Làm nông thức thời: Tr’hy mở đường cho nông sản đi xa

Quang Viên
Quang Viên
14/05/2024 06:08 GMT+7

Đất lành ban cho những sản vật tốt, nhưng đồng bào Cơ Tu ở một huyện miền núi của Quảng Nam sát biên giới Lào vẫn "nghèo rớt mồng tơi". Rồi đến ngày lãnh đạo và người dân địa phương biết cần phải thức thời...

Một lần về Quảng Nam, tình cờ gặp Zơ Râm Thị Hiêu, tôi bị "xiêu lòng" bởi cô gái người Cơ Tu này với lời mời hồn nhiên dễ mến: "Anh ráng lên Tr'hy chơi đi. Dân quê em nghèo xơ xác, nhưng hiếu khách. Phong cảnh đẹp, và còn có nhiều món ngon đãi khách nữa". Tr'hy là một xã của H.Tây Giang (Quảng Nam), nằm sát biên giới Lào. Trên cung đường "hành xác" lên đây, tôi nhớ đến tới câu thơ "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" của nhà thơ Quang Dũng và ngộ ra vì sao dân Tr'hy nghèo xơ xác như Hiêu nói.

Tr'hy có các lợi thế nhất định để làm ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng

Tr'hy có các lợi thế nhất định để làm ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng

QUANG VIÊN

Tiềm năng và cái nghèo "bền vững"

Xã Tr'hy có 390 hộ nhưng có đến 202 hộ nghèo. Nhìn con số thống kê hộ nghèo lạnh lùng như thế đã buồn, ngồi nghe Cơ Lâu Thị Lếp, bạn của Hiêu, tâm sự: "Bà con ở đây nghèo lắm, nhiều người không đủ ăn", càng thấy xót xa.

Ông Trần Văn Ta, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tây Giang, cho biết: "Xã Tr'hy có lực lượng lao động dồi dào, khí hậu ôn hòa và diện tích canh tác lớn". Nếu xét những điều kiện như ông Ta nói, ít ai nghĩ rằng trong xã có đến hơn nửa số hộ nghèo, và như Hiêu nói "nghèo xơ xác" thì nghe thật tội nghiệp.

Thổ nhưỡng phù hợp nên Tr'hy trồng được nhiều loại thảo dược tốt cho sức khỏe

Thổ nhưỡng phù hợp nên Tr'hy trồng được nhiều loại thảo dược tốt cho sức khỏe

QUANG VIÊN

Tôi hỏi Hiêu, sản vật ở đây có gì đặc biệt mà "dụ" tôi lên đây, thì cô gái sinh năm 1996 này giới thiệu nhiều món ăn "ngon nhức nách" như ếch đá nướng ống tre, cơm lam, zơ rúa, zơ rá; đặc sản thì có măng rừng, tiêu rừng, ớt rừng, mật ong đều ngon hơn nhiều nơi khác. Thiếu tá Nguyễn Đức Vỹ, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng khối dân vận xã Tr'hy, còn cho biết hiện nay Tr'hy là vùng trồng đẳng sâm (sâm dây) và ba kích cho sản lượng khá nhiều, đặc biệt hàm lượng dược chất rất cao. Đây cũng là loại cây đã và đang được chính quyền vận động người dân trồng nhằm giúp họ thoát nghèo.

Như vậy, xã vùng cao này cũng có những lợi thế nhất định để phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt là diện tích đất canh tác lớn có thể sản xuất các loại nông sản chất lượng, cùng với các thổ sản đặc trưng khác. Từ đó, biến nông sản, thổ sản bản địa trở thành hàng hóa được nhiều người tiêu dùng biết đến, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Thiếu tá Nguyễn Đức Vỹ (giữa), Zơ Râm Thị Hiêu (trái) mang thảo dược và nông sản xuống đồng bằng tham gia hội chợ

Thiếu tá Nguyễn Đức Vỹ (giữa), Zơ Râm Thị Hiêu (trái) mang thảo dược và nông sản xuống đồng bằng tham gia hội chợ

QUANG VIÊN

Yếu thế ở đây, như ông Trần Văn Ta nói, là: "Người dân còn thiếu hụt về kiến thức và kỹ thuật nông nghiệp". Nhưng theo chúng tôi, giải quyết vấn đề này chỉ cần chính quyền có chiến lược và Phòng NN-PTNT chịu trách nhiệm trang bị kiến thức và kỹ thuật nông nghiệp cho người dân. Đương nhiên, Tr'hy có yếu thế khác mang tính khách quan, đó là địa hình, đường sá hiểm trở nên việc lưu thông hàng hóa đi xa còn rất gian nan. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là hầu hết người dân không có khái niệm "làm thị trường". Tôi chạnh lòng khi nghe Hiêu thổ lộ rằng có những nông dân ở đây đem nông sản xuống "Chợ chiều năm ngàn" (chợ bán sản phẩm gì cũng chỉ 5.000 đồng) ở xã A Tiêng, H.Tây Giang để bán.

Băng rừng mang sản vật xuống phố

"Phải mở đường để những nông sản, sản vật tốt của địa phương được nhiều người biết đến mới có thể giúp người dân thoát nghèo hoặc có thể khá lên", thiếu tá Nguyễn Đức Vỹ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam được điều động làm Phó bí thư Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận xã Tr'hy, tâm tình. 

