Khởi động thiết kế dự án tái định hình dịch vụ chăm sóc lao tại Việt Nam

31/07/2023 08:00 GMT+7

Ngày 20 và 21.7.2023, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Khởi động Nhóm Cố vấn và Hội thảo Tham vấn Thiết kế Dự án Tái định hình Dịch vụ chăm sóc Lao (RTC).

Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) phối hợp cùng tổ chức Friends for International Tuberculosis Relief (FIT) tổ chức với sự tài trợ của Stop TB Partnership, Quỹ Phòng chống Dịch bệnh Toàn cầu - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ.

Với hai sự kiện quan trọng này, Sáng kiến tái định hình Dịch  vụ chăm sóc Lao đã đạt được một bước tiến quan trọng trong sứ mệnh thay đổi hoạt động chăm sóc bệnh lao tại Việt Nam.

Khởi động thiết kế dự án tái định hình dịch vụ chăm sóc lao tại Việt Nam - Ảnh 1.

Nhóm cố vấn thiết kế dự án đã được thành lập, bao gồm các nhà lãnh đạo từ các cấp chính quyền trung ương và tỉnh thành, các cán bộ y tế công và tư, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân chịu ảnh hưởng của bệnh lao. Nhóm sẽ đóng vai trò cố vấn cho các quyết định tiếp theo của dự án RTC tại Việt Nam. Sự tham gia của các thành viên sẽ đảm bảo hoạt động của dự án được tiến hành phù hợp với các mục tiêu của Sáng kiến RTC toàn cầu và chính phủ Việt Nam, đảm bảo nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, đưa dịch vụ đến gần cộng đồng và lồng ghép với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.

Khởi động thiết kế dự án tái định hình dịch vụ chăm sóc lao tại Việt Nam - Ảnh 2.

Trong cuộc họp Khởi động Nhóm Cố vấn Thiết kế Dự án RTC được tổ chức vào ngày 20.7, các thành viên nhóm Cố vấn đã xem xét 15 lĩnh vực tiềm năng được xây dựng từ các cuộc phỏng vấn với 88 cá nhân và đã chọn ra 5 lĩnh vực để tìm hiểu sâu thêm. Các lĩnh vực được nhóm cố vấn lựa chọn bao gồm truyền thông và vận động phòng chống bệnh lao, đưa xét nghiệm sàng lọc lao tới gần cộng đồng, củng cố nguồn nhân lực tại các cơ sở y tế công, tăng cường khả năng tương tác của hệ thống dữ liệu và bảo đảm tiếp cận hỗ trợ tài chính trong quá trình điều trị.

Tại hội thảo Tham vấn Thiết kế Dự án RTC diễn ra vào ngày 21.7, một cố vấn là người đã điều trị lao thành công chia sẻ trải nghiệm của bản thân: "Tuần đầu sau khi phát hiện lao phổi, em phải đến Bệnh viện Phổi tỉnh nhiều lần. Nơi em ở cách xa hơn 15 km, cách 3 ngày thì cần phải test Covid để vô được bệnh viện, nó quá vất vả và mệt mỏi với em. Bác sĩ nói với em việc điều trị sẽ mất khoảng 12 tháng. Hàng trăm câu hỏi bủa vây lấy em: Tại sao mình lại bệnh? Tại sao lại kháng thuốc? 12 tháng tới mình sẽ như thế nào? Người thân mình sẽ như thế nào?...". Chia sẻ của chị đã cho thấy nhu cầu cấp thiết phải tăng cường điều trị, tư vấn và truyền thông về bệnh lao.

Khởi động thiết kế dự án tái định hình dịch vụ chăm sóc lao tại Việt Nam - Ảnh 3.


Nhận định này một lần nữa được nhắc đến trong bài phát biểu của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Bình Hòa, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng ban Chỉ đạo CTCLQG, trong đó nhấn mạnh làm thế nào để thực hiện được những mục tiêu này với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm. "Những sáng kiến như thế này có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tích hợp, lấy con người làm trung tâm và góp phần đưa các dịch vụ đến gần hơn với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, vì chúng rất chú trọng đến hành vi, nhu cầu, sinh hoạt hằng ngày và thói quen làm việc của người sử dụng dịch vụ".

Quy trình đồng thiết kế và đồng lựa chọn mà Sáng kiến RTC khởi xướng đảm bảo rằng tiếng nói và quan điểm của những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bệnh lao, cũng như các cán bộ y tế, được lắng nghe và lồng ghép vào quy trình ra quyết định. Tiến sĩ Lucica Ditiu, Giám đốc điều hành của Stop TB Partnership, mô tả tầm quan trọng và giá trị bền vững của cách tiếp cận này trong chăm sóc lao: "Không chỉ dừng lại ở lời nói, Stop TB Partnership đưa khái niệm lấy con người làm trung tâm trở thành hiện thực. Mặc dù việc này không dễ dàng, nhưng chúng ta cần đảm bảo rằng những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, gia đình và những người chăm sóc họ được nêu lên ý kiến về vấn đề cấp thiết trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người mắc lao. Đã có nhiều trường hợp các công cụ được thiết kế phục vụ y tế mà không có thông tin đầu vào cụ thể, hay định hướng mục đích sử dụng. Tôi rất hài lòng với sự chỉ đạo của Việt Nam trong việc đưa khái niệm lấy con người làm trung tâm vào thực hành".

Khởi động thiết kế dự án tái định hình dịch vụ chăm sóc lao tại Việt Nam - Ảnh 4.


Cách tiếp cận toàn diện do Sáng kiến RTC thực hiện đã thành công trong việc xây dựng một môi trường khuyến khích trao đổi cởi mở, trao quyền cho các cá nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh lao và các bên liên quan để đảm bảo rằng trong ba năm tới, hoạt động chăm sóc bệnh lao ở Việt Nam sẽ thực sự được tái định hình.

Sáng kiến Tái định hình Dịch Chăm sóc Lao (RTC)

RTC là một sáng kiến toàn cầu nhằm tìm ra các chiến lược mới để cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh lao ở các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi lao. Tại Việt Nam, FIT được chọn để thực hiện dự án và đã hợp tác chặt chẽ với các cán bộ y tế, các nhà quản lý chăm sóc sức khỏe, các nhà hoạch định chính sách, những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao và gia đình của họ để hiểu những khoảng trống tiềm ẩn trong chăm sóc lao và tìm hiểu các sản phẩm/dịch vụ có thể được triển khai để cải thiện kết quả điều trị. Trọng tâm chính của dự án là thiết kế lấy con người làm trung tâm, thay đổi thời gian, địa điểm và cách thức tiếp cận dịch vụ ở Việt Nam, mang dịch vụ lao đến gần người dân hơn và tạo điều kiện thuận tiện hơn cho tất cả các cá nhân đang tìm kiếm dịch vụ chăm sóc.

Để biết thêm về Sáng kiến RTC toàn cầu, vui lòng truy cập: https://www.stoptb.org/accelerate-tb-innovations/re-imagining-tb-care

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.