Khi vợ chồng đều là "đệ tử lưu linh"!

10/02/2006 12:07 GMT+7

Chuyện không còn lạ trong cuộc sống của nhiều gia đình trẻ hiện nay: Vợ, chồng sau giờ làm việc đều bận rộn với các cuộc nhậu nhẹt. Họ bình đẳng với nhau trong chuyện nhậu nhẹt, tự cho đó là một cách sống tôn trọng "thế giới riêng" của nhau nhất. Không bàn đến chuyện bình quyền ở đây, chỉ xin được cảnh báo: Nhà có một người ham nhậu đã là một nguy cơ tan vỡ tổ ấm, khi cả vợ chồng đều nghiện nhậu thì bi kịch tan nát hạnh phúc đều nhân lên gấp bội...

Nhậu được... "cả đôi"

Nên duyên vợ chồng cũng từ bàn nhậu, sau ngày cưới vợ chồng Hùng - Trâm vẫn tiếp tục thể hiện "phong độ" nhậu được "cả đôi". Thường thì hai vợ chồng đi nhậu cùng nhóm bạn chung. Những lúc ấy, Hùng luôn được phong "vô địch" trong đám bạn nhậu. Trâm cũng tỏ ra "xứng đáng" với chồng bằng kiểu uống rượu bằng bát, hạ gục nhiều mày râu trong bàn tiệc.

Khi hơi men đã bốc lên ngùn ngụt cùng với những lời tán thưởng của các bạn nhậu, vợ chồng Trâm càng muốn "tỏ mặt anh tài". Trâm thường giành uống với chồng và cũng hay cổ vũ chồng uống thêm cho "thiên hạ sáng mắt". Trong những câu chuyện của vợ chồng Trâm với nhau hàng ngày đa phần xoay quanh chuyện bia rượu và những cuộc thi thố tài năng nhậu.

Cũng có những hôm Trâm đi nhậu cùng hội một nhóm toàn dân "tóc dài" và dĩ nhiên ở đây Trâm chiếm vị trí "thủ lĩnh" khi nâng cốc. Rất hiếm khi vợ chồng Trâm nấu ăn ở nhà, mà có ở nhà thì cũng lại tụ tập một nhóm nhậu đến. Trong bữa ăn của vợ chồng Trâm, bia rượu và những lời nói bốc đồng vì hơi men là "một phần tất yếu". Và mọi cuộc cãi vã của vợ chồng cô cũng bắt đầu từ rượu, bia.

Sau cuộc nhậu về nhà, cả hai đều dễ nổi những cơn tức giận, hờn ghen. Đây là cơ hội để Hùng nhiếc móc, rồi xỉ vả cái cách vợ thể hiện thiếu đoan trang với những người đàn ông khác trong bàn nhậu. Trâm cũng tìm được vô khối tội lỗi của chồng trong bàn nhậu, rồi đem ra cãi lại, nguyền rủa. Những cơn tức giận của hai vợ chồng bị rượu điều khiển nên mọi đồ đạc trong nhà bỗng "biết bay".

Sau những cơn say, tỉnh lại thấy đồ đạc trong nhà đổ vỡ, tan tành, hai vợ chồng có vẻ "sám hối" xin lỗi nhau, cùng bảo ban nhau "hạn chế chyện nhậu nhẹt", quyết tâm cai rượu, bia. Nhưng rồi cơn thèm men cay sau giờ làm việc, những lời rủ rê, khiêu khích của bạn bè lại khiến vợ chồng Trâm tiếp tục lao vào những cuộc nhậu. Và rồi những trận cãi vã lại diễn ra, tăng cấp lên thành những trận đánh đập, hành hung của hai vợ chồng trong lúc cả hai cùng say...

Đến một ngày, không cần chờ đến những lúc say, hai vợ chồng Trâm cũng xảy ra những cuộc ẩu chiến. Họ hàng hai bên chẳng ai muốn can thiệp đến cuộc sống của cặp vợ chồng "nát rượu". Có những lúc tỉnh táo, nghĩ lại "kiếp đàn bà" Trâm rất muốn có cuộc sống như những người vợ khác, có một tổ ấm hạnh phúc, một người chồng "tỉnh táo", cô quyết tâm giã từ rượu nhưng đã quá muộn. Hùng đã ngập trong bia rượu tối ngày, bỏ việc làm.

