Kỷ nguyên chiến đấu cơ AI dần lộ diện

14/05/2024 06:25 GMT+7

Ngay sau những bước tiến mới của Mỹ về chiến đấu cơ được điều khiển tự động bằng trí tuệ nhân tạo khi thử nghiệm bước đầu thành công trên tiêm kích F-16, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy hiện thực hóa loại vũ khí này.

Cạnh tranh Mỹ - Trung

Tờ South China Morning Post ngày 12.5 đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu một dự án trí tuệ nhân tạo (AI) mới ở Tây An với mức độ thông minh chưa từng có nhằm đáp ứng cho nhu cầu của quân đội Trung Quốc (PLA).

Đây là hệ thống tác chiến thông minh trên không có thể đưa ra các quyết định tác chiến căng thẳng. Hệ thống này còn có thể giao tiếp với con người để giải thích các quyết định tác chiến. Với bước đột phá công nghệ này, Trung Quốc đã vượt qua rào cản mà PLA gặp khó trong nhiều năm, mở ra cơ hội phát triển chiến đấu cơ được vận hành bằng AI. Đột phá này cũng đáp ứng lời kêu gọi của nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc về việc nước này phải nhanh chóng phát triển chiến đấu cơ AI để không bị tụt hậu so với Mỹ. So với máy bay được điều khiển bằng con người, chiến đấu cơ AI sẽ có khả năng tác chiến linh hoạt hơn, đồng thời giảm rủi ro thương vong cho binh sĩ.

Chiếc X-62A VISTA bay bên cạnh F-16 có người lái trong lần thử nghiệm ngày 3.5

Chiếc X-62A VISTA bay bên cạnh F-16 có người lái trong lần thử nghiệm ngày 3.5

Không quân Mỹ

Đầu tháng 5, Mỹ đã tạo nên cú hích mới về chiến đấu cơ AI. Cụ thể, ngày 3.5 tại căn cứ không quân Edwards (bang California, Mỹ), Bộ trưởng Không quân nước này Frank Kendall đích thân ngồi trên ghế trước của chiến đấu cơ X-62A VISTA và tiến hành bay thử nghiệm với tốc độ lên đến 550 dặm/giờ (khoảng 885 km/giờ). Được phát triển từ chiến đấu cơ đa nhiệm F-16, X-62A VISTA được vận hành bằng AI để hướng tới khả năng tự động tác chiến. Trong cuộc thử nghiệm trên, X-62A VISTA còn bay ở khoảng cách chỉ khoảng 300 m với 1 chiếc F-16 khác, đồng thời bay xoắn ốc và thực hiện những động tác như phi công thực thụ.

Mặc dù để có thể thực sự tham gia tác chiến còn đòi hỏi nhiều bước phát triển và thử nghiệm khác, nhưng thành công trong lần thử nghiệm với X-62A VISTA là một bước tiến quan trọng của không quân Mỹ kể từ khi đưa chiến đấu cơ tàng hình vào tác chiến hồi đầu thập niên 1990. Việc thử nghiệm với X-62A VISTA cũng đánh dấu bước tiến quan trọng đối với kỷ nguyên chiến đấu cơ AI.

Câu hỏi đạo đức trong kỷ nguyên chiến tranh mới

Đầu tháng 5.2012, Boeing đã tiến hành chuyến bay thử chiếc QF-16, phiên bản máy bay không người lái (UAV) của dòng F-16, trong khoảng thời gian 66 phút và đạt trần độ cao gần 12,5 km. Trong lần thử nghiệm này, một phi công lão luyện có mặt trên khoang lái nhằm phòng ngừa trường hợp máy bay mất kiểm soát. Tuy nhiên, người phi công không phải can thiệp vào quá trình bay khi trung tâm điều khiển mặt đất hoàn toàn làm chủ tình hình trong suốt 66 phút.

Khi đó, xu thế chung của giới quân sự toàn cầu là chuyển sang các loại phương tiện không người lái. Trong đó, Mỹ nổi bật với những dòng UAV như MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper. Nước này cũng phát triển cả trực thăng vũ trang không người lái Fire Scout MQ-8B cùng nhiều loại tàu chiến nổi, tàu ngầm không người lái.

Thực tế chiến đấu gần đây cho thấy UAV đã tạo được lợi thế như thế nào. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của AI nhanh chóng thúc đẩy khả năng tự động hóa của vũ khí lên một tầm cao mới. Trong những chiến dịch quân sự đang diễn ra tại Dải Gaza, Israel bị cho là đã sử dụng AI khi tác chiến. Cụ thể, đầu tháng 4, truyền thông quốc tế dẫn một số nguồn tin tình báo cho biết chiến dịch ném bom của quân đội Israel ở Gaza đã sử dụng một hệ thống dữ liệu được hỗ trợ AI và đã xác định được 37.000 mục tiêu tiềm năng dựa trên mối liên hệ rõ ràng của chúng với Hamas. Mang tên Lavender, hệ thống này của Israel chưa được tiết lộ trước đây và bị cáo buộc dẫn đến những quyết định tấn công thiếu chính xác gây thương vong cho nhiều thường dân.

Thực tế, liên quan tính chính xác trong việc ra quyết định tác chiến trở thành câu hỏi lớn cho vấn đề đạo đức đối với các vũ khí, phương thức tác chiến dựa vào AI. Đây cũng chính là rào cản lớn trong việc hợp thức hóa các vũ khí AI.

AUKUS dùng AI để truy vết tàu ngầm Trung Quốc

Vừa qua, tờ South China Morning Post đưa tin 3 thành viên của thỏa thuận AUKUS là Mỹ, Anh và Úc xúc tiến thử nghiệm phương pháp mới tích hợp AI để theo dõi tàu ngầm Trung Quốc trong khu vực. Cụ thể, các loại chiến đấu cơ và máy bay trinh sát săn ngầm hải quân Mỹ sẽ sử dụng thuật toán AI để xử lý nhanh chóng dữ liệu sonar được thu thập bởi các thiết bị dưới nước của các thành viên AUKUS.

Công nghệ này có thể cho phép nhóm AUKUS theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc với tốc độ và chính xác hơn, nhằm kịp thời đưa ra các phản ứng để giảm thiểu tác động của quá trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng và có nhiều động thái tăng cường sức ép quân sự của Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.