Những trái tim Việt trong lòng nước Mỹ

20/01/2006 10:14 GMT+7

Dù đi đâu, ở đâu, trong đáy tim của bất cứ ai có máu Việt vẫn còn lắng đọng hai tiếng "Việt Nam" yêu dấu. Điều này thể hiện càng rõ đối với những đồng bào Việt Nam sống ở Mỹ. Năm nay, tôi rất hân hạnh lại được các bạn trẻ bên Mỹ mời tham dự hội nghị của các hội đoàn của người Mỹ gốc Việt (Mỹ Việt) từ ngày 18 đến 20 tháng 11 năm 2005 tại Sonoma County, California.

Các anh chị em họp nhau để nhìn lại một năm thực hiện các chương trình giúp đỡ quê nhà và để bàn tính những chương trình tương lai. Điều đáng phấn khởi của hội nghị lần này là có thêm 4 hội đoàn so với năm ngoái, đưa tổng số các hội đoàn lên 36 với hơn 130 người đại diện trên toàn Hoa Kỳ đã đến tham dự. Đây là những trí thức Việt Nam, chuyên gia nhiều ngành nghề khác nhau của cả hai thế hệ, từ cựu giáo sư 78 tuổi như bác Lê Xuân Khoa đến các cháu thanh niên sinh ra trên đất Mỹ như Đỗ Anh Minh, đều có chung một suy nghĩ: làm gì để giúp cho người dân nghèo các vùng quê Việt Nam sớm thoát cảnh khổ cực. Xuất phát từ tấm lòng "làm việc thiện gì đó cho quê hương mình, trước tiên là từ nơi chôn nhau cắt rún của mình và lan rộng ra các vùng khác tương tự", các Anh Chị Em đã gặp nhau, và đã tự nguyện gặp gỡ nhau lần đầu tiên hồi tháng 5.2005 với danh nghĩa những VA-NGOs. Đây là các tổ chức cộng đồng người Mỹ gốc Việt có chương trình hoạt động tại Việt Nam trên các lĩnh vực, bao gồm cứu trợ nhân đạo, phát triển cộng đồng, trợ giúp người nghèo và trẻ em bất hạnh. Ngoài ra, nhiều tổ chức VA-NGOs cũng cung cấp các dịch vụ trợ giúp cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. 

Dự cả hai hội nghị, tôi thấy các Anh Chị Em trình bày cho nhau nghe những kết quả của hội đoàn của mình đã làm được gì ở Việt Nam, nói hoàn toàn bằng tiếng Anh không thua gì người Mỹ chính gốc. Có hơn Mỹ đôi chút ở chỗ các bạn vẫn hát, ngâm thơ, và nói chuyện tiếu lâm dí dỏm của ba miền đất Việt. Tôi có thể đọc thấy trong tâm trạng từng bạn những nỗi niềm hạnh phúc khi kể lại chuyện đã giúp được nhiều em bé lang thang đường phố Hà Nội có công ăn việc làm, vài phụ nữ nông thôn có được tay nghề vừa giúp đỡ gia đình mà vừa tránh được cạm bẫy của tệ nạn buôn người qua biên giới. Cô Trần Kim Ánh, Chủ tịch Hội PALS (Vòng tay thái bình), cùng cô Vương Ngọc Diệp cũng của PALS, là nòng cốt trong Ban tổ chức hội nghị này, cho biết hội nghị năm 2005 được tổ chức nhằm mục đích chính thức thành lập Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ của Người Mỹ Gốc Việt (VA-NGO Network) để các hội đoàn từ thiện có tiếng nói chung đối với các cơ quan tài trợ, cũng như Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam về các vấn đề liên quan đến các chương trình nhân đạo và phát triển. Sau hai ngày thảo luận rất thân mật và thẳng thắn, 24 hội đoàn hiện diện tại hội nghị đã đảm nhận trách nhiệm sáng lập Mạng lưới VA-NGO và sẽ cùng soạn thảo cơ cấu của mạng lưới trong vòng sáu tháng tới. Hội nghị cũng kêu gọi những thành viên các hội đoàn sáng lập đề xuất một chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực tại một địa điểm ở Việt Nam vào năm 2006. Cô Vương Ngọc Diệp, Trưởng ban Thiết lập Mạng lưới VA-NGO cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng về sự hưởng ứng nồng nhiệt của tất cả các tổ chức từ thiện có mặt tại hội nghị. Điều này chứng tỏ các hội đoàn đã sẵn sàng vươn tới một tầm vóc mới. Và là lần đầu tiên các hội đoàn từ thiện người Mỹ gốc Việt chính thức đến với nhau với mục đích tạo thành tiếng nói chung vững mạnh hơn".

