Lội nhiều trong nước ngập dễ mắc những bệnh gì?

04/07/2023 08:00 GMT+7

Khi mọi người dầm mưa nhiều, lội trong nước ngập liên tục thì nguy cơ có thể dẫn đến mắc phải một số căn bệnh sau đây...

Những ngày này, cứ đến giờ tan làm là Trịnh Văn Quân (29 tuổi, ngụ chung cư TDH River View, TP.Thủ Đức, TP.HCM) liên tiếp gặp phải những cơn mưa xối xả. Việc đi lại trong mưa đã làm đảo lộn giờ giấc sinh hoạt của Quân. Thậm chí, mưa lớn, nước ngậpmột số tuyến đường làm Quân liên tục phải lội nước về nhà.

Dầm mưa liên miên, lội nhiều trong nước ngập dễ mắc những bệnh gì? - Ảnh 1.

Lội trong nước nhiều khiến cơ thể bị nhiễm lạnh

DẠ THẢO

Cảm cúm, viêm họng, viêm xoang, viêm phổi...

Có những lúc Quân cảm thấy mệt mỏi vì liên tục di chuyển nhiều ngày dưới cơn mưa lớn, kèm theo đó là lội nước khi đường bị ngập. Điều này làm Quân lo ngại sẽ bị nhiễm bệnh nếu phải dầm mưa, lội nước ngập trong thời gian dài.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Bùi Huy Hoàng, Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), cho rằng mùa mưa là thời điểm không khí trở nên lạnh hơn một cách đột ngột, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp phát triển. Các bệnh thường gặp trong mùa mưa như: cảm cúm, viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi… ngoài ra các bệnh lý xương khớp, tiền đình có sẵn cũng thường tái lại hơn.

"Thông thường, các triệu chứng đi cùng là ho, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, nhức đầu hoặc sốt. Điều này khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu, không tập trung và giảm hiệu suất làm việc khi bị mắc bệnh", bác sĩ Hoàng nói.

Theo bác sĩ Hoàng, để tránh bị các bệnh trong mùa mưa, bạn trẻ nên hạn chế tiếp xúc thời tiết lạnh, nhất là dầm mưa trong thời gian dài. "Nếu chẳng may bị mắc mưa thì khi về nhà nên sớm lau khô người, giữ ấm cơ thể, tránh ngồi máy lạnh, quạt hay nơi có nhiều gió. Bên cạnh đó, bạn trẻ nên ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như: rau củ, trái cây, bổ sung tinh bột, đạm để tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh theo mùa này", bác sĩ Hoàng khuyên.

Miền Bắc có mưa rất lớn từ đêm 4.7, cảnh báo lũ sông Hồng, sông Thái Bình

Không nên tự ý mua thuốc bôi khi bị nhiễm các loại bệnh nấm về da

Còn bác sĩ Trần Lê Thùy Dương, chuyên Khoa Da liễu Bệnh viện đa khoa Lê Văn Việt (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết khi thời tiết đã vào mùa mưa, ngập nước là thời điểm lý tưởng cho các bệnh về da gia tăng. Nguyên nhân do tình trạng ẩm thấp do thời tiết và các tác nhân khác gây nên.

Theo đó, trong nước mưa đầu mùa thường có chứa axit có thể ảnh hưởng đến cơ địa da của mỗi người. Ngoài ra, với nước ngập thường là nước mưa hoà lẫn với các loại nước bẩn khác ở cống, kênh, rạch cũng giúp các loại vi khuẩn có sẵn trong nguồn nước sinh sôi dễ dàng hơn. Trong khi đó, những bạn trẻ, làm việc văn phòng thường hay mang những loại giày không thông thoáng, khi tiếp xúc nước ngập rất dễ bị nhiễm các loại nấm về da.

Dầm mưa liên miên, lội trong nước ngập bạn trẻ dễ mắc bệnh gì? - Ảnh 2.

Đi nhiều trong nước ngập có nguy cơ bị các bệnh về da

DẠ THẢO

Theo bác sĩ Thùy Dương, có 2 nhóm bệnh da liễu thường gặp mà bạn trẻ cần đặc biệt chú ý là bệnh cơ địa và nhiễm trùng da. Về bệnh da cơ địa là một nhóm bệnh cơ địa kết hợp với tình trạng da mẫn cảm với các dị nguyên trong môi trường như: nổi mề đay, viêm da cơ địa, viêm da tiết bã... Khi thời tiết lạnh do mưa nhiều, cùng với tiếp xúc các dị nguyên trong nước mưa có thể gây bùng phát các bệnh này. Cũng từ đó, những bệnh liên quan có nguy cơ tăng kèm theo như: nấm da, viêm nang lông, ghẻ… Với nhiễm trùng thường có các bệnh như: nhiễm khuẩn da, viêm nang lông, viêm da mủ, viêm da liên cầu khuẩn… Một số loại ký sinh trùng lây qua da (giun lươn) gặp trong nước, đất khi đi chân đất, lội nước bẩn.

"Đối với những người đang có vết thương hở nếu tiếp xúc các nước bẩn thì nguy cơ nhiễm trùng da cao, từ đó vết thương có thể lan rộng khó lành, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết nếu không được điều trị kịp thời. Những bộ phận trên cơ thể dễ nhiễm nhất như: nấm kẽ tay, kẽ chân, nấm móng bởi những nơi này thường tiếp xúc với nguồn nước bẩn, biểu bì da ẩm thấp chính là nguồn sinh sôi của nấm và vi khuẩn", bác sĩ Thùy Dương nói.

Cũng theo bác sĩ Thùy Dương, giải pháp tốt nhất là tránh xa các nguồn lây nhiễm càng nhiều càng tốt. Cụ thể là không nên lội nước ngập trong thời gian quá lâu. Giữ vệ sinh đúng cách, cho da khô thoáng, tránh ẩm thấp, nên mang giày thông thoáng khi ra ngoài. Sau khi lội nước ngập, cần tắm rửa sạch. Những nơi có vết thương hở bạn trẻ nên rửa sạch bằng nước muối sinh lý, thuốc tím pha loãng. Có thể dùng các loại xà phòng dịu nhẹ.

"Đối với các ký sinh trùng ký sinh qua da sẽ có triệu chứng như: ngứa, mẩn đỏ, nhìn nền da có đường ngoằn ngoèo, vì ký sinh trùng nằm dưới da. Tuy nhiên, khi gặp trường hợp này người trẻ cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán xác định và điều trị, không nên tự ý mua thuốc bôi sau khi lội trong nước ngập", bác sĩ Thùy Dương khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.