Không thiếu quỹ tên đường

03/11/2013 02:22 GMT+7

Tên đường nói chung thường được đặt theo tên các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, danh nhân quân sự, danh sĩ các triều đại, liệt sĩ, sự kiện lịch sử lớn, tên đất, tên sông, tên những thành phố (tỉnh) kết nghĩa.

Cá biệt, ở TP.HCM khi xây dựng xong khu Miếu Nổi, quận Phú Nhuận có sáng kiến đặt tên các con đường ngắn theo tên hoa: Hoa Lan, Hoa Hồng, Hoa Phượng; bảng chỉ đường rõ ràng nên đi tìm nhà mà lòng vẫn thấy thanh thản, đỡ sốc.

Nói như vậy có nghĩa là vẫn có những tên đường làm người ta bị sốc và sốc rất lâu. Danh tướng Trần Hưng Đạo được đặt cho con đường dài từ quận 1 tới quận 5 nhưng không hiểu làm sao lại chia ra Trần Hưng Đạo A và Trần Hưng Đạo B. Chuyện cà rỡn này có thể làm trẻ con hiểu nhầm tai hại là ngày xưa có đến hai ông Trần Hưng Đạo; có lẽ là do bà cụ sinh đôi (!).

Thật sự, đất nước chúng ta không thiếu quỹ tên đường cho nên việc đặt tên những con đường mới là chuyện có thể làm trong tầm tay. Ví dụ như đường nhỏ quá, không xứng đáng với tầm vóc một anh hùng, danh nhân thì ta đặt theo tên sông, tên núi, tên tỉnh, tên thành phố. Chúng ta đâu có thiếu chữ nghĩa mà một thành phố có bốn vua Lê Lợi, ba nữ tướng Bùi Thị Xuân… Cứ theo gương quận 10 mà ta có Đồng Nai, Trường Sơn; theo gương Tân Bình mà ta có Hồng Hà, Cửu Long; vừa không “đụng hàng”, đọc lên càng nghe dịu dàng thắm thiết.

Có nhiều khi, việc đặt tên đường vốn nhằm mục đích biểu dương tên tuổi một người mà không khéo léo xử sự lại trở thành thất kính với người đi trước. Thí dụ quận Tân Bình có hai đường Đồng Đen và Út Tịch. Hai tên đường này vốn là hỗn danh hoặc tiếng gọi thân mật của đồng đội, đồng chí đặt cho trong thời gian cùng chiến đấu. Đáng lẽ vinh danh hai vị đó bằng tên thật của họ thì ta lại lấy ra mà đặt tên đường, quả là một điều đáng tiếc!

Nhà tôi ở đường Tân Thới Nhất 18, quận 12. Quận 12 là quận mới được thành lập, tên phường và con số (tên) đường kết hợp làm một. Thế nhưng qua hơn 10 năm ở đây, thư của các nơi gửi về cho tôi chưa bao giờ ghi đúng địa chỉ. Ấy bởi vì bạn bè, cơ quan đoàn thể các tỉnh khác cứ nghĩ đơn giản rằng sau tên đường thì đến tên (số) của phường. Cho nên, họ cứ ghi ngoài bì thư là đường Tân Thới Nhất phường 18 quận 12. May mắn là các anh bưu tá biết tôi nên ai có viết sai thì các anh vẫn đưa thư đúng chỗ. Cái đó kêu bằng phước chủ may thầy. Có mà đi tìm đỏ mắt cũng chẳng ra phường 18 này. Còn xe các tỉnh đến đón tôi đi công tác thì cũng phải điện ba bốn cuộc mới tìm ra... tệ xá!

Thay một tên đường rất khó cho nhân dân trong những vấn đề làm hồ sơ hộ tịch cho nên phải thật thận trọng khi quyết định thay đổi. Có những tên đường dân dã, vốn đã đi vào máu thịt của đời sống nhân dân thì vẫn nên giữ lại. Thí dụ đường Cây Trâm (Gò Vấp), Cây Quéo (Bình Thạnh). Xin đừng chê những tên gọi đó là… không văn nhã.

Hễ thiếu quá, ta làm theo kiểu Phú Nhuận; cứ Hoa Cau, Hoa Bưởi, Hoa Thiên Lý, Hoa Trang, Hoa Ngâu… mà đặt. Có bao nhiêu loài hoa thì có bấy nhiêu tên đường. Tên đường mang tên hoa vừa trung tính, vừa lãng mạn. Không chừng bà con vui vẻ, theo đó mà trồng các loài hoa thì thành phố lại càng tươi đẹp hơn.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.