Suy nghĩ này đã được chính quyền và người dân xã Tr'hy chuyển biến thành hành động. Đó là chuyện cuối năm 2023, UBND xã Tr'hy cử thiếu tá Nguyễn Đức Vỹ dẫn những cô nàng trẻ đẹp người Cơ Tu, trong đó có Hiêu và Lếp, băng rừng, lội suối, vượt hàng trăm cây số xuống đồng bằng tiếp thị nông sản và các sản vật địa phương. Lần đó, hai cô gái này còn bẽn lẽn tâm sự với tôi: "Tụi em không biết tiếp thị chi đâu. Nhưng mang sản phẩm của quê em xuống đây mà không giới thiệu thì chẳng ai biết Tr'hy có nhiều thứ tốt như vậy".

Một số loại nông sản và đặc sản của Tr'hy đã có mặt tại Furama Resort Đà Nẵng

Một số loại nông sản và đặc sản của Tr'hy đã có mặt tại Furama Resort Đà Nẵng

FURAMA RESORT ĐÀ NẴNG

Hiêu và Lếp bảo vậy, nhưng tôi nghĩ câu chuyện tiếp thị, quảng bá sản phẩm của người đồng bào Cơ Tu ở cái vùng đất "khỉ ho cò gáy" này đã bắt đầu rồi. Tôi mừng là sản phẩm nông nghiệp và sản vật ở quê hương của Hiêu và Lếp trong hội chợ cuối năm 2023 bán rất chạy.

Một việc làm mang tính đột phá để tiếp nối hành trình đưa nhiều nông sản, sản vật địa phương Tr'hy đi xa, nâng tầm giá trị, đó là lễ ký kết "Chương trình hỗ trợ phát triển và tiêu thụ nông sản" giữa Hội Nông dân xã Tr'hy với những "ông lớn" như Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An, Hội khách sạn Đà Nẵng, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Đà Nẵng vào ngày 19.2. Việc ký kết này nhằm bao tiêu nông sản, hoa màu của người dân địa phương, đảm bảo đầu ra, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, gắn với hoạt động xây dựng cộng đồng địa phương.

Có lẽ người dân xã Tr'hy sẽ rất vui mừng khi ông Andre Pierre Gentzsch, Tổng giám đốc vận hành quần thể quốc tế Furama - Ariyana Đà Nẵng, cũng hào hứng với "Chương trình hỗ trợ phát triển và tiêu thụ nông sản" này, khi phát biểu: "Furama Resort Đà Nẵng tự hào là đơn vị tiên phong, góp phần xây dựng nguồn cung ứng nông sản sạch. Các loại nông sản sạch thông qua bàn tay tài hoa của đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp của chúng tôi đã cho ra những món ngon phục vụ thực khách đến với Furama Resort Đà Nẵng sẽ mang câu chuyện thú vị và thêm phần ý nghĩa".

Trong một số món ăn các đầu bếp nổi tiếng Furama Resort Đà Nẵng chế biến có sự góp phần của những thổ sản chất lượng đến từ Tr'hy

Trong một số món ăn các đầu bếp nổi tiếng Furama Resort Đà Nẵng chế biến có sự góp phần của những thổ sản chất lượng đến từ Tr'hy

FURAMA RESORT ĐÀ NẴNG

Người nông dân xã Tr'hy nói riêng, người dân H.Tây Giang nói chung đã không phải chờ đợi lâu, vì chỉ hơn một tháng sau lễ ký kết trên, những nông sản, sản vật của họ đã góp phần trong những món ăn dành cho nhiều thực khách giàu có, sành điệu của Furama Resort Đà Nẵng. Đó là vào tối 29.3, Khu nghỉ dưỡng Furama Resort Đà Nẵng, Hội khách sạn Đà Nẵng, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức đêm tiệc văn hóa, ẩm thực. Tại sự kiện này, trong món "kình ngư hóa rồng" được Master Chef Lê Văn Khánh, Tổng bếp trưởng Trung tâm Hội nghị quốc gia, chế biến có những nguyên liệu từ các loại rau rừng, trái cây của người Cơ Tu. Trong khi đó, hạt tiêu rừng của Tr'hy, Tây Giang đã góp phần làm nên món bò sốt tiêu theo triết lý "Đông - Tây hội ngộ" mà người thực hiện là Master Chef Lê Nguyễn Hoàn Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới Việt Nam...

Tôi gọi điện hỏi Hiêu có vui khi biết sản phẩm quê mình góp mặt trong các món ăn của giới thượng lưu, cô bảo: "Vui không ngủ được". Tôi cũng vui lây cùng Hiêu khi hy vọng "đổi đời", chí ít là thoát nghèo, của đồng bào Cơ Tu ở Tr'hy đã thắp lên sáng sủa hơn rất nhiều rồi.

Để mở rộng thị trường cho nông sản của người dân Tr'hy, Hội khách sạn Đà Nẵng sẽ giới thiệu đến các hội viên là các khách sạn 4 - 5 sao, các chuỗi cung ứng thực phẩm chất lượng cao trên địa bàn TP.Đà Nẵng về nguồn nông sản của nông dân xã Tr'hy và làm cầu nối để hỗ trợ tiêu thụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.