Làng rà mìn, tháo bom

21/11/2014 10:00 GMT+7

“Đông ri” đọc ngược là “đi rông” - cách người dân địa phương gọi nghề rà tìm phế liệu. Đây được xem là một trong những nghề nguy hiểm bậc nhất ở vùng đất còn lắm bom đạn sót lại sau chiến tranh như Quảng Trị.

Làng rà mìn, tháo bom
Hiện nay ở Quảng Trị vẫn còn nhiều người mưu sinh bằng nghề rà phế liệu - Ảnh: Nguyễn Phúc

Làng... liều mạng

Ở Quảng Trị, sau giải phóng có rất nhiều người chọn nghề rà tìm phế liệu để mưu sinh. Hầu như ở làng nào, xã nào cũng có dăm ba người theo nghiệp này, dù thi thoảng vẫn vang lên những tiếng nổ long trời và lắm khi tai nạn chết người vẫn xảy ra... Làng Tân Hiệp (xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ) được ví như “làng liều” bởi hầu hết già trẻ gái trai trong làng đều đã từng tham gia hội “đông ri” - rà phế liệu.

Mới đây, chúng tôi vào “làng liều” để tìm hiểu nguyên cớ về độ gan lì của cư dân nơi đây. Mới 8 giờ sáng, nhưng làng vắng hoe, có chăng là bóng dăm ba người già và trẻ nhỏ đang ngồi chơi trong những ngôi nhà được xây na ná nhau. Đây là làng mới do chính quyền và các nhà hảo tâm xây cho người Tân Hiệp sau khi làng cũ bị sụt lún nghiêm trọng cách đây hơn chục năm trước. Làng tuy đẹp nhưng ít người là vì hầu hết đều đã “đông ri” từ sớm... Biết chúng tôi đến tìm hiểu về cái nghiệp của làng nhưng cư dân Tân Hiệp không mấy mặn mà, thậm chí còn đề phòng. Có người bảo: “Chúng tôi bỏ nghề ấy rồi”, nhưng chiếc máy rà vẫn treo lủng lẳng ở sau hè đã cho thấy họ nói dối. Phải tìm đến một túp lều được dựng bằng ván của chị Mai Thị Tuyết (24 tuổi) thì mới biết chồng chị và mọi người đã đi rà từ tinh mơ, tại những ngọn đồi cao cách làng rất xa.

Nghe người mẹ 2 con này than thở một lúc về cái nghiệp “khốn khổ” của chồng thì ông Trần Văn Minh (48 tuổi, anh chồng chị Tuyết) ghé chơi. Ông Minh là một nạn nhân của nghề “đông ri”. Khoảng năm 1990, khi đang đi rà ở khu vực “tàu bay 5” thuộc huyện vùng cao Hướng Hóa thì ông cuốc phải một quả đạn. Tiếng nổ chát chúa đã cướp đi 4 ngón tay. “Như tôi vậy là... nhẹ. Đi rà chỉ nghe được tín hiệu là cuốc thôi. May nhờ rủi chịu vì có ai biết dưới đất là miểng sắt hay bom đạn?”, ông Minh chép miệng. Chỉ một tháng sau vụ nổ, ông đã quay trở lại với cái máy rà và làm cho đến tận bây giờ, dù sức khỏe đã hao kiệt. “Đi rà mỗi ngày kiếm giỏi lắm 100 ngàn nhưng không làm lấy chi mà ăn. Kể cả sau đó mấy năm, em trai tôi chết cũng vì nghề “đông ri”, nhưng tôi và những người còn lại trong nhà vẫn phải đi rà để kiếm cơm”, ông Minh nói.

Người đàn ông này dẫn chúng tôi đến nhà một người đồng cảnh ngộ với mình. Đó là ông Nguyễn Văn Mạnh (60 tuổi), bị cụt gần hết một bàn tay và hỏng một mắt do đụng phải bom ở Làng Cát (H.Đakrông) lúc mới 25 tuổi. Dù có kinh nghiệm “đông ri” hơn 40 năm nhưng ông Mạnh đã phải thừa nhận rằng việc rà mìn và tháo đạn của dân Tân Hiệp chủ yếu là do “quen tay”. “Nghề ni chắc chắn là phải giáp mặt với bom đạn. Nhiều người sợ thì quăng chạy nhưng cũng không ít người liều mạng sờ vào. Họ chủ yếu dựa vào những kinh nghiệm rất ít ỏi và sự gan lì”, ông Mạnh nói, giọng vẫn còn run.

