Mất gần nửa tỉ đồng trong tích tắc và bài học cần 'thuộc lòng' về mã OTP

Thanh Nam
Thanh Nam
16/03/2024 17:49 GMT+7

Nhiều vụ bị chiếm lấy số tiền lớn chỉ vì nhẹ dạ cả tin, sơ ý cung cấp mã OTP (viết tắt của One Time Password, mật khẩu dùng một lần, sử dụng để xác nhận giao dịch) cho người khác.

Mới đây, kể với PV Thanh Niên, ca sĩ Lương Gia Huy cho biết đã mất gần nửa tỉ đồng liên quan đến mã OTP. Cụ thể, anh nhận được cuộc gọi của người tự xưng là nhân viên ngân hàng, phổ biến về thủ tục nâng hạn mức thẻ tín dụng. 

"Tôi đưa điện thoại cho người trợ lý xử lý giúp. Vì người trợ lý mất cảnh giác nên làm theo các yêu cầu của bọn lừa đảo để hoàn tất thủ tục như chụp ảnh căn cước công dân, thẻ visa… Sau đó, người trợ lý tiếp tục tin tưởng lời dặn là "tiền trừ xong sẽ được hoàn trả lại" nên cung cấp mã OTP cho "nhân viên ngân hàng tự xưng". Dù rằng trong tin nhắn của ngân hàng có cảnh báo quý khách không gửi mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Và sau nhiều lần tiền bị chuyển đi, tôi mới tá hỏa, lập tức khóa thẻ. Tôi mất tổng cộng 450 triệu đồng", ca sĩ Lương Gia Huy cho biết.

Mất gần nửa tỉ đồng trong tích tắc và bài học cần 'thuộc lòng' về mã OTP- Ảnh 1.

Ca sĩ Lương Gia Huy đã chia sẻ câu chuyện mất tiền của mình để làm bài học kinh nghiệm cho người khác

CHỤP MÀN HÌNH

Cũng vì cung cấp mã OTP cho người lạ, 6 ngày trước, ca sĩ Phan Ngọc Luân cũng bị kẻ xấu lừa mất 100 triệu đồng. Sau đó, ca sĩ trẻ tuổi này đã đến Công an P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM để trình báo sự việc. "Mình đã xác định mất rồi nhưng vẫn phải trình báo công an cho sáng tỏ. Nếu lấy được lại thì mừng, còn không thì thôi. Mong mọi người cẩn thận, đừng để mất tiền oan như mình", ca sĩ Phan Ngọc Luân nói.

Trước đó, có rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra. Vào tháng 11.2023, Thanh Niên đã từng đăng tải bài viết "Trong tích tắc bị lừa mất gần 60 triệu đồng chỉ vì sơ hở này", ghi nhận trường hợp mất tiền trong thời gian rất ngắn của anh Hoàng Văn Lương, giáo viên tại một trường dạy lái xe ô tô ở Q.12, TP.HCM.

Cụ thể, anh Lương có đến chi nhánh một ngân hàng ở phòng giao dịch Lê Thị Riêng, Q.12, TP.HCM để mở thẻ ghi nợ. Anh Lương chuyển trực tuyến 60 triệu đồng từ tài khoản của chính mình ở một ngân hàng khác vào tài khoản mới mở. Xong việc, anh Lương lấy xe ra về thì nhận một cuộc gọi từ số lạ mạo danh là nhân viên ngân hàng, yêu cầu cung cấp mã OTP. Anh Lương làm theo vì ngỡ là cuộc gọi của nhân viên ngân hàng và cái kết là tài khoản đã "bay" gần 60 triệu đồng.

Sau bài viết trên, nhiều bạn đọc đã phản ánh về việc bị mất số tiền không nhỏ, thậm chí lên đến cả vài trăm triệu đồng chỉ vì… cung cấp mã OTP cho người khác. 

Chẳng hạn, chị Nguyễn Thị Hoàng Trinh (32 tuổi), làm việc ở Khu công nghiệp Dung Quất, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết mất gần 420 triệu đồng. "Họ xưng là nhân viên ngân hàng, gọi đến số điện thoại của tôi để hướng dẫn về việc lấy lại số tiền tôi chuyển nhầm. Tôi mất cảnh giác, làm theo. Sau 4 lần cung cấp mã OTP, tài khoản tôi còn… 0 đồng", chị Trinh kể và nói: "Đây là bài học nhớ đời của tôi".

Mất gần nửa tỉ đồng trong tích tắc và bài học cần 'thuộc lòng' về mã OTP- Ảnh 2.

Trong tích tắc, anh Lương đã mất gần 60 triệu đồng vì cung cấp mã OTP cho người khác

THANH NAM

"Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai"

Trở lại câu chuyện của anh Lương, sau 4 tháng, người này kể: "Vẫn chưa thấy động tĩnh nào cho thấy có thể lấy lại số tiền đã mất. Rất nhiều lần làm việc với đại diện ngân hàng nhưng không thấy viễn cảnh tươi sáng".

Bài học anh Lương rút ra là: "Cần nói không với việc cung cấp mã OTP cho người khác".

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần ở Q.1 khuyến cáo: "Không thể liệt kê đã có bao nhiêu trường hợp bị lừa mất tiền vì tin tưởng cung cấp mã OTP. Bởi lẽ, những câu chuyện như thế xuất hiện hàng ngày, rất nhiều".

Vị này nói: "Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Không nghe theo chỉ định, hướng dẫn của người lạ có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng. Không một nhân viên ngân hàng nào yêu cầu khách phải cung cấp mã OTP qua điện thoại. Tương tự, phải cảnh giác với những cuộc gọi tự xưng là công an, tòa án… yêu cầu chuyển tiền qua ngân hàng. Đó đều là những cuộc gọi để lừa đảo. Nếu cả tin, làm theo, chắc chắn bị mất tiền".

Vị giám đốc này cũng khuyên: "Lưu ý đừng đăng tải lên mạng xã hội những trạng thái kể chuyện chuyển khoản nhầm, cần nâng hạn mức thẻ tín dụng hoặc các vấn đề liên quan đến tài khoản ngân hàng… Vì có thể, kẻ xấu sẽ lợi dụng những câu chuyện ấy, sau đó mạo danh nhân viên ngân hàng liên hệ đến để "giăng" bẫy lừa. Thay vào đó, có thể tự tìm hiểu trên các ứng dụng ngân hàng. Nếu không thể thực hiện được, cần đến những quầy giao dịch của các ngân hàng".

Để không mất tiền oan uổng, vị này tiếp tục lặp lại lời dặn: "Không được cung cấp mã OTP cho người lạ. Bắt buộc phải nhớ điều quan trọng này và cần thuộc nằm lòng". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.