Chán chồng, Trâm lại lao vào rượu để quên đời. Có lẽ suốt cuộc đời này, tổ ấm gia đình của Trâm chìm mãi trong những cơn say, chẳng bao giờ tìm thấy chút bình yên, hạnh phúc...

Lúc đầu, thấy chồng ham nhậu nhẹt, Thúy đi nhậu cốt là để "trả thù" cho bõ tức nhưng rồi cô trở thành "đệ tử lưu linh" lúc nào không hay. Sau giờ làm việc cô lại cùng đám bạn đến quán nhậu. Cô cảm thấy hả hê khi trả lời điện thoại với chồng "tôi đang nhậu đây, hôm nay để xem anh và tôi ai say trước. Anh có giỏi thì qua nhậu với tôi".

Kiểu uống rượu của Thúy rất được "giới nhậu" ngợi ca vì cô uống ừng ừng, uống xong dốc ngược chén, không còn một giọt nào. Thúy cũng tuân thủ cách chơi của dân nhậu: Uống xong đi hát, nhảy, quậy phá cho giã rượu. Cô thường "thi gan" với chồng xem: Đêm nay ai về nhà trước. Tất nhiên, khi đã có men rượu vào thì vợ chồng cô không tránh khỏi những trận ẩu đả. Chẳng bao giờ Thúy chịu "kém miếng" chồng trong mọi cuộc xô xát. Cô thể hiện "cái lý của người nhậu" cho chồng nghe đến việc nhậu khó như thế tôi còn làm được hơn anh thì đừng mong át vía được tôi trong cái nhà này".

Tức vợ, chán cái nhà luôn bừa bộn, không muốn đặt chân về cái phòng ngủ sặc mùi men của vợ, chồng Thúy thường xuyên bỏ nhà đi qua đêm. Đã vậy, Thúy càng muốn chứng minh uy thế của mình "anh đi tôi cũng đi". Cô tìm đến các quán nhậu qua đêm, kết bạn nhậu đêm, rồi kết bồ luôn. Chồng Thúy mang đến cơ quan vợ lá đơn ly hôn kèm theo lời nhắn nhủ "nhà đã thay khóa, cô đừng về nữa. Nhà đứng tên bố mẹ tôi, đừng mong được chia nhà".

Khổ đau, uất hận Thúy lại chẳng biết giải tỏa bằng cách nào ngoài rượu. Khi chưa làm đám cưới, Thúy đã ngồi vẽ ra những viễn cảnh của hạnh phúc vợ chồng, dù đã biết chồng mình sẽ là một dân "nghiện nhậu", nhưng cô đã từng quyết tâm giúp chồng tránh xa nhậu nhẹt bằng cách làm một người vợ ngoan, đảm đang, nhân hậu... Nhưng vì sự nông nổi, hiếu thắng, Thúy đã vỡ tan gì giấc mộng về một tổ ấm hạnh phúc chỉ vì những trận nửa tỉnh, nửa say...

Đừng đặt số phận của tổ ấm trên bàn nhậu

Rượu, bia là một trong những vấn nạn của xã hội nói chung, gia đình nói riêng trong thời đại ngày nay. Bạo hành và vô vàn những thảm kịch gia đình khác đã bắt đầu từ rượu bia. Bài trừ vấn nạn này vẫn luôn là bài toán khó giải đối với nhiều gia đình, với các tổ chức xã hội, các đoàn thể...

Xem chừng như lâu nay, nhắc đến vấn nạn nhậu nhẹt người ta chỉ đề cập đến cánh mày râu. Và chỉ riêng chuyện nhậu của các ông chồng đã gây nên những hậu họa cho bao tổ ấm. Thế mới biết bi kịch gia đình sẽ thảm thương như thế nào nếu vợ chồng cùng coi chuyện nhậu nhẹt là "lẽ sống", là cách để "thể hiện mình"...

Bài viết này chỉ xin đề cập đến một hiện tượng đang xuất hiện ở một bộ phận gia đình trẻ hiện nay như một lời nhắn nhủ: Hạnh phúc phải được bắt nguồn từ sự nghiêm túc. Ai đó đặt hạnh phúc của tổ ấm gia đình trên bàn nhậu, trên những cuộc vui vô bổ thì chẳng khác nào tự biến mình thành nộ lệ của những cám dỗ tầm thường phải trả cái giá quá đắt và dĩ nhiên chẳng bao giờ tìm thấy một tổ ấm bình yên bên những cơn say bốc đồng...

Theo Thu Giang/báo PNVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.