Ánh sáng không chỉ là đèn...

02/02/2005 22:15 GMT+7

Trong không khí "nước rút" của những ngày cuối năm, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cũng vừa kịp "cho ra lò” những học viên hoàn thành lớp Thiết kế âm thanh ánh sáng sân khấu khóa 4.

Xem những tác phẩm là bài tập báo cáo tốt nghiệp đầy chất tìm tòi, sáng tạo do các nhóm học viên thực hiện, khó nghĩ được rằng họ mới chỉ qua 1 tháng của khóa học. Phương pháp xử lý ánh sáng, âm nhạc, cách sáng tạo kết hợp giữa yếu tố điện ảnh và sân khấu trong các tác phẩm đã thực sự hấp dẫn người xem.

Ngắn ngủi trong vòng 1 tháng, các học viên - có người hàng chục năm tuổi nghề - lại thấy mình đã học được rất nhiều điều, từ những kiến thức cơ bản nhất cho đến những kiến thức nâng cao về nghề thiết kế âm thanh, ánh sáng sân khấu chứ không đơn thuần là những kỹ thuật viên. Rõ ràng ánh sáng sân khấu không chỉ là hệ thống trang thiết bị thật hiện đại, đèn nhấp nháy đủ màu, hay đơn giản hơn là "sáng mặt đặt tên" mà nó phải là một yếu tố nghệ thuật quan trọng đồng hành cùng sáng tạo tác phẩm. Thạc sĩ Nguyễn Đình Thi, chủ nhiệm lớp tâm sự: "Đã lâu rồi những người phụ trách âm thanh, ánh sáng sân khấu dường như chỉ được coi đơn thuần là các thợ điện, thợ kỹ thuật. Vì vậy, càng ngày âm thanh và ánh sáng của sân khấu càng tụt hậu quá xa so với những tác phẩm mà nó đang phục vụ. Lớp không đơn thuần dạy những kiến thức cơ bản về thiết kế âm thanh, ánh sáng mà quan trọng hơn còn khơi dậy tư duy, cảm hứng và ý thức sáng tạo của học viên để họ có thể thực sự đồng sáng tạo với đạo diễn, diễn viên".

Phần thực hành các bài tập được học viên thực hiện say mê, sôi nổi nhất. Đầu tiên, các học viên được đọc kịch bản tác phẩm sân khấu, đơn giản hơn có thể chỉ là một bài hát sẽ được biểu diễn, sau đó họ phải lập được ý tưởng của riêng mình về cách thể hiện âm thanh, ánh sáng của tác phẩm ấy. Tiếp đến, cùng trao đổi, thống nhất ý tưởng với đạo diễn và họa sĩ sân khấu. Sau đó, thành lập sơ đồ, bản vẽ thiết kế và lập bảng tín hiệu về âm thanh hoặc ánh sáng. Cuối cùng là bàn bạc, thống nhất những yêu cầu với kỹ thuật viên thực hiện.

Đầu năm 2005, trong khuôn khổ dự án hỗ trợ phát triển văn hóa giữa Chính phủ Pháp và Việt Nam, một trung tâm ánh sáng, âm thanh hiện đại nhất trong nước sẽ được xây dựng tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội với kinh phí đầu tư 1,4 triệu euro. Trung tâm sẽ là nguồn đào tạo những chuyên viên thiết kế âm thanh, ánh sáng sân khấu cho cả nước. Một phần mục đích dự kiến của dự án này là sẽ cung cấp được những chuyên gia giỏi đảm trách phần thiết kế âm thanh, ánh sáng cho các Festival Huế diễn ra 2 năm một lần.

Lan Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.