Không ít sinh viên gian lận để có điểm rèn luyện cao?

Thảo Phương
Thảo Phương
22/09/2023 09:00 GMT+7

Bên cạnh kết quả học tập thì điểm rèn luyện (ĐRL) cũng quan trọng không kém đối với sinh viên. Tuy nhiên, không ít sinh viên tham gia hoạt động ngoại khóa một cách đối phó, thậm chí là gian lận để có ĐRL cao.

Sinh viên tham gia hoạt động ngoại khóa chỉ vì đối phó điểm rèn luyện? - Ảnh 1.

Sinh viên nên hiểu rõ về mục đích của việc chấm ĐRL và sự cần thiết khi tham gia những hoạt động ngoại khóa

THẢO PHƯƠNG

Thực trạng sinh viên đối phó với điểm rèn luyện

Để có được ĐRL, không ít sinh viên tham gia hoạt động ngoại khóa một cách đối phó. N.T.M.T, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cảm thấy mệt mỏi vào những lúc chấm ĐRL.‏

N.T.M.T, kể: "Mình không hứng thú với các hoạt động ngoại khóa, chỉ thấy tốn thời gian. Vì ngoài việc học mình còn phải đi làm thêm để trang trải tiền sinh hoạt. Có những hoạt động tổ chức và bắt buộc sinh viên tham gia bằng cách không đến dự sẽ bị trừ ĐRL. Vì vậy, dù không muốn nhưng buộc mình phải tham gia, đến check-in cho có để làm minh chứng lấy ĐRL rồi đi về". ‏

‏N.T.M.T, cũng cho biết vì không tham gia hoạt động ngoại khóa, sợ ĐRL thấp nên cô nàng có một tài khoản Facebook riêng chỉ để chia sẻ những hình ảnh, trò chơi ô chữ do khoa, trường tổ chức nhằm tìm giấy chứng nhận. Đó chính là minh chứng để cuối kỳ N.T.M.T được cộng ĐRL. ‏

‏Không chỉ tạo tài khoản Facebook ảo, một số sinh viên còn chẳng ngần ngại xin giấy chứng nhận của người khác rồi điền thông tin của mình vào để được có ĐRL. "Hầu như mình không tham gia các hoạt động ngoại khóa. Do vậy, cứ mỗi lần nhóm lớp thông báo chấm ĐRL là mình xin các em khóa dưới hoặc bạn bè giấy chứng nhận tham gia các hoạt động", D.B.T, sinh viên năm cuối một trường đại học ở TP.HCM chia sẻ. ‏

D.B.T, kể thêm: "Có một học kỳ mình bận quá không tham gia bất cứ hoạt động gì, cũng chẳng xin được giấy chứng nhận từ ai nhưng ĐRL vẫn cao. Thấy vậy, những lần sau đó mình nghĩ không cần thiết phải xin giấy chứng nhận hay tham gia hoạt động gì nữa". Do đó, dù đã là sinh viên năm thứ 4 nhưng D.B.T vẫn mơ hồ về mục đích thật sự của việc chấm ĐRL và lợi ích của những hoạt động ngoại khóa. ‏

Sự cần thiết của việc tham gia các hoạt động ngoại khóa

‏Tuy nhiên, có rất nhiều sinh viên hiểu rõ sự cần thiết của việc tham gia các hoạt động ngoại khóa và ý nghĩa của ĐRL. Sau khi vào đại học được 2 tuần, Nguyễn Minh Thư, tân sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã năng nổ tham gia hoạt động tình nguyện như: tập múa, bán đồ gây quỹ cho chương trình trung thu sắp tới.‏

‏Khi được hỏi việc tham gia hoạt động ngoại khóa có phải vì chạy theo ĐRL không? Thư cho biết đã tham gia các hoạt động này từ những năm còn ở bậc THPT nên khi lên đại học, ĐRL chỉ là yếu tố phụ. "Điều quan trọng khi tham gia hoạt động ngoại khóa là giúp mình cởi mở, hoạt bát hơn, được học hỏi thêm nhiều kỹ năng như: biết cách tổ chức chương trình, giao tiếp, làm việc nhóm... nhằm phát triển bản thân và góp sức vào các hoạt động có ích", Thư chia sẻ.

Sinh viên tham gia hoạt động ngoại khóa chỉ vì đối phó điểm rèn luyện? - Ảnh 2.

Tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa sẽ giúp sinh viên phát triển những kỹ năng mềm

THẢO PHƯƠNG

‏Còn Lê Nhật Tường (23 tuổi), tốt nghiệp thủ khoa của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết nhờ thời sinh viên tích cực tham nhiều hoạt động ngoại khóa, chiến dịch tình nguyện nên chàng trai này được học tập, rèn luyện và khẳng định bản thân. 

"Mình tự tin giao tiếp tốt hơn, năng nổ và phát triển thêm nhiều kỹ năng. Những gì mình học tập và trải nghiệm qua việc tham gia các hoạt động ngoại khóa đã giúp ích rất nhiều trong quá trình phỏng vấn xin việc. Có một sự thật khá thú vị là mình được nhận vào công ty hiện tại nhờ tự tin, có khả năng giao tiếp tốt và năng động hơn các ứng viên khác cùng phỏng vấn", Tường chia sẻ.‏

‏Từ góc độ tuyển dụng, ông Trần Bằng Việt, chuyên gia tư vấn - CEO DongA Solutions, cho biết sinh viên được trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực, môi trường khác nhau là cơ hội tốt để phát triển toàn diện cả kiến thức lẫn kỹ năng. "Hiện nay, các trường đại học hướng đến việc đào tạo toàn diện, do đó sinh viên không chỉ học kiến thức trong sách vở mà còn từ các hoạt động ngoại khóa, Đoàn - Hội, câu lạc bộ. Thông qua những hoạt động đó người trẻ được cọ xát với nhiều môi trường, cùng trao đổi, làm việc. Từ đó sẽ phát triển những kỹ năng mềm giúp bổ trợ khá nhiều cho sinh viên khi bước chân vào thị trường lao động", ông Việt cho hay.

Anh Lê Bá Hưng, Phó bí thư Đoàn Học viện cán bộ TP.HCM, cho biết: "Bên cạnh việc học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn thì kết quả rèn luyện là cơ sở để sinh viên phấn đấu hoàn thiện về đạo đức, ý thức, kỷ luật và hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện chứ không dừng lại ở câu chuyện để được ĐRL cao. Hơn nữa, qua việc tham gia các hoạt động ngoại khóa còn góp phần trau dồi những kỹ năng mềm cho sinh viên, giúp ích cho các bạn sau khi ra trường. Và chúng tôi luôn cố gắng tổ chức các chương trình, hoạt động mang lại ý nghĩa thiết thực để sinh viên hứng thú tham gia trải nghiệm và rèn luyện".‏

‏‏

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.