Mỹ, Nhật Bản ra sức 'lấy lòng' Tổng thống Philippines

11/08/2016 14:40 GMT+7

Các nhà ngoại giao của Nhật Bản và Mỹ đang cố gắng thiết lập mối quan hệ cá nhân thân thiết với tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida có kế hoạch gặp Tổng thống Duterte và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay ở thành phố Davao, miền nam Philippines ngày 11.8, theo tờ Nikkei Asian Review. Mục đích của cuộc gặp này nhằm tái khẳng định cam kết của Manila đối với phán quyết của Toà trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Kishida muốn đến quê hương của ông Duterte thay vì thủ đô Manila để thể hiện thiện chí của Nhật Bản và dự kiến sẽ nhắc lại cam kết ủng hộ của Tokyo đối với dự án xây dựng đường sắt ở Manila và các dự án khác.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã nói chuyện với ông Duterte ở Manila hồi cuối tháng 7.2016. Lúc đó, Tổng thống Philippines hứa sẽ "tỉnh táo" khi tham gia đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, ông Kerry cho biết Mỹ sẽ cung cấp 32 triệu USD hỗ trợ chính phủ Philippines, theo Balita.
Nhật Bản và Mỹ đang cố gắng không để cho ông Duterte quá gần với Trung Quốc. Tổng thống Duterte ngay sau khi thắng cử đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán song phương với Bắc Kinh. Mục đích của ông là thuyết phục Trung Quốc ngừng ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough vốn bị Trung Quốc chiếm từ Philippines năm 2012.
Ông đã gửi cựu tổng thống Fidel Ramos, 88 tuổi, người có nhiều mối liên lạc ở Trung Quốc, làm đặc phái viên của ông để làm việc với Bắc Kinh và ông này đã đến Hồng Kông từ hôm 8.8, theo Reuters
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida Reuters
Bắc Kinh "một ngày nào đó, chào đón chuyến thăm Trung Quốc của ông Ramos như một đặc phái viên", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 10.8, gợi ý rằng hai bên có thể sớm bắt đầu đàm phán chính thức.
Dù quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila không mấy tốt đẹp nhưng Trung Quốc vẫn âm thầm hỗ trợ xây dựng đường sắt và cung cấp viện trợ kinh tế cho Philippines. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản muốn củng cố quan hệ với Philippines để kiềm chế các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington và Manila đã ký một thỏa thuận quân sự mới hồi năm 2014, cho phép Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại các căn cứ của Philippines.
Ông Duterte vẫn muốn duy trì mối quan hệ với Nhật Bản và Mỹ, nhưng nếu ông theo đuổi quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc thì toàn bộ khu vực này sẽ phải đối mặt với nguy cơ thay đổi về an ninh, Nikkei Asian Review nhận định.
Trung Quốc yêu cầu Philippines gác lại phán quyết của trọng tài như một điều kiện để đàm phán song phương, nhưng ông Duterte đã từ chối đề nghị này. Phán quyết của Toà trọng tài hôm 12.7 đã bác bỏ “quyền lịch sử” đối với “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đòi hỏi ở Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.