Lãi USD về 0%, VND hấp dẫn

29/09/2015 05:39 GMT+7

Rút USD cất trong két, vừa rủi ro lại không có lợi bằng việc chuyển đổi sang tiền đồng để gửi lãi hoặc đầu tư, kinh doanh.

Rút USD cất trong két, vừa rủi ro lại không có lợi bằng việc chuyển đổi sang tiền đồng để gửi lãi hoặc đầu tư, kinh doanh.

Trong hơn 10 năm qua, lãi suất USD lần lượt hạ xuống, từ mức 5%/năm đến nay chỉ còn khoảng 0,25%/năm - Đồ họa: Hồng sơnTrong hơn 10 năm qua, lãi suất USD lần lượt hạ xuống, từ mức 5%/năm đến nay chỉ còn khoảng 0,25%/năm - Đồ họa: Hồng sơn
Đó là tính toán, khuyến cáo của các chuyên gia sau quyết định cắt giảm lãi suất (LS) USD của Ngân hàng Nhà nước kể từ hôm qua (28.9).
Tăng sức mạnh VND
Sau gần 1 năm (ngày 24.10.2014) giữ mức LS tiền gửi USD dành cho cá nhân 0,75%/năm và tổ chức 0,25%/năm, tối muộn ngày 27.9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức quyết định tiếp tục cắt giảm LS ngoại tệ này. Cụ thể, từ ngày 28.9, các tổ chức khi gửi USD sẽ không được hưởng lãi (0%/năm), còn mức LS dành cho khách hàng cá nhân cũng chỉ còn 0,25%/năm.
Trả lời Thanh Niên về quyết định trên, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết việc giảm LS USD đã nằm trong lộ trình chống đô la hóa, tăng tính hấp dẫn của VND, cũng như củng cố vị thế nội tệ trên lãnh thổ VN từ nhiều năm trước. Sau khi cắt giảm, theo bà Hồng, khoảng cách chênh lệch LS tiền gửi giữa VND và USD sẽ lớn hơn (tiền gửi VND bình quân 5 - 7%/năm, đối với USD 0-0,25%/năm - PV), cùng với chỉ số lạm phát 9 tháng năm 2015 tăng 0,4% (so với tháng 12.2014) cũng như cam kết giữ vững tỷ giá trong thời gian tới, rõ ràng người gửi tiền đồng sẽ có lợi hơn rất nhiều so với gửi bằng USD.
Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định trong bối cảnh nội tệ của nhiều quốc gia bị mất giá, vị thế nội tệ suy yếu, việc tăng sức mạnh cho VND là cần thiết. Điểm rơi của quyết định này cũng phù hợp với quá trình hội nhập, đón dòng vốn ngoại đang tăng rất mạnh. “Với việc gia tăng chênh lệch LS giữa VND và USD, rõ ràng lợi thế VND đang tăng lên sẽ khẳng định được tính tự chủ, độc lập của chính sách tiền tệ; tạo ra tính chuyển đổi cho VND trong quá trình hội nhập lâu dài. Đặc biệt khi Trung Quốc đã tính tới việc đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ thế giới”, ông Phước đánh giá.
Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) Lê Đức Thọ cho rằng nếu không nâng cao vị thế và sức mạnh của VND, rất có thể đồng nội tệ sẽ rơi vào vòng xoáy như nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Khi lạm phát thấp, tỷ giá vừa được điều chỉnh tăng và cam kết giữ vững trong thời gian tới, ông Thọ khẳng định độ chênh lệch sau quyết định cắt giảm giúp VND vừa hấp dẫn, lại giảm được tình trạng găm giữ ngoại tệ, cũng như tâm lý kỳ vọng vào tỷ giá.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC VN, lưu ý sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ/USD và NHNN cũng tăng tỷ giá trong nước, doanh nghiệp (DN) cũng như người dân có tâm lý găm giữ USD do kỳ vọng tỷ giá có thể tăng tiếp. Cùng với đó, số dư tiền gửi USD tại các NH tăng mạnh, thì dư nợ cho vay lại giảm đi. Do đó, việc hạ LS tiền gửi USD lần này sẽ tăng tính hấp dẫn của VND, đồng thời giúp giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Chuyển “đô” sang “đồng” có lợi hơn
