Mỹ giao thương hàng trăm tỉ USD hàng hóa với các nước Hồi giáo

01/02/2017 11:04 GMT+7

Lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump với công dân bảy nước chủ yếu theo đạo Hồi đang là tiêu điểm quan tâm trên khắp Trung Đông và một phần châu Á.

Theo CNN, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, tổ chức đại diện cho hàng chục nước theo đạo Hồi, vừa bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, cảnh báo rằng động thái của ông Trump “sẽ khuyến khích những kẻ cực đoan". Liên đoàn Ả Rập thì thẳng thắn cho hay sắc lệnh mới là phi lý.
Dù chỉ một trong các nước nằm trong danh sách cấm của ông Trump là Iraq có quan hệ thương mại quan trọng với Mỹ, lệnh cấm cũng có thể gây ra nhiều tổn thất lớn hơn cho lợi ích nền kinh tế số một thế giới.
Có khoảng 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có Hồi giáo chiếm ưu thế. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Mỹ với các nước trên đạt 220 tỉ USD năm 2015, theo Cục Thống kê Mỹ. Trong 11 tháng đầu năm 2016, giá trị thương mại trên đạt 194 tỉ USD.
Nói cách khác, khoảng 6% tổng thương mại Mỹ đang được thực hiện với các nước mà đạo Hồi chiếm đa số. 94% tổng thương mại hàng hóa Mỹ và các nước Hồi giáo được gói gọn trong 15 nước, bao gồm Malaysia, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Iraq và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)... Dưới đây là vài đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ trong thế giới Hồi giáo.
Malaysia
Mỹ có thâm hụt thương mại 22,9 tỉ USD với quốc gia Đông Nam Á. Nhiều hãng Mỹ, trong đó có Exxon Mobil, Chevron, ConocoPhillips, Murphy Oil, Dow Chemical, đầu tư hàng tỉ USD vào Malaysia thông qua các công ty con và thông qua hợp đồng với doanh nghiệp địa phương.
Một trong các khu vực nóng đầu tư khác là ngành dịch vụ tài chính và sản xuất. Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho hay công ty nước này đầu tư gần 14 tỉ USD vào Malaysia năm 2015.
Ả Rập Xê Út
Ả Rập Xê Út và Mỹ giao thương hơn 31 tỉ USD giá trị hàng hóa trong 11 tháng đầu năm 2016. Doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu ô tô, máy móc công nghiệp, thiết bị xây dựng, máy bay dân dụng, hệ thống quốc phòng, sản phẩm công nghệ thông tin và chăm sóc sức khỏe tới đất nước Trung Đông.
Ngược lại, Mỹ nhập khẩu 386 triệu thùng dầu từ Ả Rập Xê Út trong năm 2015, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Đây là nguồn dầu thô nước ngoài lớn thứ nhì của Mỹ. Giới doanh nghiệp Mỹ đổ 10 tỉ USD tiền đầu tư vào Ả Rập Xê Út. Chỉ riêng hãng General Electric (GE) đã đầu tư 1 tỉ USD.
UAE
Mỹ và UAE giao thương 23,3 tỉ USD giá trị hàng hóa trong 11 tháng đầu năm 2016. Đây là thị trường riêng lẻ lớn nhất cho hàng xuất khẩu Mỹ ở Trung Đông. Giới doanh nghiệp Mỹ đầu tư 15,6 tỉ USD và hơn 1.000 công ty Mỹ đang hoạt động ở nước này.
Trụ sở Trung Đông của hãng Boeing tọa lạc tại Dubai. Hãng hợp tác với công ty địa phương Mubadala để sản xuất các bộ phận cho mẫu máy bay Boeing 777 và Boeing 787 Dreamliner. Thỏa thuận hợp tác được công bố năm 2013, có giá trị 2,3 tỉ USD và kéo dài 10 năm. Lockheed Martin, GE và ExxonMobil cũng có quan hệ làm ăn lâu dài tại đây.
Indonesia
Đây là nước có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới. Thương mại hàng hóa giữa Indonesia và Mỹ đạt 23 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm 2016. Quốc gia Đông Nam Á là một thành viên của nhóm G20 các nền kinh tế lớn nhất thế giới, thu hút được 13,5 tỉ USD tiền đầu tư từ Mỹ, chủ yếu là vào lĩnh vực khai thác mỏ.
Thổ Nhĩ Kỳ
Thương mại giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt 17,4 tỉ USD năm 2015, tăng từ mức 10,8 tỉ USD năm 2009. Giới doanh nghiệp Mỹ đổ 3,6 tỉ USD vào Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây, chủ yếu là cho lĩnh vực ngân hàng và sản xuất. Hãng Ford, General Electric và Unilever đều làm ăn tại đây. Ford là công ty sử dụng nhiều lao động nhất trong ngành công nghiệp ô tô Thổ Nhĩ Kỳ với việc thuê tuyển 10.600 người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.