Khi chồng ở rể

28/01/2010 17:20 GMT+7

An biết nhà vợ giàu sau khi hai người đã yêu nhau một thời gian ngắn. Nói vậy để loại trừ ngay từ đầu ý nghĩ yêu của mà chẳng yêu người hoặc yêu của rồi mới yêu người.

Chàng rể gặp may

Khánh là con một, con gái cưng, con gái rượu nên ba mẹ không muốn gả con đi làm dâu. May họ biết nhà An nghèo, ở một huyện vùng sâu, nên ý định bắt rể càng dễ thành hiện thực. Ba mẹ Khánh và cả Khánh đều xác định, nhà mình cần người chứ không cần của, nên khi gặp An, họ ưng ngay.

An cao ráo, sáng láng, đẹp trai, nhanh chân nhanh tay, nhanh cả mồm miệng, đứng đắn nghiêm túc, 24 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học được hai năm, đang lây lất tìm một chỗ làm ổn định nơi tỉnh nhà, và lòng đầy khát vọng chứng tỏ bản thân.

Sau khi bên đàng gái đặt vấn đề, An và gia đình ngần nghĩ nhiều trước câu: “Thà ở xó chuồng heo còn hơn ở theo quê vợ”. Nhưng khi đi tham quan một vòng cơ ngơi nhà ông bà sui, lại nghe bên kia bắn tin ông cậu của Khánh làm trong sở quy hoạch - kiến trúc đã xin cho An một chân chuyên viên ở đó, thì đàng trai tặc lưỡi.

Lúc mới về làm rể, An cũng có băn khoăn. Công việc do bên vợ xin cho, nhà cửa hiện ở chung với cha mẹ vợ, lương chuyên viên tháng hai triệu bạc, mọi chi tiêu của hai vợ chồng đều do cha mẹ vợ cung cấp. Nhưng dần dà, lòng tốt và sự rộng rãi, tế nhị của cha mẹ vợ khiến An quên hết ngại ngùng. Họ đối với anh như con, hết sức cưng chiều thương quý.

Cưới nhau chưa đầy năm, cha vợ đưa anh 3 tỉ, bảo đi kiếm miếng đất hợp ý mà xây nhà, nhớ kiếm miếng nào rộng rộng sau này con cái có chỗ chạy nhảy. Anh mua đất xong, cha vợ lại hỏi ngôi nhà trong mơ ước của anh trông như thế nào, cứ nói, đừng hà tiện. Anh hứng thú miêu tả, ông đưa cho anh 2 tỉ nữa.

Nhà xây xong chưa kịp tân gia, cha vợ lại bảo anh đi học lái xe. Bằng chưa lấy, cha vợ đã rủ anh đi coi xe, nói lựa cái nào ngó được một chút, kẻo xấu mặt cha, đằng nào cha mẹ cũng chỉ có vợ chồng con là con, chết không mang của theo được.

Cứ thế, cha mẹ vợ không ngừng phủ gấm đắp vàng lên con rể. An lần đầu trong đời tiếp xúc với nhiều tiền bạc của nả thế, đâm ra như người mụ mị, bảo gì làm nấy.

Đổi thay

Những mục tiêu vật chất anh nghĩ mình sẽ phải phấn đấu cả đời để có (chỉ bằng một phần tư ngần này thôi) thì nay bỗng chốc tự trôi đến với anh. Anh cũng điểm thêm vào gia tài mình cái nhà hàng, chuỗi cây xăng hiện cha vợ anh đang nắm (đằng nào ông cũng chỉ có vợ chồng anh là con). 28 tuổi, An đã là người đàn ông không thiếu thứ gì. An cứ thế sáng lái xe hơi đi, chiều lái xe hơi ra... quán nhậu, tối lái xe hơi về. Chàng thanh niên năng động, thanh thoát, mắt sáng rực khát khao và hoài bão ngày nào (cách đây mới 3 năm thôi) giờ mắt đã lờ đờ lim dim, mặt căng bóng, hơi có bụng, da trắng nõn, thơm phức, như được làm bằng bơ sữa. An chả còn kế hoạch và dự định dài hạn nào ngoài  chuyện chiều nay hẹn quán nào, cuối tuần này đi chơi trò gì, ở đâu.

Vợ An, Khánh thì sao? Cô tỏ ra hoàn toàn thờ ơ với mớ tài sản (cô đã quen thấy nó từ nhỏ, chả còn lạ lùng gì) và hình như ngày một thờ ơ với chồng. Cô đi làm cầm chừng, cho có danh có phận là chính (cũng như An vậy). Chiều chiều, thay vì đi tới quán nhậu với An, Khánh cắp sách đi học. Cô đã học xong thạc sĩ, đang học tiến sĩ. Là phụ nữ, nhưng cô có giấc mơ của mình.

Thỉnh thoảng, An gợi lại với Khánh về khát vọng thời học sinh, sinh viên của anh, thì Khánh cười trừ: “Hồi đó anh nghèo quá, nên cái gì cũng thành ước muốn được, cái gì cũng thành khát vọng được. Giờ anh hài lòng với cuộc đời thế này, không còn mong muốn sống cuộc sống nào khác”, rồi anh quay qua hôn nịnh vợ, nói cảm ơn em, cảm ơn ba mẹ.

Khánh quay đi, mắt lạnh như mắt cá. Về phòng mình, cô gọi điện thoại cho ba, vừa khóc vừa gào vô máy: “Ba đã làm gì chồng con, ba biết mà. Ảnh bây giờ như người  bị phế bỏ võ công, sống như một cục thịt. Con đâu có thèm thứ chồng đó”. Ba cô nói lại: “Mọi việc ba làm, ba chỉ làm vì con. Nó từ thỏ hoang giờ thành thỏ nuôi, mà thỏ nuôi trong nhà, nhà máy lạnh, thì suốt đời sẽ không rời con ra được nữa. Nó sẽ suốt đời lệ thuộc vô con, vô gia đình mình, như vậy sẽ không có khả năng làm con đau khổ, bất hạnh. Con còn muốn sao!?”.

Trên đây là câu chuyện của người bạn gái. Cô bạn còn đặt ra cho tôi một câu hỏi hóc búa như một mệnh đề triết học: rốt cuộc là vật chất chắp cánh cho con người hay làm cùn nhụt, tàn lụi con người?

Thư Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.