Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen:

Mang ơn lò sấy năng lượng mặt trời quá hết sẩy

01/09/2023 13:22 GMT+7

Lò sấy năng lượng mặt trời đầu tiên được xây dựng trên diện tích 20m2, ba tầng sấy nhanh chóng đi vào hoạt động. Sau một tháng vận hành có thể tiết kiệm được gần một nửa tiền điện. Vậy là chỉ cần có nắng, chị em công nhân trong xưởng lại hồ hởi đẩy giàn phơi ra tận dụng ánh mặt trời, không dùng đến máy sấy điện.

Công ty Thảo dược Tây Nguyên có lò sấy năng lượng mặt trời quá hết sẩy này là một doanh nghiệp nhỏ nằm ở Đăk Tô (Kon Tum), giáp ranh với đỉnh núi Ngọc Linh, thủ phủ của hàng trăm loại dược liệu quý hiếm như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, nấm lim xanh, linh chi rừng…

Đau đáu với nạn "chảy máu" nguồn dược liệu quý và để tận dụng, khai thác tối ưu dược liệu sạch có sẵn trong tự nhiên, công ty đã thu mua các loại dược liệu tươi do bà con đồng bào thu hái được, sau đó phơi sấy, sơ chế, đóng gói thành những sản phẩm đặc trưng của vùng.

Mang ơn lò sấy năng lượng mặt trời quá hết sẩy - Ảnh 1.

Lò sấy năng lượng mặt trời trở thành một trong những khâu quyết định để sản phẩm lá xông của doanh nghiệp giữ được hương liệu

Mang ơn lò sấy năng lượng mặt trời quá hết sẩy - Ảnh 2.

Bên trong lò sấy năng lượng mặt trời

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu luôn dồi dào, đạt chuẩn GACP-WHO, công ty còn liên kết với nhiều hộ gia đình nông dân để trồng thêm các loại dược liệu khác như gừng sẻ, đẳng sâm, khổ qua rừng…. Một trong những khó khăn lớn đối với doanh nghiệp là việc phải thường xuyên phơi sấy dược liệu với số lượng lớn, nhất là vào những tháng mùa mưa.

Ngoài việc tận dụng ánh nắng mặt trời, công ty trang bị cho xưởng chế biến 2 lò sấy điện. Việc sấy điện mang đến rất nhiều tiện ích: nhanh chóng, sạch sẽ, không phụ thuộc vào thời tiết. Tuy nhiên, hai lò sấy điện hoạt động hết công suất cũng khiến hóa đơn tiền điện tăng cao, có tháng lên đến gần mười triệu đồng. Điều đó cũng làm phát sinh chi phí sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Suốt thời gian dài, chúng tôi đau đầu để tìm phương án tối ưu hơn, tiết kiệm hơn mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm dược liệu của quê hương mình.

Mang ơn lò sấy năng lượng mặt trời quá hết sẩy - Ảnh 3.

Mang ơn lò sấy năng lượng mặt trời quá hết sẩy - Ảnh 4.

Chỉ cần có nắng, các công nhân của xưởng sẽ mang lá khổ qua và các giá phơi đẳng sâm ra nắng để tiết kiệm điện

TGCC

Năm 2019, sau nhiều lần đi tham quan, học hỏi khắp các tỉnh thành, em trai tôi, một kỹ sư công nghệ sinh học quyết định mang mô hình lò sấy năng lượng mặt trời về xây dựng ở xưởng sản xuất của công ty. Chi phí đầu tư cho một lò sấy ước tính khoảng 18 triệu đồng. Ba mẹ tôi nhìn nhau ngần ngại. Riêng chị em tôi, những người trẻ với cái nhìn mới hơn, quyết đoán hơn cùng nhau hạ quyết tâm triển khai thực hiện.

Lò sấy năng lượng mặt trời đầu tiên xây dựng trên diện tích 20m2, ba tầng sấy nhanh chóng đi vào hoạt động. Sau một tháng vận hành lại có thể tiết kiệm được gần một nửa tiền điện. Cắt giảm được chi phí điện, chúng tôi trích lại thưởng thêm cho công nhân trong xưởng. 

Dần dần, việc tiết kiệm điện cũng trở thành thói quen, chỉ cần có nắng, chị em công nhân trong xưởng tôi lại hồ hởi đẩy giàn phơi ra tận dụng ánh nắng mặt trời, không dùng máy sấy điện. Mỗi lần tan làm, mọi người tự giác tắt đèn, sập cầu dao. Vì ai cũng hiểu, tiết kiệm điện cho xưởng cũng là tiết kiệm tiền cho bản thân mình.

Năm 2020, khi đại dịch Covid - 19 bùng nổ, xưởng dược liệu của chúng tôi gần như ngừng hoạt động. Để duy trì sản xuất và thu nhập cho công nhân, chúng tôi chuyển hướng thu mua, phơi sấy, sản xuất lá xông giải cảm. Lò sấy năng lượng mặt trời cũng trở thành một trong những khâu quyết định để sản phẩm lá xông của doanh nghiệp giữ được hương liệu, đảm bảo chất lượng nhưng giá thành vô cùng rẻ, xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch.

Mang ơn lò sấy năng lượng mặt trời quá hết sẩy - Ảnh 5.

Công nhân xưởng chế biến sấy lá khổ qua (dùng để làm trà khổ qua) bằng lò sấy năng lượng mặt trời

TGCC

Chính vì vậy, trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid - 19, nhiều doanh nghiệp lao đao, nhiều cơ sở sản xuất đóng cửa thì doanh nghiệp của chúng tôi vẫn hoạt động, thậm chí phải tuyển thêm công nhân. Tôi nhận ra rằng, để đứng vững và phát triển được trong mọi hoàn cảnh thì việc tiết kiệm trong từng khâu sản xuất là vô cùng quan trọng. 

Và đối với doanh nghiệp của chúng tôi, việc tiết kiệm điện bằng lò sấy năng lượng mặt trời đã mở ra bước ngoặt sống còn, không chỉ đưa doanh nghiệp vững vàng vượt qua đại dịch mà còn mang đến thu nhập ổn định cho công nhân và nhân dân quanh vùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.