Lợi thế từ thị trường láng giềng

14/12/2023 04:15 GMT+7

Dung lượng khổng lồ, ở kế ngay bên, thói quen tiêu dùng đồng dạng, nhu cầu đa dạng... là những lợi thế của thị trường Trung Quốc đang được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác ngày càng mạnh mẽ.

Có thâm niên hơn chục năm xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, khẳng định thị trường này đã chấp nhận mặt hàng nào thì chỉ sợ làm không xuể chứ không lo ế. Hiện tại, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang có hàng chục ngàn héc ta chuối cho thu hoạch, phần lớn trong số này là xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc và "chưa bao giờ có khái niệm tồn kho". Những điều ông Đoàn Nguyên Đức nói được minh chứng rõ nhất qua sự thăng tiến thần tốc kim ngạch xuất khẩu sầu riêng qua thị trường láng giềng gần 1,5 tỉ dân trong năm nay. Còn nhớ hồi đầu năm, khi Trung Quốc chính thức mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam, những người trong ngành chỉ dám mơ loại trái cây này sẽ nhanh chóng vào câu lạc bộ tỉ USD. Thế nhưng đến hết tháng 11, sầu riêng đã mang về hơn 2 tỉ USD, một con số không tưởng và dự báo có thể về đích 2,3 tỉ USD vào cuối năm nay.

Không chỉ sầu riêng, hầu hết các loại trái cây rau củ năm nay được giá cũng là do thị trường Trung Quốc tăng "ăn hàng", đưa ngành này trở thành điểm sáng trên bản đồ xuất khẩu có nhiều gam màu xám dưới tác động của kinh tế toàn cầu khó khăn. Nguyên nhân là do từ cuối năm 2020, Trung Quốc hạn chế cây trồng không phải là ngũ cốc để đảm bảo an ninh lương thực nhằm đối phó bất ổn kinh tế toàn cầu cũng như biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt. Quy định này được đánh giá là hết sức bất ngờ bởi trước đó Trung Quốc từng khuyến khích nông dân đa dạng hóa mục đích sử dụng đất canh tác, đặc biệt là thúc đẩy gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như bông, thuốc lá, hoặc trồng rau, đào ao nuôi cá để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, quy định nói trên đang tạo ra lợi thế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Đầu tiên, nông nghiệp là thế mạnh của chúng ta, trong đó hầu hết các loại rau quả đều được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Giờ họ hạn chế trồng nghĩa là cơ hội để chúng ta khai thác mạnh hơn, sâu hơn với lợi nhuận lớn hơn. Chẳng nói đâu xa, ngay tại thời điểm này, bà con trồng ớt đang vô cùng phấn khởi bởi giá ớt cao kỷ lục nhờ thị trường Trung Quốc "ăn hàng". Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều mặt hàng được mở cửa chính ngạch vào thị trường láng giềng và nhiều bất ngờ hứa hẹn ở phía trước.

Thứ hai, Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý trong xuất khẩu sang Trung Quốc so với nhiều nước trong khu vực. Nhờ đó, thời gian vận chuyển của chúng ta nhanh hơn, chi phí rẻ hơn. Lợi thế này đang giúp sầu riêng Việt Nam cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan, vốn thống lĩnh thị trường Trung Quốc với 90% thị phần bao năm nay. Các nông sản khác hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế "nhất cự ly, nhì cường độ" để cạnh tranh khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Thứ ba, thói quen văn hóa tiêu dùng của người Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam. Đây là một lợi thế rất quan trọng để các doanh nghiệp xuất khẩu hiểu rõ nhu cầu, sở thích của thị trường để đáp ứng cho đúng, đủ và kịp thời.

Thực tế năm nay, trong khi đa số các thị trường xuất khẩu truyền thống của ta như EU, Mỹ... đều giảm thì xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng, cả về sản lượng và giá. Vấn đề còn lại chính là chúng ta phải chủ động bán cái thị trường cần, thay vì cái ta có... xét cả về yêu cầu, điều kiện, quy chuẩn, quy cách, chất lượng, mẫu mã... mà phía đối tác đặt ra.

Để trong mối quan hệ thương mại này, hai bên cùng có lợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.