Dĩ nhiên đối với những người ngoại đạo, nghe những kinh nghiệm kiểu... Tân Hiệp đều sởn gai óc. Có chuyện rằng, người Tân Hiệp tai thính đến độ, chỉ cần nghe trên máy rà kêu tít tè là đủ biết dưới lòng đất có cái gì. Và cũng chẳng ai dám kiểm chứng hoặc thử thí nghiệm lại chuyện dân Tân Hiệp tháo lựu đạn chỉ cần mở chốt rồi lấy... kim băng, sợi thép cài lại. Kinh nghiệm này cũng giống như chuyện dân Tân Hiệp kháo nhau cách “xử” một số loại bom phải tính vòng xoay để khỏi “bùm”. Nhưng kinh hãi nhất là những hình ảnh vài ba người đàn ông lực lưỡng mồ hôi nhễ nhại vì ra sức cưa quả bom như cưa... khúc gỗ. Cưa không xong thì dùng búa, dùng dùi để đục, lấy ra thuốc súng, nhôm đồng... và bán tuốt. Quả thực, may mà người viết đã không có được trải nghiệm này, hoặc nếu có thì có cho bạc tỉ cũng chẳng dám đứng xem hay “ghi nhận”.

Chưa nghe ai ở Tân Hiệp giàu bằng nghề rà phế liệu bao giờ. Có chăng là vài câu chuyện quá khứ về ai đó đã từng “trúng” một quả bom đại, bán cho nhà buôn được gần 100 triệu. Hay chuyện về một nhóm “đông ri” đụng nguyên một hầm pháo, lén lút “khai quật”, tháo kíp... rồi kiếm hơn chục triệu mỗi người. Nhưng những câu chuyện “vui” như thế này không có nhiều ở Tân Hiệp và dường như chỉ xảy ra ở thời xa lắc.

Bao giờ hết liều?

Đó là một câu hỏi rất đơn giản nhưng rất khó trả lời trong hoàn cảnh của người Tân Hiệp hiện nay. Chẳng ai muốn gán cho cái danh cư dân của làng “liều mạng” nhưng tại sao ở Tân Hiệp người sau lại nối tiếp người trước tay cuốc tay rà? “Chúng tôi được nhà nước quan tâm cho nhà ở nhưng lại không có đất sản xuất. Ở nông thôn mà không có ruộng, không có rừng lại không có nghề thủ công truyền thống nên chúng tôi mới đi rà mìn chứ nào có ai muốn làm cái nghề ăn cám trả vàng này?”, ông Minh phân bua.

Sống ở trong làng này ai chẳng biết trước nay đã có hơn 20 người về với đất và khoảng chục người tàn phế vì “tai nạn nghề nghiệp”. Riêng mấy năm gần đây, có lẽ do may mắn nên chưa có thêm người Tân Hiệp nào phải chết vì bom mìn. Nhưng cơ hội để cho thần chết gõ cửa vẫn còn đó khi họ vẫn theo đuổi kiếp “đông ri”. Lâu lâu ở Quảng Trị vẫn có những vụ “sinh nghề tử nghiệp” như những lời cảnh tỉnh cho dân Tân Hiệp. Như cái chết của ông Đào Mua (60 tuổi, trú P.4, TP.Đông Hà) vào tháng 11.2013, khi đụng phải mìn lúc đang “tác nghiệp” tại Khe Lấp (P.3). Hay, nỗi đau của gia đình Hồ Ly Va (21 tuổi) và Hồ Văn Na (18 tuổi, cùng trú thôn Trằm, xã Hướng Tân, H.Hướng Hóa) tháng 7.2013 phải nhận thi thể con em mình chỉ còn là những mảnh ghép thịt xương sau vụ nổ ở bản May (H.Sê Pôn, Savanakhet, Lào), nơi 2 anh em này đang rà phế liệu.

Nguyễn Phúc

>> Phát hiện hầm bom đạn 'khủng' tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo
>> Xử lý 81 quả bom, đạn tại Quảng Trị
>> Bị bắt vì chế 'bom' dằn mặt đồng nghiệp
>> Người mê “chơi” bom đạn
>> Còn đó nỗi đau từ bom đạn
>> Sống dưới bom đạn của UAV
>> Tiêu hủy 2,1 tấn bom đạn phát hiện dưới nền nhà dân
>> Khoảng 1,5 tấn bom đạn dưới nền nhà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.