Người làm dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động trẻ

11/06/2006 22:25 GMT+7

Dưới sự bảo trợ của tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International tại Việt Nam, 4 sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đã thực hiện một khảo sát về thực trạng cuộc sống và các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS). PV Báo Thanh Niên đã có cuộc gặp gỡ bạn Bùi Quỳnh Như (ảnh) - Trưởng nhóm nghiên cứu trên.

* Bạn có thể phác họa vài nét về cuộc sống của lao động trẻ ngoại tỉnh ?

- Thanh niên ngoại tỉnh đến Hà Nội kiếm sống chủ yếu bằng những công việc nặng nhọc như: chạy xe ôm, bốc vác, bán vé số, phụ hồ... thu nhập bấp bênh khoảng từ 400 ngàn đồng - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Với số tiền đó, họ thường phải thuê nhà ở theo nhóm trong những căn nhà tạm bợ, chật chội, hoặc thuê chỗ ngủ qua đêm với giá 3.000 đồng/người/đêm; vài chục người chung đụng khu công trình phụ, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Sống xa nhà, một trong những khó khăn rất lớn mà họ thường gặp phải là đời sống tinh thần thiếu thốn, gần như không tham gia các hoạt động giải trí và không đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian ở Hà Nội... Dù cuộc sống còn nhiều rủi ro và thiệt thòi nhưng họ cho rằng di cư là một quyết định đúng đắn, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống ở quê nhà.

* Họ nhìn nhận vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân như thế nào?

- Có thể chia thành 2 nhóm với 2 quan điểm trái ngược nhau. Một nhóm cho rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân là hiện tượng bình thường, được chấp nhận ở thời hiện tại, mỗi người phải biết cách tự phòng ngừa cho bản thân. Một nhóm khác coi những hành vi đó là sai lầm, thậm chí là một sự sỉ nhục đối với nữ giới và phải lên án gay gắt.

* Tâm lý e ngại đã ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe sinh sản của họ?

- Gần như họ ít nghe nói tới các bệnh lây qua đường tình dục. Họ lại chưa quan tâm và mong muốn tìm hiểu về các vấn đề SKSS như: dậy thì, có thai ngoài ý muốn, tình dục an toàn... Tâm lý e ngại cản trở họ trao đổi với gia đình và bè bạn. Thậm chí nhiều người trong số họ không muốn được hướng dẫn với lý do là không cần thiết hoặc muốn tự mình tìm hiểu. Nhìn chung, kiến thức về SKSS của những người được khảo sát là rất hạn chế, thậm chí là sai lệch và những hiểu biết được họ tiếp nhận chủ yếu thông qua những kênh không chính thức.

* Có cách nào để trợ giúp họ?

- Cần tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn nữa về mặt pháp lý để họ tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là các dịch vụ liên quan tới SKSS, phòng và chống các bệnh lây lan qua đường tình dục. Công tác truyền thông về SKSS cho các nhóm lao động ngoại tỉnh có một ý nghĩa vô cùng quan trọng và các hình thức truyền thông như xây dựng các chương trình trên ti vi, tư vấn qua điện thoại, sách cẩm nang tỏ ra thích hợp hơn cả. Bên cạnh đó, bằng những biện pháp khác nhau như: vận động, thông tin tuyên truyền... để tăng cường hơn nữa trách nhiệm xã hội của người dân tại khối phố, phường ấp...

Quang Duẩn

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.