn chặn một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn của Trung Quốc ở miền đông Ladakh. Cả Trung Quốc và Pakistan cũng đều sở hữu TNW, và chắc chắn hai nước này sẽ không ngần ngại sử dụng chúng trên lãnh thổ Ấn Độ.

Với những lập luận trên, ông Arun Kumar Singh đã kêu gọi New Delhi hãy áp dụng chính sách tấn công phủ đầu hạt nhân.

Nguyên Giang

>> Pakistan tố Ấn Độ nã pháo giết chết sĩ quan quân đội
>> Ấn Độ điều máy bay khủng tới sát Trung Quốc
>> Báo Trung Quốc: Tàu sân bay Ấn Độ và Nhật Bản là mối đe dọa cho Trung Quốc
>> Ấn Độ điều máy bay vận tải quân sự đến biên giới với Trung Quốc
>> Tổng thống Ấn Độ: Sự kiên nhẫn của Ấn Độ có giới hạn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.