Chỉ chăm chăm vào tăng trưởng sẽ tụt hậu rất xa

09/08/2013 11:00 GMT+7

Không có con đường nào đi đến tăng trưởng kinh tế bền vững lại bỏ qua đầu tư cho khoa học cơ bản, một lĩnh vực mà tài năng của người trẻ phải được coi là tài sản quốc gia.

Các đại biểu còn lại trong số khoảng 180 nhà vật lý quốc tế tham gia hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam (GGVN) lần thứ 9”, trong đó có 5 nhà khoa học (KH) từng đoạt giải Nobel, đã lần lượt đến VN vào ngày 8.8. Họ sẽ cùng 30 nhà vật lý người VN dự lễ khánh thành khu hội trường trong Trung tâm quốc tế KH và giáo dục liên ngành (ICISE) ở P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, Bình Định vào ngày 12.8.

Không hẹn mà gặp, các nhà KH đều khẳng định KH cơ bản là mắt xích quan trọng quyết định mức độ thành công và bền vững của tăng trưởng kinh tế ở mỗi quốc gia. Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn với 5 nhà KH đoạt giải Nobel cùng một chuyên gia hàng đầu khác trong ngành xoay quanh chủ đề này.

Giáo sư Sheldon Lee Glashow
Giáo sư Sheldon Lee Glashow

Thông điệp nào ông mong muốn truyền tải nhất trong hội nghị này?

Giáo sư Sheldon Lee Glashow (nhà vật lý lý thuyết người Mỹ đoạt giải Nobel Vật lý năm 1979 vì những đóng góp cho thống nhất tương tác điện yếu và dự đoán về dòng trung hòa yếu): Bản thân “GGVN lần thứ 9” sẽ minh chứng người dân và Chính phủ VN công nhận KH cơ bản đã, đang và sẽ luôn luôn đóng vai trò trọng yếu trong xã hội. Chúng ta phải luôn hiểu thấu đáo mối quan hệ hữu cơ giữa KH cơ bản và công nghệ. ICISE sẽ là nơi tập trung vào ươm mầm các phát kiến KH cũng như là nơi giao lưu, trao đổi các tri thức KH mới nhất.

Giáo sư Klaus von Klitzing
Giáo sư Klaus von Klitzing 

GS Klaus von Klitzing (nhà vật lý người Đức nổi tiếng về công trình phát hiện Hiệu ứng Hall lượng tử, đoạt giải Nobel năm 1985): KH và giáo dục là nền tảng cơ bản nhất của mọi xã hội dân chủ và cộng đồng con người. Không một chính phủ nào trên thế giới có thể làm ngơ trước điều này. KH và giáo dục quan trọng đối với phát triển kinh tế đến mức chúng ta không thể thảo luận chúng riêng rẽ. Mọi thứ phải được đặt trong một mắt xích hoàn chỉnh: kiến thức KH, giáo dục, thành tựu công nghệ và tăng trưởng kinh tế.

Với mối quan hệ mật thiết và hiển nhiên như vậy, vì sao giới KH vẫn gặp khó khăn để thuyết phục các chính trị gia rằng đầu tư cho KH và giáo dục không hề kém quan trọng hơn tăng trưởng GDP hay phát triển kinh tế, thưa ông?

GS David Gross (nhà vật lý người Mỹ đoạt giải Nobel Vật lý năm 2004 cho khám phá hiện tượng tiệm cận tự do trong lý thuyết tương tác mạnh): Đúng là cuộc tranh cãi xung quanh KH hay kinh tế cái nào quan trọng hơn vẫn còn tiếp tục trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc hay Brazil, đầu tư cho KH đang ngày càng gia tăng. Có quá nhiều lý do để đầu tư cho KH và hiển nhiên lý do quan trọng là có đầu tư cho KH thì mới thúc đẩy được nền kinh tế, vốn ngày càng dựa vào các thành tựu công nghệ mới.

Giáo sư David Gross
Giáo sư David Gross

Giáo sư George Fitzgerald Smooth
Giáo sư George Fitzgerald Smooth

 

Một quốc gia hy sinh việc đầu tư nguồn nhân lực và chỉ chăm chăm vào tăng trưởng sớm muộn gì cũng sẽ tụt lại rất xa

GS George Fitzgerald Smooth

GS George Fitzgerald Smooth (nhà vật lý thiên văn và vũ trụ học người Mỹ, đoạt giải Nobel Vật lý năm 2006 cho những khám phá làm cho việc đo lường lỗ đen và bức xạ vũ trụ trở nên khả thi và chính xác hơn nhiều): Tôi thì cho rằng không đáng để đem ra tranh luận và so sánh về tầm quan trọng giữa KH và kinh tế. Đơn giản là hãy nhìn các quốc gia có GDP tăng trưởng cao và xem họ đầu tư như thế nào cho KH và giáo dục. Bằng chứng quá rõ ràng: Nền kinh tế nào lơ là việc đầu tư nguồn nhân lực và phát triển công nghệ sẽ vô cùng lệ thuộc vào việc khai thác tài nguyên của chính mình thuê nhân công nước khác để phát triển kinh tế. Một quốc gia có nguồn nhân lực kém là một quốc gia có vấn đề.

