Lần đầu mua ô tô: Những dòng xe cơ bản nên biết để lựa chọn

Đình Tuyên
Đình Tuyên
30/03/2024 11:50 GMT+7

Hiểu được kết cấu, thiết kế cũng như ưu - nhược của từng phân khúc, kiểu loại xe sẽ giúp người mua ô tô đưa ra lựa chọn ưng ý, phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình. Nhất là với những người lần đầu mua và sở hữu xe.

Ngành ô tô thế giới đã trải qua lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển. Từ những chiếc xe đơn sơ thuở ban đầu, đến nay thị trường đã xuất hiện thêm hàng loạt mẫu mã xe mới, hình thành nên các phân khúc, kiểu loại xe và được phân loại dựa theo nhiều tiêu chí khác nhau.

Có thể nói, sự đa dạng mẫu mã đang ngày càng mang đến nhiều lựa chọn, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu sử dụng của cho người dùng ô tô. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, chính sự xuất hiện của hàng loạt mẫu mã, kiểu loại xe cũng khiến người mua rơi vào tình trạng "đau đầu" trong quá trình lựa chọn. Bởi mỗi kiểu loại xe có kết cấu, thiết kế cũng như công năng sử dụng riêng, phù hợp với từng đối tượng, mục đích sử dụng khác nhau. Trong bài viết này, hãy cùng Thanh Niên tìm hiểu về những kiểu loại xe cơ bản, đang được phân loại chủ yếu dựa vào kết cấu thân xe, được áp dụng phổ biến hiện nay.

Thị trường ô tô Việt khó "có cửa" khởi sắc trong năm 2024

Dòng xe sedan

Nhắc đến sedan, có thể một số người mới chưa có nhiều kiến thức về ô tô sẽ thấy lạ lẫm. Tuy nhiên, thực tế đây là dòng xe phổ biến và thường gặp nhất trên đường hiện nay. Đặc điểm của xe sedan là kết cấu 3 khoang tách biệt hoàn toàn, gồm khoang động cơ, khoang người ngồi và khoang hành lý. Bên cạnh đó, cấu tạo dòng xe này thường có phần nắp ca-pô phía trước và nắp cốp phía sau thấp hơn nóc của khoang hành khách. Ngoài ra xe còn có cấu tạo 4 cửa, 4 hoặc 5 chỗ ngồi với thiết kế khoảng sáng gầm khá thấp.

Lần đầu mua ô tô: Những dòng xe cơ bản nên biết để lựa chọn- Ảnh 1.

Sedan đang là một trong những dòng xe phổ biến nhất hiện nay

Đình Tuyên

Về công năng, với kiểu thiết kế như trên, sedan có lợi thế di chuyển êm ái nhờ trọng tâm thấp, khả năng cách âm tốt nhờ khoang hành khách riêng biệt. Tuy nhiên, hạn chế của dòng xe này là khả năng chuyên chở hàng hóa kém, do không gian khoang hành lý hạn chế; bên cạnh đó là kém linh hoạt khi di chuyển vì khoảng sáng gầm khá thấp. Vì vậy, xe sedan nhìn chung phù hợp với nhóm khách hàng mua xe phục vụ nhu cầu đi lại thuần túy và ít đi trên các dạng địa hình phức tạp.

Một số mẫu xe sedan phổ biến tại Việt Nam hiện nay có thể kể đến Toyota Vios, Hyundai Accent, Honda City, Kia K3, Mazda3 hay Toyota Camry…

Toyota Vios "hụt hơi" trước Hyundai Accent: Nguyên nhân vì đâu?

Dòng xe hatchback

Tương tự sedan, hatchback cũng là dòng xe cỡ nhỏ chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của cá nhân hay gia đình trong đô thị hằng ngày. Dòng xe này có thiết kế khá tương đồng với xe sedan. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở khu vực đuôi xe. Cụ thể, các dòng hatchback thường có phần đuôi xe "cụt", không kéo dài thành cốp như sedan mà cắt thẳng ở hàng ghế sau, tạo thành một cửa mới. Nghĩa là, xe hatchback sẽ có tổng cộng 5 cửa, cửa sau có khả năng gập xuống tạo không gian lớn hơn để xếp đồ.

Lần đầu mua ô tô: Những dòng xe cơ bản nên biết để lựa chọn- Ảnh 2.

Xe hatchback khác với sedan ở cách thiết kế cửa phía sau, không có khoang hành lý tách biệt

Một số mẫu hatchback phổ biến ở Việt Nam như Hyundai Grand i10, Mazda2 Hatchback, Toyoat Yaris, Suzuki Swift…

Dòng xe SUV

SUV viết tắt của cụm từ Sport Utility Vehicle. Đặc điểm nổi bật của dòng xe này nằm ở kết cấu khung gầm rời tương tự như xe tải (body on frame) và khoảng sáng gầm xe rất lớn. Ngoài ra, kiểu dáng xe SUV thường hầm hố, thân xe vuông vức và khoang hành khách cũng thông với khoang hành lý tương tự hatchback.

Ở khả năng vận hành, các dòng SUV thường sử dụng động cơ dung tích tương đối lớn, kết hợp với hệ truyền động 4 bánh để tăng sức mạnh và sự linh hoạt khi di chuyển.

