Vui chơi giải trí ngày xuân tại TP Hồ Chí Minh: Tết này, đi đâu? Xem gì?

29/01/2005 17:03 GMT+7

Chợ hoa sẽ sớm đem không khí Tết đến với dân thành phố ở 3 nơi: 1/ Công viên 23/9 (khu vực đường Phạm Ngũ Lão - Lê Lai - Nguyễn Thị Nghĩa, kéo dài tới gần quảng trường Quách Thị Trang, chợ Bến Thành, quận 1) với khoảng 900 gian hàng hoa. 2/ Công viên Gia Định (Phú Nhuận) 160 gian hàng.

3/ Công viên Lê Văn Tám khoảng 100 gian hàng. Đặc điểm của chợ hoa năm nay là dù mùa hoa mai có bị kém sút so với năm ngoái song nhiều loại hoa quả kiểng chưng Tết, mới trồng ghép, thử nghiệm lần đầu và thành công, được đưa ra khá nhiều, để công chúng thưởng lãm, hoặc chọn mua. Như gian hàng số 11, quận 12 (Công viên 23.9) và lô E4 - E5 (Công viên Gia Định) sẽ có kiểng chưng mới, gồm 5 loại cây ăn trái trồng sẵn trong chậu: 1. Táo Đài Loan 2. Ổi xá lỵ Thái Lan 3. Khế ngọt 4. Khóm bông 5. Thanh long ghép. Nổi bật nhất là kiểng hoa quả Long phụng sum vầy (4 chậu, gồm 2 cặp thanh long và khóm, 700.000 đồng), các loại khác trung bình 100.000 đến 200.000 đồng mỗi chậu. Bắt đầu hoạt động từ 23 tháng chạp (1.2) đến 30 Tết (8.2).

Công viên Suối Tiên những ngày giáp tết.

Hội hoa xuân tại Công viên Tao Đàn (55C Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), trưng bày 5.000 hiện vật hoa xuân tiêu biểu và các loài chim cá kiểng, với gần 800 nghệ nhân của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đà Nẵng... chuẩn bị từ nửa năm nay và khai mạc lúc 17 giờ 30 chiều 25 Tết (3.2). Những ngày tiếp theo: 26 Tết (4.2) họp mặt cựu chiến binh (8 giờ 30). Chơi cờ người (15 - 18 giờ), ca nhạc thiếu nhi (10 - 11 giờ), ca nhạc Xuân đi hái lộc (20 - 22 giờ). 27 Tết (5.2 ) họp mặt vùng sâu vùng xa (8 giờ 30), ca nhạc (20 - 22 giờ). 28 Tết (6.2) chấm thi bộ môn xương rồng, bonsai, chim cá, cây khô, non bộ, kiểng cổ (8 giờ), thi gói bánh chưng, bánh tét long phụng (10 - 12 giờ), ca nhạc (20 -22 giờ). 29 Tết (7.2) chấm thi phong lan, hoa mai, hoa tươi, kiểng có hoa; thi cắm hoa nghệ thuật (8 giờ), ca nhạc thiếu nhi (10 - 12 giờ), ca nhạc nhẹ Vũ điệu xuân (20 - 22 giờ). 30 Tết (8.2) công bố hiện vật đoạt giải (8 giờ), ca nhạc (10 -12 giờ). Chuẩn bị đón giao thừa (từ 20 giờ). Mùng 1 Tết (9.2) múa long phụng (10 -14 giờ), ca nhạc ba miền (20 -22 giờ). Mùng 2 Tết (10.2) đua thuyền long phụng (10 -11 giờ), ca nhạc (20 - 22 giờ). Mùng 3 Tết (11.2) thi đá chim họa mi (dự kiến: lúc 8 giờ), giao lưu nghệ sĩ (19 giờ) ca nhạc Xuân muôn nhà (20 - 22 giờ). Mùng 4 Tết (12.2) thi đá chim chích chòe (dự kiến: lúc 8 giờ), giao lưu thư pháp (10 - 12 giờ), gặp mặt những người phục vụ Tết (17 giờ), dân ca ba miền và hài kịch Lộc tấn tài (20 - 22 giờ). Mùng 5 Tết (13.2) giao lưu nghệ nhân (16 giờ). Lễ bế mạc, phát thưởng (17 giờ). Ca múa nhạc (20 - 22 giờ). Những nét mới (so các Tết trước): Trưng bày những hiện vật lạ và độc đáo đã đoạt giải vàng Hội hoa xuân 24 năm qua, như: bộ sưu tập bướm, san hô, tranh hoa chất liệu bằng hoa lá, gỗ, đá; tranh thêu, sơn màu chim hoa cá cảnh. Khu hoa cảnh (700m2) của nghệ nhân nước ngoài đến từ Thái Lan, Singapore, Đài Loan. Nhiều kỳ hoa dị thảo, vườn mai, vườn đào, cây ghép 5 loài, sưu tập lan rừng Việt Nam và sưu tập đỗ quyên, địa lan nhiều màu cùng hoa xứ lạnh Đà Lạt, 40 chủng loại hoa hồng, dứa Nam Mỹ, quỳnh nở ban ngày nhiều màu, cây khô mỹ thuật với các tác phẩm nghệ thuật từ cây trầm hương.

