Lại đề xuất 'siết' tốc độ xe chạy trong nội đô

29/11/2023 09:25 GMT+7

Đề xuất siết tốc độ trong nội đô đã được rút lại ngay sau đó một lần nữa tái xuất. Việc khuyến cáo quản lý tốc độ tại một vài thời điểm, ở những khu vực dễ tổn thương như trường học, bệnh viện, chợ nhận được sự đồng tình của cả người dân và các chuyên gia. Song, yêu cầu phương tiện chạy với tốc độ dưới 50 km/giờ tại các tuyến đường nội đô lại gây nhiều tranh cãi.

Sao phải 'siết' tốc độ xe chạy trong nội đô? - Ảnh 1.

TP.HCM đang nghiên cứu hạn chế tốc độ xe chạy trong nội đô

NHẬT THỊNH

Hạ tốc độ chạy xe trong nội đô xuống 50 km/giờ

Đề xuất quản lý tốc độ trong khu vực nội đô là nội dung đáng chú ý nhất tại Hội thảo "Quản lý tốc độ giao thông, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng tại TP.HCM" do Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM phối hợp với Quỹ Bloomberg philanthropies tổ chức hôm qua (28.11).

Theo đó, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP Nguyễn Thành Lợi cho biết việc quản lý tốc độ đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Hiện TP.HCM cũng đang nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và sẽ triển khai thí điểm ở một số khu vực dễ tổn thương.

Ông Nguyễn Thành Lợi thông tin: Theo thống kê, có gần 80% vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam là do vi phạm tốc độ hoặc không làm chủ tốc độ. Vi phạm tốc độ là một hành vi phổ biến và có chiều hướng gia tăng vào các khung giờ thấp điểm. Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng cứ tăng tốc độ 10 km, tỷ lệ tai nạn tăng 30%; tỷ lệ tử vong tăng lên 80% nếu tốc độ tăng lên 50 km/giờ. Người đi bộ có khả năng sống cao sau va chạm nếu áp dụng tốc độ dưới 30 km/giờ.

Với những phân tích trên, Ban An toàn giao thông đã đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý tốc độ hợp lý trong nội đô theo kinh nghiệm quốc tế.

Đề xuất này khuyến nghị giới hạn tốc độ 50 km/giờ đối với các đường nội đô, trừ một vài tuyến 4 làn xe trở lên như đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt... Đồng thời, chính quyền thực hiện các giải pháp, hình thức cảnh báo, không quá 30 km/giờ ở các khung giờ nhất định tại nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, chợ...

Hiện, tốc độ tối đa đối với ôtô, xe máy khi đi trong khu vực đông dân cư là 60 km/giờ khi chạy trên đường đôi, đường một chiều hai làn xe trở lên; tối đa 50 km/giờ với đường hai chiều, đường một chiều một làn xe.

Cứ chạy chậm là an toàn?

Đề xuất siết tốc độ xe chạy trong nội đô xuống thấp 30 km/giờ không phải ý tưởng được đưa lần đầu. Hồi 2021, tại Hội thảo trực tuyến quản lý các yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến TNGT do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) tổ chức, đề xuất cần có giải pháp quản lý chặt tốc độ phương tiện, giảm tốc độ tối đa trong khu đông dân cư từ 50 km/giờ xuống 30 km/giờ cũng đã được đưa ra với mục tiêu quản lý hành vi nguy hiểm của người lái xe, giảm TNGT.

Song, với kinh nghiệm từng trực tiếp tham gia điều tiết giao thông ở đô thị Hà Nội, một cựu cảnh sát giao thông cho biết thực tế, nếu ở trong nội đô vào giờ cao điểm, vào những tuyến đường nhỏ hẹp có lưu lượng người tham gia giao thông cao thì có cho đi 50 km/giờ, 30 km/giờ hay thấp hơn, người dân cũng không đi nổi vì ùn tắc. 

Thực tế, TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung phải đổ hàng trăm tỉ, ngàn tỉ xây đường cao tốc, đường quốc lộ, mở rộng hạ tầng nội đô, phân làn phân luồng thành càng nhiều đường 1 chiều càng tốt… là để giúp đường sá thông thoáng, tránh xung đột, giải tỏa phương tiện nhanh cho người dân đi lại tiết kiệm thời gian, chi phí. Nếu bây giờ còn quy định bắt xe đi chậm thì rõ ràng là bước thụt lùi, đi ngược lại so với chủ trương phát triển chung

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM

Bài học trước đây khi nâng tốc độ tối đa trong nội đô, trên các tuyến đường 2 chiều có dải phân cách cứng (bục bê tông, rào chắn, vườn hoa cây xanh) lên 60km/giờ, đường không có dải cứng (vạch kẻ) lên 50km/giờ thì số vụ tai nạn giao thông không những không tăng mà còn giảm so với trước đó. Số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia từ 2016 trở lại đây cho thấy, số vụ TNGT đều giảm qua các năm. Điều đó cho thấy số vụ tai nạn trong đô thị và các vụ tai nạn nói chung không gia tăng vì yếu tố tốc độ, mặc dù số lượng phương tiện tăng đột biến trong các năm gần đây.