Các hội đoàn thành viên sáng lập đã chỉ định hội Vòng tay thái bình (Pacific Links Foundation - PALS), một tổ chức từ thiện và phát triển đã đề xướng nỗ lực nối kết các nhóm người Mỹ gốc Việt lại với nhau, tiếp tục thay mặt Mạng lưới VA-NGO trong các đối thoại với các nhà tài trợ và các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngoài ra, PALS sẽ chủ động triệu tập các buổi họp cần thiết để soạn thảo cơ cấu của mạng lưới mới thành lập. Cô Trần Kim Ánh, Chủ tịch của PALS và cũng là chủ tọa hội nghị, đã phát biểu: "Con đường trước mặt sẽ còn nhiều thử thách. PALS sẽ hết sức cộng tác với các hội đoàn sáng lập trong việc chính thức thành lập mạng lưới này, để thành quả của việc làm của các tổ chức phi chính phủ của Người Mỹ Gốc Việt được công nhận một cách rõ ràng hơn". Và để các tổ chức phi chính phủ trong Mạng lưới VA-NGO hiểu rõ hơn những cơ chế của Chính phủ Việt Nam, hội nghị đã mời ông Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Ủy ban Điều phối Viện trợ nhân dân (PACCOM), và ông Trần Quang Hoan, Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, từ Hà Nội sang dự để trình bày trực tiếp những thủ tục hành chánh và pháp lý liên quan đến hoạt động của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

Nhân dịp này, hội nghị đã trao bằng tưởng lệ công ơn của giáo sư Lê Xuân Khoa và ông Nguyễn Đình Hữu đã tận tụy suốt đời vì lợi ích của người Việt Nam ở hải ngoại và người hồi hương.

Nhiều tổ chức phi chính phủ đã tài trợ cho hội nghị này, trong số đó có Quỹ Ford, Quỹ Á châu, Quỹ Đông Gặp Tây, Hội Vòng tay thái bình, Quỹ Khuyến khích tự lập (Phùng Liên Đoàn), Gia đình họ Trần, Gia đình họ Vương và Gia đình họ Gerbode. Tại hội nghị, tiến sĩ Charles Bailey, đại diện cho Quỹ Ford (Ford Foundation) tại Việt Nam và Thái Lan, nhiệt tình ủng hộ nỗ lực phát triển các tổ chức phi chính phủ Người Mỹ Gốc Việt, đã phát biểu: "Hội nghị này thực sự đánh dấu một bước ngoặt lớn... Từ nay cộng đồng người Việt hải ngoại có thể gia tăng tầm ảnh hưởng của việc đóng góp của mình cho Việt Nam, và đồng thời việc làm của họ càng được công nhận rộng rãi hơn". Đúng như nhận xét của tiến sĩ Bailey, sự ra đời của Mạng lưới VA-NGO là một dấu mốc lịch sử của đồng bào Việt Nam tại hải ngoại, đã vượt qua những thử thách để nắm tay nhau đóng góp tài lực của mình, góp phần nâng cao trình độ văn hóa và no ấm của người dân quê hương mình. Những tấm lòng như thế vẫn đang hướng về quê hương và được nhen nhóm từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Võ Tòng Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.