Hội hoa xuân Tao Đàn.

Phố hoa xuân với 6 vạn chậu hoa, hàng trăm kiểng chưng Tết và lồng đèn, sẽ rực sáng đường Nguyễn Huệ, khu vực trụ sở Ủy ban thành phố đến bờ sông Sài Gòn. Khoảng 10.000 chậu hoa khác kết thành các thảm hoa ở quảng trường Quách Thị Trang.

Công viên nước Đầm Sen mùng 1 đến 12 tháng giêng: Ca nhạc thời trang; múa Lân Sư Rồng; thiếu nhi vui Tết với hề Si đô (lúc 12 giờ mỗi ngày). Từ mùng 1 đến mùng 5 (và ngày 12 tháng giêng): Vui xuân trúng thưởng mỗi ngày; giải nhất: máy giặt Sanyo; nhì: tủ lạnh Samsung; ba: lò nướng Electrolux. Những nét mới: mở cửa công viên khủng long 5.000m2, với 110 loài khủng long như: bá vương long, nga mi long, uyển long, mã môn khê long, tam giác long biết cử động và gầm thét y như thật. Khai mạc trưng bày lịch sử sinh tồn và diệt chủng của loài khủng long với trọng lượng, chủng loại, mô hình xương hóa thạch do các nghệ nhân Trung Quốc từ Tự Cống đến Việt Nam thực hiện. Du khách đi thuyền qua những sông, thác và đoạn rừng (giả lập) có bố trí khủng long xuất hiện bất ngờ trên đường thủy du.

Khu du lịch Suối Tiên: Dĩ nhiên, mọi hoạt động và khung cảnh bài trí đều "rất Tết" từ 23 tháng chạp. Du khách ngoài vui xuân, có thể tận mắt thấy hồ nước mặn duy nhất trong các khu công viên nước ở Việt Nam thiết lập tại đây. Đầu năm đến Suối Tiên vào mùng 1 tới mùng 10 đều có dịp đứng trước biển Tiên Đồng may mắn với tổng diện tích 25.000m2, trong đó diện tích mặt nước rộng 9.000m2.

Cung Văn hóa Lao động (55B Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) từ 24 đến 27 Tết: sơ khảo Hội thi song ca - tam ca lần thứ 10, chủ đề Mùa xuân tình yêu. Mùng 3 và 4 Tết: chung kết. Mùng 6 Tết: phát giải. Thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi lúc 8g sáng mùng 3 Tết. Nhà Văn hóa Thanh niên (4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1): Mùng 1 đến mùng 3 Tết: Ca nhạc mừng xuân mỗi tối tại sân 4A từ 18 giờ. Mùng 4 Tết: văn nghệ Câu lạc bộ chiều thứ bảy (18 giờ). Mùng 5 Tết: ca nhạc Vòng tay bè bạn (18 giờ). Sân khấu Tết: Sẽ dựng sân khấu ngoài trời, trước dinh Thống Nhất, nơi diễn ra chương trình văn nghệ đón giao thừa dài 2 tiếng đồng hồ đêm 30 Tết (8.2). Trước đó, vào 25 tháng chạp (3.2) tại Nhà hát Thành phố sẽ biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng có trực tiếp truyền hình. Cũng từ 25 tháng chạp đến mùng 3 Tết, dựng sân khấu ca nhạc tại Công viên 23.9, diễn kịch, cải lương, hát bội, xiếc, tấu hài ngoài trời. Tại Nhà hát Kịch thành phố (rạp Công Nhân) diễn vở Song Hỷ, tác giả: Nguyễn Quốc, đạo diễn: Thanh Thủy vào mùng 1 (19 giờ), mùng 2 (15 giờ), mùng 4 (19 giờ). Quan bô đón Tết, tác giả: Mỹ Dung, đạo diễn: Lê Văn Tịnh, vào mùng 2 (19 giờ) và mùng 3 (15 giờ). 2 kịch ngắn Giấc mơ xuân và Lương duyên diễn 2 suất mùng 3 (19 giờ) và mùng 4 (15 giờ). Sân khấu Idecaf diễn vở Nụ cười của biển, tác giả: Phạm Hữu Thông, đạo diễn: Hùng Lâm, vào mùng 1 (20 giờ 15), mùng 2 (15 và 17 giờ 30), mùng 3 (20 giờ 15), mùng 4 (15 và 17 giờ 30), mùng 5 (20 giờ 15). Và vở Màu của tình yêu, tác giả: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như, từ mùng 1 đến mùng 5.

G.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.