Star Wars: Republic Comando - Đặc nhiệm liên hành tinh

04/05/2005 09:30 GMT+7

Với cách chơi điều khiển nhóm đơn giản, hiệu quả, cùng với đồ họa đẹp mắt và âm thanh hoành tráng, Star Wars: Republic Commando quả thực là một lựa chọn đáng giá cho bộ sưu tập của những fan đam mê dạng game hành động.


Có thể nói, từ trước đến nay, hiếm có trò chơi nào được chuyển thể từ điện ảnh lại gặt hái nhiều thành công như dòng Star Wars của hãng LucasArts. Vũ trụ bao la của Star Wars luôn là nguồn ý tưởng bất tận cho các nhà làm game, khiến họ thỏa sức sáng tạo ra vô số thể loại trò chơi: từ hành động, nhập vai, dàn trận cho đến cả đua xe v.v. Tháng trước, Thế Giới Game đã giới thiệu đến bạn đọc Star Wars Knights of the Old Republic - The Sith Lords, một game nhập vai. Giờ đây, chủ đề này lại quay sang một thể loại hoàn toàn khác, đó là dạng hành động - bắn súng với trò chơi Star Wars: Republic Commando (SWRC).

Câu chuyện trong SWRC diễn ra vào khoảng thời gian nổ ra cuộc chiến khốc liệt giữa đế chế Republic và nhóm ly khai Separatist (nếu bạn có xem qua phim, thì đây chính là giai đoạn diễn ra trong phần hai: Attack of the Clones). Trong game, chúng ta sẽ không bắt gặp bóng dáng quen thuộc của các hiệp sĩ Jedi, mà thay vào đó, người chơi giữ vai trò chỉ huy một đội đặc nhiệm thuộc đạo quân Vô tính (Clones) của đế chế Republic. Lực lượng đặc nhiệm (mang tên Delta Squad) mà người chơi điều khiển, gồm bốn chiến sĩ cơ động và thiện chiến: Bạn - người chỉ huy, mang mã số Delta 38, ngoài ra còn có Delta 40 - một “hacker” thứ thiệt, đảm trách việc xâm nhập các hệ thống máy tính, Delta 62, chuyên gia xử lý các loại chất nổ và cuối cùng là Delta 07, một tay thiện xạ “lạnh lùng”. Đội quân này chuyên thực hiện các nhiệm vụ đột nhập lãnh thổ và căn cứ của kẻ thù, tiêu diệt các lực lượng chống đối cũng như tiến hành các hoạt động phá hoại, thu thập thông tin, và phối hợp “nội công ngoại kích” cùng với các quân đoàn chủ lực bên ngoài, nhằm mục đích cuối cùng là giành thắng lợi về cho Republic.

Đánh giá

SWRC là sự kết hợp giữa dạng hành động - bắn súng và điều khiển nhóm.

Điều khiển nhóm: Cách chỉ huy, ra mệnh lệnh trong trò chơi theo nhận xét của người viết trông đơn giản nhưng hiệu quả. Chỉ bằng một phím nhấn, bạn có thể ra lệnh cho đồng đội nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí để tác chiến: bắn tỉa, ném lựu đạn, sử dụng các ụ súng máy, gỡ mìn, đặt thuốc nổ v.v. Điểm hay (và độc đáo) của trò chơi là ở những vị trí được chọn, một hình ảnh ảo (hologram) của nhân vật sẽ xuất hiện với tư thế, mà chỉ cần nhìn qua, bạn có thể biết được anh ta sẽ làm gì tại đó. Bên cạnh mệnh lệnh cụ thể cho từng cá nhân, bạn có thể điều động cả nhóm hành động (thông qua các phím F1-F4): tiến lên, tập trung lại, cố thủ tại một điểm cố định nào đó... tùy theo tình huống cụ thể.

Việc điều khiển nhóm của bạn càng trở nên thuận lợi hơn, khi được sự hỗ trợ của AI nhân vật trong nhóm Delta khá thông minh - họ thường biết mình phải làm gì nếu bạn đang “bận rộn” mà quên ra lệnh. Chẳng hạn lập tức tìm vị trí ẩn nấp và phản công khi gặp kẻ thù, chủ động tìm đến các máy “bơm máu” nếu cảm thấy sức khỏe đang nguy hiểm. Nhưng thỉnh thoảng, dù rất ít khi xảy ra, AI cũng xảy ra những lỗi nhỏ, như bị kẹt khi di chuyển vào các khu vực chật hẹp, không chịu đi theo bạn mặc dù đã có mệnh lệnh, hoặc không rời vị trí dù đã tiêu diệt hết đối phương.

Hành động - bắn súng: Nhìn chung, các “pha” hành động trong game diễn ra khá sôi động và kịch tính. Đối thủ mà các Commando phải đối đầu đa dạng và có những kiểu tấn cộng khác nhau. Giống côn trùng Geonosian thì nhanh nhẹn luôn tìm cách sáp lại gần người chơi, bọn Droid (robot) “mình đồng da sắt” thường tấn công theo kiểu “lấy... máy đè người”... Tuy vậy, những khẩu súng như Blaster hay Array Gun, thường có mức sát thương khá thấp, bạn sẽ phải tốn khá nhiều đạn để có thể tiêu diệt được đối phương. Một điểm bất hợp lý khác mà bạn sẽ nhanh chóng nhận ra khi chơi là khi súng không hiệu quả thì các chiêu cận chiến (đâm, đập báng súng) lại... đầy uy lực. Một phát có thể hạ một địch thủ! (dĩ nhiên, trừ những địch thủ quá dữ dằn như bọn Super Battle Droid).