Hạn chế đô la hóa
Thời gian qua, mặc dù có những biến động nhưng thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước về cơ bản ổn định, tuy nhiên, một bộ phận tổ chức, cá nhân có biểu hiện găm giữ ngoại tệ. Bởi vậy, NHNN quyết định tiếp tục giảm mức trần xuống 0% áp dụng đối với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng đối với cá nhân góp phần nâng cao sức hấp dẫn của VND, hạn chế tình trạng đô la hóa. Thanh khoản ngoại tệ hiện nay của hệ thống các TCTD vẫn đang trong tình trạng ổn định.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Tuy nhiên, LS USD giảm cũng đi kèm theo lo lắng về tình trạng rút USD ra khỏi hệ thống gây mất thanh khoản, gây sức ép lên tỷ giá. TS Trương Văn Phước khẳng định điều này hoàn toàn không đáng ngại. Trong 10 năm qua, LS đồng USD đã lần lượt được hạ xuống nhưng không lần nào gây xáo trộn cho hệ thống.
Theo TS Bùi Quang Tín, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, động thái này sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến tình hình thanh khoản ngoại tệ trên thị trường. Bởi nó xóa được tâm lý găm giữ USD, nguồn USD đang gửi tại hệ thống sẽ có xu hướng chuyển sang nguồn cung thương mại bán lại cho các ngân hàng. “Chủ trương ngưng huy động - cho vay ngoại tệ chuyển sang quan hệ mua - bán được đặt ra cách đây nhiều năm. Một thị trường ngoại tệ hiệu quả là phải xác lập được quan hệ mua - bán chứ không phải vay mượn”, TS Bùi Quang Tín cho biết.
Nhận định thêm về tác động đối với hệ thống NH, theo ông Lê Đức Thọ, nguồn vốn ngoại tệ trong hệ thống của các DN hiện tại chủ yếu là vốn lưu động, dùng để thanh toán. Vì vậy, chắc chắn quyết định này sẽ giúp dòng vốn ngoại tệ luân chuyển nhanh hơn, nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn bởi DN sẽ phải tính toán để xác định chuyển từ USD sang VND, rút ngoại tệ bán lại cho NH. Khi đó, nguồn tiền sẽ không chạy ra khỏi hệ thống mà chỉ chuyển từ quan hệ vay - mượn sang mua bán.
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm khuyến nghị khách hàng không nên quá quan ngại vì LS USD thấp mà rút tiền về nhà cất trong tủ. Ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp… gửi ngoại tệ gần như không có lãi, thậm chí người gửi tiền còn phải trả phí như một loại chi phí để NH giữ tài sản hộ. Như vậy, rút USD cất trong két vừa không có lời lại càng làm gia tăng thêm rủi ro mất mát. TS Kiêm so sánh, hiện nay LS VND đang cao hơn, tỷ giá ổn định, lạm phát thấp thì nên cân nhắc tới việc chuyển đổi từ USD sang VND để gửi tiết kiệm sẽ vừa an toàn, lãi có lợi nhuận cao.
Ngày 28.9, các NH thương mại như BIDV, Vietcombank, Sacombank... đồng loạt giảm LS huy động USD đối với khách hàng cá nhân xuống 0,25%/năm, LS huy động USD đối với các tổ chức còn 0%/năm. Cùng ngày, giá USD trên thị trường khá ổn định trước thông tin điều chỉnh giảm LS USD. Giá mua - giá bán USD tại các NH dao động quanh mức 22.430 - 22.510 đồng/USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.