"Cũng cần phân loại rõ "khu vực dễ tổn thương" là khu vực như thế nào? Giờ trong thành phố không chỉ có trường học, bệnh viện mà cũng có rất nhiều trung tâm ngoại ngữ, phòng khám, cũng có đặc thù đông đúc và đối tượng tương tự. Thế có tính là "khu vực dễ tổn thương không?". Đặc thù của giao thông Việt Nam là các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ vừa mang tính chất là giao thông huyết mạch liên tỉnh, vừa kiêm thêm giao thông sinh hoạt địa phương. Nếu đem chấm điểm đông dân cư trên bản đồ thì sẽ thấy chi chít các điểm trên các tuyến đường. Tất cả các điểm đó mà đi 30 km/giờ thì sẽ gây ách tắc rất lớn. Như vậy, chạy chậm không những không giúp an toàn hơn mà còn có thể gây tác dụng ngược, gây ùn tắc hơn" - vị này nói.

Sao phải 'siết' tốc độ xe chạy trong nội đô? - Ảnh 3.

Đề xuất quản lý tốc độ 30 km/giờ chỉ dừng ở mức khuyến cáo đối với người tham gia giao thông ở những khu vực dễ tổn thương như trường học, bệnh viện và chợ...

ĐỘC LẬP

Ủng hộ việc cần khuyến cáo người dân hạn chế tốc độ khi đi qua những khu vực đông đúc, tại một số thời điểm cao điểm, song, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, lưu ý cơ quan chức năng cần phân tích kỹ việc hạ tốc độ di chuyển của phương tiện trong nội đô xuống 50 km/giờ. 

Ông Tính phân tích: Thực tế, trong nội đô rất ít trường hợp tai nạn do xe chạy quá tốc độ vì đường phố thường đông đúc, quy định cho xe chạy 50 - 60 km/giờ nhưng mọi người chỉ chạy được với tốc độ trung bình khoảng 30 - 35 km/giờ. Tai nạn giao thông có nhiều nguyên nhân gây ra, không thể hiểu chỉ giảm tốc độ mà giảm được số vụ tai nạn. Hiện nay, ý thức người dân tham gia giao thông đã được nâng cao, phương tiện tiên tiến hơn, đường sá cũng rộng, đẹp hơn. "Theo đúng nguyên tắc thì người dân sẽ phải được đi nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn. Không thể cứ nhân danh tai nạn để khẳng định phương tiện tăng tốc độ là gây tai nạn giao thông. Ý thức của con người khi tham gia giao thông mới là tác nhân tác động trực tiếp tới việc tăng hoặc giảm số vụ tai nạn. Nếu không có ý thức chấp hành thì mọi quy định đều trở nên vô nghĩa" - vị này nhấn mạnh.

Về yếu tố kỹ thuật, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM nêu 3 khái niệm "tốc độ" đối với các phương tiện cơ giới là: tốc độ kỹ thuật, tốc độ vận doanh và tốc độ kinh tế. Trong đó, tốc độ kỹ thuật là tốc độ xe chạy của nhà sản xuất quy định; Tốc độ vận doanh là tốc độ cho phép xe chạy thực tế. Chỉ số này cũng phải tính toán sao cho phù hợp với chủng loại xe theo tốc độ kỹ thuật. Nếu đường thông thoáng hoặc thời điểm đó vắng người nhưng bắt phải chạy chậm thì không chỉ tiêu hao nhiều năng lượng của phương tiện, gây ô nhiễm môi trường, mà còn kéo thêm tình trạng dồn ứ, ùn tắc giao thông. Với sự gia tăng phương tiện và mật độ giao thông như hiện tại mà bắt các xe phải giảm tốc độ thì giải phóng lượng xe sẽ rất chậm, hàng loạt điểm ùn ứ sẽ hình thành, dồn lại, khiến giao thông hỗn loạn.

Ngoài ra còn có yếu tố tốc độ kinh tế, tính toán dựa vào yếu tố xe chạy mất nhiều thời gian, tốn nhiều nhiên liệu, tăng thêm chi phí cho người đi lại.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.