Độ khó: SWRC có tổng cộng 3 mức độ từ dễ đến khó và bạn có thể chuyển đổi qua lại bất kỳ lúc nào trong khi chơi. Khi thay đổi giữa các mức, sự khác biệt rõ ràng nhất chính là phần “Shield” (giáp bảo vệ) của các Commando, càng tăng dần độ khó, shield sẽ giảm rất nhanh trong khi kẻ thù lại trở nên “dai sức” hơn. Một yếu tố khác, có thể ảnh hưởng đến độ khó là trò chơi vừa hỗ trợ chế độ lưu theo Checkpoint, vừa cho phép lưu game bất cứ lúc nào. Nghĩa là nếu bạn tự tin vào khả năng của mình thì chỉ cần sử dụng các điểm lưu cố định để thử sức, nếu không thì có thể trông cậy vào Quicksave, để làm trò chơi “dễ thở” hơn.

Đồ họa: SWRC sử dụng engine Unreal nổi tiếng để xây dựng phần hình ảnh. Nhờ sức mạnh của bộ engine này, cảnh vật, hiệu ứng hình ảnh trông khá đẹp và hoành tráng. Ấn tượng nhất trong các màn chơi là những cảnh trên hành tinh Kashyyyk: vẻ đẹp lạ kỳ của các khu rừng xen lẫn với những vườn cây làm cho người chơi sững sờ! Mô hình các nhân vật trong game cũng được thực hiện khá tốt. Nhất là các thành viên của lực lượng Delta được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Bạn có thể quan sát rõ các vết xước, các họa tiết trên áo giáp (ấn tượng nhất là chiếc áo giáp của chàng thiện xạ Delta 07 với “hình vẽ” vằn vện trong rất ngầu!). Chuyển động của các nhân vật trông rất nhẹ nhàng và uyển chuyển. Được biết đội ngũ làm game đã mô phỏng lại chuyển động thật của những người đóng thế (thuật ngữ gọi là motion-captured) để tạo nên những động tác như thật cho các nhân vật.

Mảng hiệu ứng cũng đóng góp rất lớn vào thành công chung của đồ họa. Quả thật về mặt này, SWRC tỏ ra không hề kém cạnh các game “đinh” hiện nay. Các hiệu ứng được thể hiện tinh tế đến độ bạn sẽ bắt gặp những hạt mưa văng vào và đọng lại trên mặt kính nón của nhân vật, hay khi đi qua đường hầm, những luồng hơi nước trông lung linh và huyền ảo... Nổi bật và xuất sắc nhất là trò chơi ứng dụng các nguồn sáng rất tốt, nếu bạn có card màn hình tương đối mạnh, đừng ngần ngại bật các hiệu ứng “xịn” như Bloom, Blur... để nâng cao chất lượng hình ảnh. Thật ngạc nhiên khi biết yêu cầu của game khá nhẹ, có thể chạy được trên máy có cấu hình trung bình - yếu (thử trên máy Celeron 1,8GHz sử dụng card Geforce 4 Ti 4200, thiết lập độ phân giải 1024x768, game vẫn chạy tốt tuy hơi giật ở những cảnh có xử lý phức tạp), trong khi trò chơi lại có rất nhiều hiệu ứng, mà đa phần (như Bloom) sẽ “vắt kiệt” công suất của hệ thống, nhất là card đồ họa. Tóm lại, phần hình ảnh của game đã hoàn thành rất tốt vai trò của mình.

m thanh: Đây lại là một thành công khác của SWRC. Xuyên suốt trò chơi là các bản nhạc giao hưởng hoành tráng, đậm chất anh hùng ca và cực kỳ quen thuộc nếu bạn đã từng xem qua các bộ phim Star Wars. Đối với các gamer yêu nhạc Rock, bài hát của ban nhạc Ash ở phần Credits sẽ khiến bạn thích thú. Phần lồng tiếng nhân vật cũng được thực hiện khá tốt, thể hiện rõ tính cách của từng người thông qua ”hơi thở, giọng nói” của họ. Ví dụ: Delta 07 có giọng nói trầm tĩnh, thích hợp với phong cách “lạnh lùng”, Delta 38 luôn có những câu nói rắn rỏi, dứt khoát, phù hợp với vai trò của người trưởng nhóm, v.v...

Lời kết

Với cách chơi điều khiển nhóm đơn giản, hiệu quả, cộng với đồ họa đẹp và âm thanh hoành tráng SWRC quả thực là một lựa chọn đáng giá cho bộ sưu tập của những fan đam mê dạng game hành động, Tuy nhiên, do thời lượng game không nhiều cùng với một kết thúc lấp lửng, người chơi cảm thấy chưa thật sự thỏa mãn khi hoàn tất trò chơi. Hy vọng rằng, LucasArts sẽ sớm tung ra phần tiếp theo để giải đáp cho những khúc mắc còn bỏ ngõ trong SWRC.

Theo PC World VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.