Lần đầu mua ô tô: Những dòng xe cơ bản nên biết để lựa chọn- Ảnh 3.

SUV có kết cấu khung gầm rời cùng thiết kế hầm hố, mạnh mẽ

Đình Tuyên

Với những đặc trưng trong thiết kế, xe SUV phù hợp với người mua sử dụng di chuyển đa địa hình. Ngoài ra, dòng xe này còn phù hợp cho các đối tượng gia đình, khách hàng trẻ thích kiểu xe thể thao mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, những dòng SUV phổ thông nổi bật có thể kể đến như Ford Everest, Toyota Fortuner, Mitsubishi Pajero Sport, Isuzu mu-X, Toyota Land Cruiser…

SUV 7 chỗ tầm giá 1 tỉ đồng: Còn cơ hội cho Toyota Fortuner?

Dòng xe crossover (CUV)

Crossover (CUV) là viết tắt của cụm từ tiếng Anh - Crossover Utility Vehicle. Dòng xe này được xem là "đứa con lai" giữa sedan và SUV. Chính vì vậy, xe Crossover thừa hưởng được nhiều lợi thế từ cả 2 dòng xe kể trên, từ thiết kế cá tính, nhỏ gọn, di chuyển êm ái đến khả năng di chuyển linh hoạt nhờ khung gầm khá cao.

Lần đầu mua ô tô: Những dòng xe cơ bản nên biết để lựa chọn- Ảnh 4.

Crossover được xem là "đứa con lai" giữa xe Sedan và SUV

Đó cũng là lý do giúp crossover hiện nay đang trở thành dòng xe được đông đảo người dùng ưa chuộng; đặc biệt biệt là với nhóm khách hàng trẻ, sống tại các khu vực đô thị.

Những mẫu Crossover phổ biến tại Việt Nam có thể kể đến như Mazda CX-5, Honda CR-V, Hyundai Santa Fe/Tucson, Honda HR-V, Toyota Corolla Cross, Kia Seltos/Sonet…

Mazda CX-5 vượt trội ở phân khúc SUV/crossover cỡ trung: Giá bán quyết định tất cả?

Xe gia đình MPV

Một dòng xe nữa cũng khá phổ biến hiện nay tại Việt Nam là dòng MPV (Multi-Purpose Vehicle). So với những dòng SUV hay Crossover, điểm nổi bật nhất của MPV nằm ở thiết kế đầu xe khá ngắn nhưng phần thân xe lại dài và to; trần xe cao kéo dài ra phía sau. Mục đích của cách thiết kế này chính là tạo ra không gian rộng rãi bên trong xe, tạo sự thoải mái cho người ngồi, đồng thời tăng khả năng chở thêm hàng hóa khi cần.

Lần đầu mua ô tô: Những dòng xe cơ bản nên biết để lựa chọn- Ảnh 5.

Dòng xe MPV phù hợp hơn với đối tượng mua xe phục vụ gia đình đông người

Đình Tuyên

Ngoài ra, xe MPV thường có kết cấu 7 chỗ, khả năng di chuyển khá linh hoạt nhờ có khoảng sáng gầm cao (hơn sedan hay hatchback, nhưng thấp hơn Crossover hay SUV). Đặc biệt, các hàng ghế phía sau của dòng xe này có thể gập phẳng để tạo không gian hành lý rộng khi cần.

Các dòng xe MPV phổ dụng ở Việt Nam hiện nay có thể kể đến Kia Carens, Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga, Honda BR-V hay Toyota Innova…

Xe gia đình cỡ nhỏ vẫn là phân khúc “nóng” tại thị trường ô tô Việt Nam

Dòng xe bán tải 

Đúng như tên gọi, xe bán tải là dòng xe khá đặc biệt khi sở hữu thiết kế lai giữa xe tải nhỏ và xe du lịch. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ở dòng xe này so với các dòng xe còn lại nằm ở phần thùng chở hàng phía sau. Phần thùng này thiết kế tách biệt hoàn toàn với khoang ca-bin hành khách phía trước, giúp người sử dụng có thể chở thêm hàng hóa khi cần, đặc biệt là những thứ có kích thước quá khổ mà những dòng xe du lịch thuần túy không thể chở được. Bên cạnh đó, xe bán tải có khoảng sáng gầm rất lớn, có khả năng "trèo đèo lội suối", di chuyển trên các dạng địa hình khó.

Lần đầu mua ô tô: Những dòng xe cơ bản nên biết để lựa chọn- Ảnh 6.

Xe bán tải cũng đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam

Bá Hùng

Tại Việt Nam, hiện nay xe bán tải cũng đang rất được ưa chuộng bởi tính đa dụng vốn có. Một số mẫu xe bán tải đang được ưa chuộng như Ford Ranger, Mitsubishi Triton, Toyota Hilux hay Nissan Navara…

Xe bán tải tại Việt Nam: Ford Ranger vẫn là "chân ái"

Ngoài những kiểu loại xe kể trên, thực tế trên thị trường ô tô hiện nay còn có thêm nhiều kiểu loại khác nữa, như xe micro siêu nhỏ, xe van, xe coupe 4 cửa, xe Convertible/Cabriolet (xe mui trần)… Tuy nhiên, những dòng xe này không quá phổ biến và gần như không phù hợp với đối tượng khách hàng lần đầu mua ô tô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.