Nhưng vẫn có những nước đạt được con số tăng trưởng GDP ấn tượng mà vẫn không đầu tư nhiều cho KH đó thôi, thưa ông? 

GS Rolf Heuer (Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu u (CERN), người sẽ có bài diễn thuyết về những kết quả thú vị nhất trong nghiên cứu vật lý hạt cơ bản): Có thể tăng trưởng GDP mà không cần đầu tư cho KH trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, một nền kinh tế không được KH hỗ trợ với nguồn nhân lực không được trang bị những kiến thức về KH không thể nào phát triển bền vững. Chẳng sớm thì muộn, nền kinh tế đó sẽ rơi vào khủng hoảng và nên nhớ mục đích của KH và giáo dục là để dung hòa các cuộc khủng hoảng kinh tế.

GS Smooth: Một quốc gia hy sinh việc đầu tư nguồn nhân lực và chỉ chăm chăm vào tăng trưởng sớm muộn gì cũng sẽ tụt lại rất xa. Với dân số tương đối lớn của mình, VN đang ở vào vị thế thuận lợi để đầu tư tối đa cho nguồn nhân lực và làm bệ phóng để phát triển kinh tế. Lực lượng lao động của VN phải thật tinh nhuệ để cạnh tranh ở các thị trường lớn hơn bởi vì một quốc gia đang trên đà phát triển không thể cứ mãi lệ thuộc vào nguồn nhân công rẻ.

Giáo sư Rolf Heuer 
Giáo sư Rolf Heuer 

Nhưng với một quốc gia có nguồn ngân sách không dồi dào, dung hòa đầu tư cho KH và phát triển kinh tế như thế nào là hợp lý, thưa ông?

GS Heuer: Điều quan trọng nhất là đầu tư vào lĩnh vực này không có nghĩa là triệt tiêu lĩnh vực kia. Ví dụ như bạn có một bao tải ngô và quyết định sẽ làm gì với nó, liệu bạn sẽ ăn hết bao tải đó hoặc lấy hết hạt để gieo trồng cho tương lai? Cách nào cũng thiệt, nên bạn phải tính toán làm sao cho thật hài hòa.

Nhưng có một sự đầu tư mà tôi cho là không cần phải đau đầu tính toán: Đầu tư cho người trẻ và truyền cảm hứng đam mê KH cho họ. Ở Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu u, chúng tôi luôn tạo điều kiện tối đa để người trẻ luôn được truyền cảm hứng và gần gũi với thế hệ đi trước. Chỉ cần ghé vào các nhà hàng trong khuôn viên trung tâm, bạn sẽ bắt gặp một khung cảnh hết sức quen thuộc: Các nhà KH trẻ ngồi cùng bàn ăn với thế hệ lão làng; và họ đều trân trọng lẫn nhau. Do đó, tôi cho rằng GGVN lần thứ 9 sẽ là một cơ hội tuyệt vời như thế để VN truyền nguồn cảm hứng đó cho các nhà KH trẻ của mình.

Giáo sư Jack Steinberger
Giáo sư Jack Steinberger

GS Jack Steinberger (nhà KH người Mỹ gốc Đức đoạt giải Nobel Vật lý năm 1988 do phương pháp chùm neutrino và chứng minh của họ về cấu trúc bộ đôi (doublet) của các lepton thông qua phát minh neutrino muo): Tôi cũng cho rằng mục đích lớn nhất của GS Trần Thanh Vân tại GGVN lần thứ 9 là truyền nguồn hứng khởi và đam mê cho KH VN, trong đó người trẻ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Điều tôi muốn nhắn gửi với các nhà KH trẻ là: Hãy làm việc và nghiên cứu bằng tất cả sự hăng say, sự tận hiến cho xã hội và quốc gia. Đừng để đầu óc của một người làm KH luôn bị ám ảnh bởi mục tiêu phải đạt giải thưởng này giải thưởng kia bằng mọi giá, cho dù có là giải Nobel. Thành tựu KH chỉ đạt được bởi chính những sự tận hiến ấy, tất nhiên là không thể tách rời sự hỗ trợ về mọi mặt từ chính phủ và xã hội.

An Điền
(thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp

>> Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng hơn 10%
>> Tăng trưởng kinh tế có tín hiệu khả quan
>> VN thuộc các nước có triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt nhất thế giới
>> Trung Quốc bị hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế
>> Tăng trưởng kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa
>> ADB điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế VN lên 6,7%
>> Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa
>> Đức đạt tăng trưởng kinh tế kỷ lục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.