Khổ vì bị người khác kinh doanh tên thương hiệu y chang mình...

Thanh Nam
Thanh Nam
16/03/2024 15:19 GMT+7

Nhiều người trẻ kinh doanh bất ngờ khi thấy những cái tên thương hiệu y chang trên thị trường. Trong trường hợp này cần phải làm gì?

"Anh em song sinh"

Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh (37 tuổi), chủ một cơ sở kinh doanh rau má pha trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, phản ánh việc bị người khác xâm phạm nhãn hiệu. Cụ thể, trên hai tuyến đường Phù Đổng Thiên Vương và Phan Đình Phùng ở gần đó cũng "mọc" lên điểm bán rau má pha, sử dụng logo và tên thương hiệu y hệt. Chị Thanh yêu cầu người xâm phạm cần phải dừng ngay việc mạo danh nhưng không được hợp tác. Chị Thanh không biết làm gì ngoài việc đăng tải bài cảnh báo lên fanpage.

Trường hợp của chị Thanh không ngoại lệ. Theo luật sư Nguyễn Hải Long (Đoàn luật sư Tây Ninh), chuyện mạo danh thương hiệu khiến nhiều doanh nghiệp "đau đầu". Không ít thương hiệu nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực như: cà phê, bất động sản… đều từng vướng vào câu chuyện phải tranh chấp vì bị giả mạo thương hiệu.

"Có doanh nghiệp bất động sản đã bị người khác tạo fanpage, logo, tên trên bảng hiệu kinh doanh giống hệt 100%, nhìn như "anh em song sinh". Một trường hợp khác đã từng liên hệ tôi nhờ tư vấn, đó là một địa chỉ quán ăn đặc sản nổi tiếng bị người khác ngang nhiên xâm phạm nhãn hiệu. Vấn đề này phổ biến suốt thời gian qua", luật sư Long nói.

Khổ vì bị người khác kinh doanh tên thương hiệu y chang mình...- Ảnh 1.

Chủ thật của địa điểm lưu trú này đã viết bài cảnh báo về việc bị người khác mạo danh

CHỤP MÀN HÌNH

Anh Đặng Hoàng Anh (33 tuổi), chủ một homestay nổi tiếng ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cho hay từng tá hỏa khi phát hiện người khác mạo danh thương hiệu. "Tên thương hiệu giống như của tôi. Họ cũng sử dụng logo của thương hiệu do tôi sở hữu… Mọi thứ đều giống, chỉ khác ở chỗ địa điểm kinh doanh", anh Hoàng Anh cho hay.

Nguyễn Việt An (26 tuổi), chủ một cơ sở cắt tóc trên đường Phổ Quang, Q.Tân Bình, TP.HCM. Sau ba năm kinh doanh thuận lợi, An mở thêm 2 nơi khác ở Q.Gò Vấp và TP.Thủ Đức, cùng thuộc TP.HCM.

Tuy nhiên vào đầu năm 2024, An bất ngờ khi phát hiện một điểm cắt tóc lấy tên giống thương hiệu y chang ở Q.8. "Tôi có đề nghị không được bắt chước như vậy thì họ không đồng ý, thậm chí buông lời thách thức", An kể.

Khổ vì bị người khác kinh doanh tên thương hiệu y chang mình...- Ảnh 2.

Một cơ sở chuyên kinh doanh rau má pha đã cảnh báo nơi khác mạo danh, lấy tên thương hiệu, logo y chang

CHỤP MÀN HÌNH

"Chờ được vạ, má đã sưng"

Theo anh Hoàng Anh, nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành trên cả nước khi về TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để du lịch đã từng "nghe tiếng" địa chỉ lưu trú của anh nhưng… đặt nhầm ở fanpage mạo danh. Thế nên mới xảy ra chuyện không hài lòng sau khi trải nghiệm những dịch vụ đã "mắng vốn". "Dân mạng đọc bài "phốt", cứ tưởng là thương hiệu của tôi "làm ăn" không ra gì. Điều này ảnh hưởng lớn đến uy tín của tôi", anh Hoàng Anh kể.

Chị Thanh cũng kể từng nhiều lần nhận phản ánh của khách trên fanpage, bị chê là thức uống dở. "Tuy nhiên thực tế thì khách hàng đã nhầm lẫn nơi mua. Chúng tôi kinh doanh ở đường Nguyễn Văn Trỗi. Còn họ mua ở đường Phan Đình Phùng, Phù Đổng Thiên Vương", chị Thanh cho hay và tiếp tục: "Nhiều lần đã lên tiếng trên fanpage, nhưng mọi việc đâu lại vào đấy. Chờ được vạ thì má đã sưng. Chúng tôi gặp nhiều thiệt thòi trong việc kinh doanh".

Không ít người trẻ khác cũng cho biết chuyện bị trách lầm, chê bai một cách vô cớ. Mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc chất lượng, dịch vụ sản phẩm của bên mạo danh thương hiệu không tốt.

Theo luật sư Nguyễn Hải Long, một vấn đề thường được người kinh doanh bỏ qua là quên đăng ký thương hiệu. Từ đó có thể dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp. "Nhất là khi thấy người khác làm ăn được, mở quán thu hút nhiều khách… đã bắt chước làm theo, cạnh tranh không lành mạnh. Trong trường hợp chưa đăng ký thương hiệu thì rất khó để đòi lại quyền lợi", luật sư Long nói.

Theo luật sư Long, cá nhân, tổ chức đã được cấp văn bằng bảo hộ thì thương hiệu của chủ sở hữu chính là thương hiệu độc quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký. Khi đó, chủ sở hữu có quyền sử dụng mà không có chủ thể nào được xâm phạm đối với thương hiệu đó. Chủ sở hữu có quyền sở hữu, sử dụng và khai thác logo, nhãn hiệu, thương hiệu của mình trong phạm vi bảo hộ theo luật định. Đồng thời chủ sở hữu có quyền yêu cầu cơ quan pháp luật bảo vệ, khi có hành vi xâm phạm cũng như hành vi cạnh tranh không lành mạnh. 

Ngoài ra, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh và giúp khách hàng dễ dàng nhận biết và phân biệt được với sản phẩm mang thương hiệu của người khác. Và khi thương hiệu trở nên nổi tiếng, chủ sở hữu có thể cho phép bên khác sử dụng hoặc chuyển nhượng thương hiệu, từ đó sẽ thu được một khoản lợi nhuận…

Cũng theo luật sư Long, trong trường hợp đã đăng ký thương hiệu, nếu phát hiện người khác có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có quyền yêu cầu phải chấm dứt, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp không được chấp thuận, có thể khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. "Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi xâm phạm thương hiệu của người khác có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự", luật sư Long cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.