Mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

30/07/2023 19:16 GMT+7

Những tín hiệu mới nhất từ Washington cho thấy xe tự lái có thể sẽ trở thành mặt trận tiếp theo trong cuộc so kè về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg mới đây cho biết các công ty sản xuất xe tự lái của Trung Quốc tại thị trường Mỹ đang gây ra lo ngại về an ninh quốc gia cho Washington, sau khi một số nhà lập pháp kêu gọi hạn chế hoạt động của các công ty này.

"Cho dù chúng ta đang nói về phần cứng hay phần mềm, thì những lo ngại về công nghệ vận tải cũng giống như những lo ngại về viễn thông hay TikTok", ông Buttigieg nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 20.7.

Vị bộ trưởng cũng cho rằng Mỹ cần hiểu rõ hơn về "quyền sở hữu thực sự ở các doanh nghiệp khác nhau đang cung cấp các yếu tố khác nhau trong hệ thống giao thông của chúng ta".

Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến thương mại cũng như công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp hàng loạt chuyến thăm cấp cao gần đây gửi tín hiệu tích cực về quan hệ Mỹ - Trung. Từ việc cấm TikTok cho đến kiểm soát xuất khẩu trong lĩnh vực bán dẫn, Washington đang theo đuổi nhiều nỗ lực đối phó với những gì họ cho là rủi ro an ninh quốc gia tiềm tàng từ Trung Quốc.

Xe tự lái, mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung? - Ảnh 1.

Xe tự lái của một công ty Trung Quốc chạy thử nghiệm tại California, Mỹ

CHỤP MÀN HÌNH TECH WIRE ASIA

Lo ngại an ninh quốc gia

Mới đây, một ủy ban của Hạ viện Mỹ đã mở cuộc điều tra về các khoản đầu tư của 4 công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ vào các công ty bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, theo Reuters. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang xem xét các quy định mới nhằm hạn chế dòng vốn đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.

Trong một bức thư đề ngày 17.7 gửi cho ông Buttigieg và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, một nhóm gồm 4 nhà lập pháp lưỡng đảng của Mỹ đã yêu cầu điều tra về sự phổ biến của công nghệ xe tự lái Trung Quốc tại nền kinh tế số 1 thế giới và cách để hạn chế công nghệ này.

“Công nghệ được sử dụng bởi xe tự lái, LiDAR, RADAR, máy ảnh, AI và các cảm biến và chất bán dẫn tiên tiến khác đều có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về người dân và cơ sở hạ tầng Mỹ. Sau đó dữ liệu này có thể được chia sẻ lại cho Trung Quốc”, 4 nhà lập pháp viết trong bức thư.

Các nhà lập pháp đặc biệt lo ngại về việc thử nghiệm thiết bị và phương tiện xe tự lái ở Mỹ. Bức thư của họ trích dẫn dữ liệu từ báo cáo của cơ quan quản lý của bang California cho thấy 7 công ty Trung Quốc, bao gồm công ty khởi nghiệp (startup) Apollo của Baidu và startup về robotaxi (taxi tự lái) Pony.ai, đã thử nghiệm các loại phương tiện tự lái ở bang đông dân nhất Mỹ vào năm ngoái.

Sau khi Reuters đăng tải phát biểu của Bộ trưởng Buttigieg, báo Global Times của Trung Quốc ngày 21.7 dẫn lời các chuyên gia cho rằng "lo ngại về an ninh quốc gia" trong lĩnh vực xe tự lái chỉ là "cái cớ" để Mỹ kiềm chế sự phát triển về công nghệ của Trung Quốc. Và theo các chuyên gia này, Mỹ làm như vậy sẽ chỉ gây ra thiệt hại cho chính các công ty của họ.

Xe tự lái, mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung? - Ảnh 2.

Xe lát đường tự lái ở An Huy, Trung Quốc

CHINA DAILY

Một giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Kỹ thuật Hoàng Hà (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), được tờ báo trích dẫn, cho hay công nghệ lái xe tự lái của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng và đi theo một lộ trình kỹ thuật khác với Mỹ, thậm chí còn vượt qua các công ty Mỹ trong một số lĩnh vực, khiến một số chính trị gia Mỹ ghen tị và lo lắng. Chuyên gia này nói rằng mục đích của Mỹ là hạn chế hoạt động thử nghiệm trên đường cũng như nghiên cứu và phát triển của các công ty Trung Quốc tại Mỹ, thậm chí cuối cùng buộc các công ty này phải rút khỏi Mỹ.

Chiến trường tiếp theo?

Theo trang Tech Wire Asia, nỗi lo xe tự lái bị biến thành “vũ khí” bắt đầu từ năm 2017, khi công nghệ xe tự lái được cho là phát triển nhanh hơn mức các cơ quan quản lý có thể theo kịp. Kể từ đó, các chính quyền khu vực và quốc gia đã phải vật lộn với vấn đề khi nào và trong những điều kiện nào có thể phép xe tự lái lưu thông trên đường sá.

Hầu hết các nhà lập pháp Mỹ lập luận rằng Trung Quốc có thể sử dụng các phương tiện tự lái, được kết nối với nhau như một con đường để đưa các hệ thống và công nghệ của họ vào cơ sở hạ tầng của Mỹ. Cho đến nay, Mỹ và hầu hết các đồng minh đã cấm tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng 5G ở các quốc gia này. Vì vậy, mặt trận tiếp theo của cuộc chiến Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ là các loại phương tiện "thế hệ tiếp theo", theo Tech Wire Asia.

Xe tự lái, mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung? - Ảnh 3.

Xe tự lái của Baidu và Pony.ai chạy thử nghiệm ở Bắc Kinh, Trung Quốc

CHINA DAILY

Cuối năm ngoái, giới lập pháp Mỹ đã bày tỏ lo ngại về làn sóng xe tự lái của Trung Quốc trên đường phố Mỹ. Trong một bức thư gửi Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Xa lộ Quốc gia Mỹ đề ngày 18.11.2022, hạ nghị sĩ August Pfluger đã hỏi liệu Washington có chuẩn bị sẵn sàng cho mối đe dọa an ninh đến từ làn sóng phương tiện tự lái và thông minh do Trung Quốc sản xuất sắp tới hay không.

"Tôi vẫn lo ngại rằng việc thiếu sự giám sát của Mỹ đối với công nghệ xe tự lái đã mở ra cơ hội do thám cho một quốc gia nước ngoài trên đất Mỹ, vì các công ty Trung Quốc có khả năng chuyển dữ liệu quan trọng sang (chính phủ) Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", ông Pfluger viết. Ông yêu cầu cơ quan quản lý giải thích cách họ xem xét rủi ro an ninh quốc gia mà các công ty Trung Quốc này gây ra.

Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô nổi tiếng của Mỹ đã chậm trễ trong việc thực hiện những lời hứa thương mại hóa xe tự lái, theo Reuters. Nhiều công ty xe tự lái đã cắt giảm chi phí và nhân sự, với một số công ty như Argo AI, vốn được Ford và Volkswagen hậu thuẫn, đã phải đóng cửa hàng. Những công ty lớn vẫn theo đuổi lĩnh vực này bao gồm Cruise của General Motors, Waymo của Alphabet và Zoox của Amazon.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.