Lãng phí hàng chục tỉ đồng rồi tính vào giá điện: Quá lãng phí và vô lý

06/12/2016 10:32 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 5.12 đăng bài Lãng phí hàng chục tỉ đồng rồi tính vào giá điện?

Không cần thiết
Bỏ ra hàng chục tỉ đồng để làm một việc mà lẽ ra chỉ mất chưa đến một tỉ đồng để làm thì quá là lãng phí và không cần thiết. Quy định của Bộ Công thương là sơn trực tiếp hoặc lắp biển rời vào các cột điện thì ngành điện lực phải chọn giải pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất nếu là người làm việc có tâm. Việc lạm dụng gắn biển với chi phí khủng như vậy liệu có động cơ gì khác nữa không?
Trần Minh Dũng
(Q.12, TP.HCM)
Cần xem lại
Tại sao Tổng công ty điện lực miền Bắc lại đặt làm biển cảnh báo có giá lên đến hơn 180.000 đồng/biển mà cũng chỉ làm bằng chất liệu thép tấm, sơn bình thường. Trong khi đó, những đơn vị thành viên lại làm biển chất lượng cao nhưng giá chỉ 20.000 đồng. Hơn thế nữa, việc ép các đơn vị thành viên phải ký hợp đồng với nhà cung cấp được chỉ định sẵn, nếu đơn vị nào không thực hiện đúng sẽ phải chịu trách nhiệm... cho thấy có quá nhiều bất thường trong vụ việc này. Cơ quan chủ quản là Bộ Công thương cần cho giám định lại giá trị thật của các tấm biển này để làm rõ liệu có sự bất thường gì trong vụ làm biển này hay không.
Lâm Văn Trung
(Q.Tân Phú, TP.HCM)
Vô lý
Người dân chỉ chấp nhận việc tính vào giá điện đối với những chi phí cần thiết để tạo ra dòng diện. Còn việc lãng phí tiền bạc để thực hiện những công việc không cần thiết, gây thất thoát thì đó là lỗi của người quản lý, không thể tính vào giá điện cho người dân gánh chịu được. Người dân không cần những tấm biển cảnh báo trị giá hàng trăm nghìn đồng như vậy. Giá điện ở VN đã quá cao rồi mà lãnh đạo ngành điện còn nghĩ ra các chiêu thức để tăng thêm giá điện như vậy là không thể chấp nhận được.
Nguyễn Văn Minh
(Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Bất thường
Nói về tính thẩm mỹ thì chưa chắc làm bằng biển thép đẹp hơn so với sơn trực tiếp lên trụ điện. Còn nói về độ bền thì chắc chắn việc sơn trực tiếp sẽ bền hơn nhiều. Với chi phí rẻ và công nghệ sơn hiện nay thì việc sơn lại khi bị tróc sơn là rất đơn giản. Còn khi dùng biển kim loại phơi ngoài nắng mưa chắc chắn sẽ xuống cấp, hư hỏng và khi đó làm lại rất tốn kém. Đó là chưa kể những tấm biển này sẽ trở thành mồi ngon cho nạn trộm cắp. Vì vậy, bỏ ra chi phí cao hơn hàng chục lần để làm một việc mà kết quả không tốt hơn là mấy thì rõ ràng có dấu hiệu bất thường.
Trần Minh Phúc
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
Phạm Văn Hoàng
Mục đích của biển cảnh báo trên trụ điện chỉ là cảnh báo nguy hiểm, vì vậy biển báo chỉ cần đạt yêu cầu to, rõ ràng, nổi bật và bền là được. Việc đặt làm tấm biển kim loại trị giá hàng trăm ngàn đồng/biển để gắn lên trụ điện, trong khi trụ điện không thiếu chỗ để sơn trực tiếp lên là quá lãng phí và không cần thiết. Làm kinh doanh thì lẽ ra lãnh đạo ngành điện lực phải biết chọn phương án nào tiết kiệm và tối ưu.
Phạm Văn Hoàng 
(Q.10, TP.HCM)
Nguyễn Thế Anh
Nếu ngành điện lực muốn làm những việc không có mục đích phục vụ cho khách hàng tốt hơn thì cứ làm nhưng phải trừ vào các nguồn kinh phí, lợi nhuận của ngành mà không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Còn nếu làm những việc không cần thiết để rồi hạch toán vào chi phí sản xuất và tính vào giá điện để đổ lên đầu người dân thì không thể chấp nhận được.
Nguyễn Thế Anh 
(TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương)
T.T - Sơn Hải 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.