Lần đầu thấy trăng

22/10/2013 09:00 GMT+7

Sau tập truyện ngắn “Lời thề đá” ra mắt năm 2009, nhà văn Võ Diệu Thanh cứ sòn sòn năm một: “Cô con gái ngỗ ngược”, “Gạt nước mắt đi”... Riêng năm 2013 này, chị “sinh đôi” 1 tập truyện ngắn “17 cây số đường ma” và 1 tiểu thuyết “Lần đầu thấy trăng”, do NXB Phụ Nữ phát hành.

“Lần đầu thấy trăng” - tên tiểu thuyết giống tựa một bài thơ với sức gợi của nó hơn là tên tập văn xuôi luận đề hơn 300 trang. Trăng khó thấy lắm sao? Phải đến khi gấp tập sách lại người đọc mới thông cảm cho nhân vật lần đầu thấy trăng. Có 4 nhân vật chính: Dẫu - Dị - Hậu được người viết tự trào là “Dẫu Dị Hợm” và thầy Độ, một ông giáo già đã trải qua mọi hỉ, nộ của cuộc đời; khi đức độ, khi trái khoáy có lý do, sống trong ngôi nhà có cái tên cũng ngộ “Lưu manh tự”?

Là cô giáo dạy mỹ thuật, Võ Diệu Thanh đã bết những gam màu tối lên bức tranh toàn cảnh mà người đọc dễ nhận ra đã gặp ở đâu đó trên vùng đồng bằng Nam bộ này. Một trường tiểu học Dương Đôi mà theo tác giả chỉ có một cô giáo là “người”, một thầy 50% là người… Số thầy cô còn lại trở thành những diễn viên siêu hạng bởi sự hãnh tiến, thành tích ảo mà hậu quả của nó không chỉ ám xuống đầu bọn trẻ mà đã trở thành lời nguyền cay nghiệt đối với vùng quê nghèo nàn này.

Nhân vật chính của tiểu thuyết tên Dẫu, một cô con gái ngỗ ngược coi chuyện đối đầu với thầy cô là một thú vui. Cô hồn nhiên sa ngã bằng một suy nghĩ đơn giản: “Bán trinh ư? Đau không? Không! Có tiền không? Có! Vậy thì làm”… Có thể nói, Dẫu đại diện cho những đứa trẻ khác trong tiểu thuyết của Võ Diệu Thanh: nghèo nàn, thất học, hoang dại… lớn lên trong một xã hội mà ở đó nhà trường như một chỗ dựa mục ruỗng, gia đình thiếu không khí bởi thành kiến nghiệt ngã, xã hội băng hoại vì tiền; bọn trẻ lớn lên như một bản năng sống tự mình ngộ ra điều tốt đẹp sau khi không còn xấu hơn được nữa.

Sau một lần đi khách và bị bỏ rơi trong đêm giữa đồng không mông quạnh, Dẫu tình cờ gặp Nhiều - một chàng trai có học, hiền lương đã đánh thức ở cô cái khát vọng làm người tử tế. Nhiều đã giúp cô nhận ra mặt trăng thật đẹp sau bao nhiêu năm làm người trên cõi đời ô trọc này. (Tuy nhiên, ở đoạn này Võ Diệu Thanh đã khá dễ dãi khi cho Nhiều gặp Dẫu đang đêm trong chiếc áo rằn ri người khách bỏ lại mà không thắc mắc gì. Đã vậy, khi chia tay còn hào phóng tặng cô chiếc điện thoại di động để tiện liên lạc sau này, trong khi Nhiều chỉ là một người làm rẫy…).

Võ Diệu Thanh đã đem ít nhiều trăn trở trong công việc của mình vào tác phẩm và mong muốn nó tốt hơn, hoàn chỉnh hơn. Tác phẩm khép lại khi Dẫu quyết định dứt áo ra đi, bỏ lại sau lưng cô giáo Hậu với mong ước tốt đẹp, với thầy Độ vẫn còn ở đâu đó trong mối tình tuyệt vọng của Hậu. Và Dị với mớ vàng vừa lấy cắp của gia đình và nỗi thèm khát người bạn gái ngang ngược ngày xưa… Tất cả vẫn còn ở phía trước!

Nguyễn Trung Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.