Làm người thị xã

Cũng có những nét đặc trưng như bao làng quê khác của tỉnh Quảng Nam nhưng thôn Cẩm Sa được mọi người biết đến nhiều hơn một phần vì ở đó có một người đặc biệt, lão nông Phạm Thế Mỹ.

Thôn Cẩm Sa thuộc xã Điện Nam Bắc. Cũng có những nét đặc trưng như bao làng quê khác của tỉnh Quảng Nam nhưng thôn Cẩm Sa được mọi người biết đến nhiều hơn một phần vì ở đó có một người đặc biệt, lão nông Phạm Thế Mỹ.
Ròng rã 25 năm trời, người nông dân này đa dành hết thời gian và tâm huyết làm biết bao nhiêu công việc “bao đồng” chỉ một mục đích phục vụ cho người dân thôn Cẩm Sa của mình. Để bây giờ về đây, du khách không khỏi ngạc nhiên, thán phục trước cảnh quan tuyệt đẹp của cánh đồng. Ở đó có những con đường nhỏ xinh, những trạm dừng chân nghỉ ngơi, những giếng nước mát ngọt… do một tay ông tạo nên.
Không những thế, ông còn gắn máy bơm cho bà con bơm nước, đặt một cái bơm xe cho người qua đường tùy nghi sử dụng, tặng cho bà con chai xăng khi lỡ đường… Nhiều người nghe và phục việc làm của ông Mỹ, từ đó càng yêu hơn cái thôn có tên rất đẹp Cẩm Sa này.
*****
Ngày 11.3.2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyển H.Điện Bàn thành Thị xã Điện Bàn, đồng thời chuyển thị trấn Vĩnh Điện và 6 xã: Điện An, Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Dương thành 7 phường có tên tương ứng. Như vậy, TX.Điện Bàn có 7 phường nói trên và 13 xã gồm: Điện Hòa, Điện Hồng, Điện Minh, Điện Phong, Điện Phước, Điện Phương, Điện Quang, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Trung, Điện Thọ, Điện Tiến, Điện Trung. Thôn Cẩm Sa chia làm nhiều khối phố và người Cẩm Sa thành người thị xã.
Từ cuối năm ngoái, con đường nối Đà Nẵng - Hội An đi ngang qua thôn được mở rộng, Cẩm Sa có một bộ mặt khác hẳn. Quán xá mọc lên, dịch vụ sát sườn, vùng thôn quê này trở nên sôi động. Tuy nhiên, do thời gian chưa lâu nên nét dân giã vẫn còn, hơn thế, nhiều thói quen trong nếp sống vùng nông thôn vẫn chưa chuyển được tương ứng và vì thế, để làm “người thị xã” hẳn còn nhiều việc phải làm.
Trước hết, đó là thói quen không tốt trong sinh hoạt vùng nông thôn. Điều mà ai đến Cẩm Sa cũng thấy rõ nhất, đó là những người dân ở vùng này vẫn để xe máy nghênh ngang trên những con đường bê tông vốn không rộng.
Trước quán xá hay ngay cả trước nhà mình, họ đều dựng xe lấn ra lòng đường gây cản trở giao thông. Đầu các lối vào nối đường lớn với đường bê tông vẫn còn nhiều chợ xép, nhiều điểm buôn bán, các cửa hàng, cửa hiệu hầu như lúc nào xe máy, xe đạp cũng choán hết lối đi.
Thói quen này có lẽ được hình thành quá lâu khi Cẩm Sa vẫn là một làng quê ít người qua lại, nhưng nay thì khác. Do vậy, mọi người cần có ý thức hơn. Không có gì là khó khi dừng xe, mọi người nên nghĩ đến người đi đường một chút để dắt xe sát vào lề, thế thôi.
Vào trong làng, nay là phố, hầu như vườn nhà nào cũng dăm bảy trăm đến một vài ngàn mét vuông, trong vườn nhiều khi bỏ hoang hoặc chưa canh tác hết nhưng hàng rào nhà nào cũng cố xây cho sát đường. Vì thế những con đường bê tông trở nên quá nhỏ hẹp. Vẫn biết, trong sổ địa chính của mỗi gia đinh thì địa giới vẫn đúng, nhưng nếu không có ý thức khi thôn đa thành phố mà cứ bám theo địa giới cũ để xây nhà thì sau này, theo quy hoạch thị xã, việc giải tỏa sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém.
*****
Nêu ra mấy việc đó để nói rằng, khi thành người thị xã, bản thân mỗi công dân đều phải tự chuyển mình, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong cả những sinh hoạt thường ngày.
Chúng ta không đánh mất bản sắc tốt đẹp của cư dân làng xã đa hình thành từ hàng trăm năm nay, nhưng cũng không bảo thủ để duy trì những nếp sinh hoạt không còn phù hợp. Bởi cộng đồng phố khác cộng đồng làng. Bởi ta đa thành người thị xã.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.