Lái ô tô đường dài: Cách giảm đau lưng

Trần Hoàng
Trần Hoàng
08/02/2024 15:40 GMT+7

Đau lưng, mỏi gối là tình trạng nhiều tài xế thường gặp phải khi lái ô tô đường dài, vấn đề này nếu lặp đi lặp lại thường xuyên có thể ảnh hưởng đến quá trình lái xe và sức khỏe.

Tết Nguyên đán 2024 đang cận kề, vào những ngày này trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ lượng phương tiện lưu thông khá đông, khi nhiều người lái ô tô đưa gia đình, người thân về quê ăn tết. Di chuyển bằng ô tô cá nhân mang lại sự tự do, thoải mái để khám phá nhiều địa phương khác nhau, tuy nhiên việc lái ô tô suốt hành trình dài rất dễ dẫn đến tình trạng đau lưng, mỏi gối cho các lái xe.

Đặc biệt, tình trạng kẹt xe xảy ra trên nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ những ngày gần đây khiến hàng ngàn chiếc ô tô phải xếp hàng dài, di chuyển chậm… làm cho tài xế lái xe cảm thấy không thoải mái khi phải "ôm" vô-lăng, điều khiển chân ga, chân phanh hàng giờ đồng hồ.

Lái ô tô đường dài: Cách giảm đau lưng- Ảnh 1.

Đau lưng, mỏi gối là tình trạng nhiều tài xế thường gặp phải khi lái xe đường dài

Bá Hùng

Theo các chuyên gia, khi ô tô bắt đầu chuyển động và tăng giảm tốc, cơ thể người lái sẽ phải chịu nhiều lực khác nhau, bao gồm cả rung động lên xuống của toàn thân. Khi lái xe đường dài qua hàng tiếng đồng hồ, sẽ khiến nhiều bộ phận trên cơ thể người lái đau mỏi làm tăng nguy cơ chấn thương và đau phần lưng dưới khi lái xe ô tô. Do đó, người lái nên chú ý một số điểm sau đây để hạn chế việc đau lưng, mỏi gối khi lái ô tô đường dài:

Chỉnh tư thế ngồi phù hợp

Mỗi chiếc ô tô khi được thiết kế đã được nhà sản xuất tính toán, bố trí các chi tiết nội thất như vô-lăng, ghế ngồi, các nút điều khiển… để mang đến sự thuận tiện, thoải mái nhất cho người lái cũng như hành khách đi cùng. Do đó, trước khi lái ô tô đường dài, người lái cần chỉnh vô-lăng, đặc biệt là ghế lái để có tư thế ngồi đúng.

Lái ô tô đường dài: Cách giảm đau lưng- Ảnh 2.

Điều chỉnh tư thế ngồi lái phù hợp, thao tác đầu tiên trước khi điều khiển ô tô

Bá Hùng

Khi đặt mình vào ghế lái, bạn nên ngồi thẳng, đảm bảo cho phần mông, lưng vuông góc và luôn tì vào ghế. Điều này sẽ giúp bạn tránh đau lưng và duy trì sự thoải mái trong suốt quá trình lái xe.

Để đảm bảo việc điều chỉnh khoảng cách ghế ngồi đúng nhất, bạn nên khởi động xe rồi đạp chân phanh vài lần. Điều này sẽ giúp bạn làm quen với hành trình chân phanh, qua đó điều chỉnh khoảng cách phù hợp nhất. Chỉnh sao cho chân phải có thể đạp hết hành trình của ga và phanh, đầu gối của bạn gập ở góc khoảng 120 độ. Không nên chỉnh ghế lái quá xa, điều này sẽ khiến cho đầu gối của bạn bị duỗi thẳng, qua đó làm giảm tác dụng của lực đòn bẩy và mất cảm giác với hành trình chân phanh, chân ga. Ngược lại, nếu ghế lái quá gần sẽ làm đầu gối chạm vào bảng táp lô, cản trở thao tác của bạn.

Để chỉnh độ ngả tựa lưng ghế, bạn nên ngồi thẳng lưng tựa vào ghế, tay nắm đỉnh vô lăng. Sau đó chỉnh độ ngả lưng ghế sao cho cánh tay song song với sàn thì góc ngả lưng ghế là phù hợp nhất.

Lái ô tô đường dài: Cách giảm đau lưng- Ảnh 3.

Chỉnh sao cho chân phải có thể đạp hết hành trình của ga và phanh, đầu gối của bạn gập ở góc khoảng 120 độ

Để điều chỉnh độ cao ghế, người lái nên nhìn thẳng. Thông qua nút điều khiển, lần lượt chỉnh độ cao đệm ghế sao cho mang lại tầm quan sát rộng, bao quát tầm nhìn tốt nhất, đồng thời khuỷu tay vừa chạm vào bệ cửa, phần đầu gối không chạm vào mép dưới vô lăng khi người lái co chân sát vào ghế.

Tựa đầu ghế là chi tiết mà nhiều lái xe thường bỏ qua khi điều chỉnh ghế lái vì cho rằng không mấy hiệu quả. Điều này xuất phát từ việc chỉnh tựa đầu chưa đúng. Người dùng nên chỉnh sao cho mép trên của tựa đầu ghế ngang với mắt, khoảng cách từ tựa đầu tới phần gáy khoảng 2-3 cm. Điều này sẽ giúp người lái không bị mỏi cổ, đồng thời sẽ phần nào tránh được chấn thương khi gặp tai nạn.

Lái ô tô đường dài: Cách giảm đau lưng- Ảnh 4.

Người lái nên điều chỉnh khoảng cách từ trục vô-lăng, vị trí cầm vô-lăng đến phần vai ngực 25 - 30 cm, đồng thời khuỷu tay tạo góc 120 độ

Với vô-lăng người lái cũng nên điều chỉnh sao cho khoảng cách từ trục vô-lăng, vị trí cầm vô-lăng đến phần vai ngực 25 - 30 cm, đồng thời khuỷu tay tạo góc 120 độ. Với khoảng cách này, trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí sẽ hoạt động hiệu quả và giảm thiểu chấn thương cho người lái.

Sắp xếp thời gian, tạo sự thoải mái cho cơ thể

Chỉnh đúng tư thế lái, tuy nhiên các tài xế cũng không nên lái xe liên tục trong nhiều giờ liền. Tại những điểm dừng chờ đèn đỏ, nên tranh thủ duỗi tay, chân của bạn và dành vài phút để thư giãn cho tay và chân.

Trong suốt hành trình, nên sắp xếp thời gian để dừng nghỉ tại các điểm dừng chân. Xuống xe thực hiện các bài tập kéo căng đơn giản nhắm vào lưng của bạn. Chính điều này sẽ giúp hạn chế việc đau lưng, mỏi gối khi lái ô tô đường dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.