Thầy, trò thời... tại chức

19/06/2006 14:20 GMT+7

Khi mà bằng cấp đang trở thành một loại chứng chỉ vào đời hoặc chứng chỉ hành nghề của vô số người trong cuộc mưu sinh thì xem ra, nghề "làm thầy" có vẻ "lên hương" và tình nghĩa thầy trò đã xuất hiện nhiều biến thái khác thường...

1. Vợ chồng bạn tôi làm việc tại tỉnh L., cả hai được xếp vào hàng trí thức trong tỉnh. Năm trước hai vợ chồng cùng được cử đi học "tại chức". Năm nay học xong, anh mới "dám kể" với tôi nghe vài chuyện. Anh bảo lớp anh có hai "đẳng cấp" rõ rệt, nhóm một gồm học viên làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp cuộc sống dựa vào đồng lương, nhóm hai gồm học viên làm việc tại các cơ quan như thuế, địa chính, ngân hàng... nên tiền nong rủng rỉnh. Ngoài công việc chung của lớp, hai nhóm ít qua lại với nhau, và thầy cô cũng giao du với nhóm thứ hai nhiều hơn.

Khôi hài nhất là chuyện thầy chủ nhiệm khoa thuộc trường nọ. Thầy mở đầu bài giảng đầu tiên của môn học bằng thông báo tuần sau con thầy ra ở riêng, mời cả lớp đến dự. Mấy trăm cây số làm sao mà đi được, mà con chẳng phải, cháu thì không. Cả lớp hè nhau góp phong bì "mừng em". Riêng anh học viên ở một huyện có đặc sản rượu ngon nổi tiếng lại quá thật thà, lúc tiễn thầy, anh cho người ì ạch khiêng ra bốn can rượu, mỗi can 20 lít. Thầy nhận tất. Không biết khi xuống ga Hà Nội, thầy sẽ xoay xở ra sao với 80 lít rượu.

2. Ngày nọ, nghe anh bạn thao thao kể tất cả về danh lam thắng cảnh ở ba miền, rồi tấm tắc ca ngợi của ngon xứ này, vật lạ xứ kia, tôi những thấy thòm thèm. Cứ tưởng anh chỉ loanh quanh với giảng đường đại học, hóa ra có khi anh còn rong ruổi xuôi ngược nhiều hơn cả tôi - kẻ chẳng gì cũng vài tháng lại xách đồ nghề vào Nam ra Bắc. Dần dà tôi mới phát hiện: thi thoảng anh xa Hà Nội vài ngày là để dạy "tại chức" ở các tỉnh xa.

Hàng chục năm nay, trên đường công tác, tôi đã gặp nhiều thầy cô đến các tỉnh để dạy "tại chức". Đi xa thì học trò lo vé máy bay. Đi gần thì có xe "xịn" đón rước. Hôm rồi lên Sa Pa, tôi gặp đoàn giáo viên khoa Kinh tế của học viện nọ. Các thầy cô qua Sa Pa nghỉ ngơi trước khi đến tỉnh X để nghiên cứu thực tế. Thì ra chuyến nghỉ ngơi Sa Pa lần này do học trò "tại chức" ở tỉnh X đến đón về. Dù tổ chức tại Sa Pa, tiết trời giá lạnh, song giữa bộn bề đặc sản của chốn sơn lâm, không khí bữa cơm thân mật náo nhiệt. Trò "trăm phần trăm", thầy cũng "trăm phần trăm". Chén trước chưa hết, chén sau đã kề. Trong khi mấy anh cán bộ ngân hàng, cán bộ tài chính phóng xe biển xanh đến giao lưu với thầy, thì mấy nữ học viên áo quần đúng mốt, thoạt trông đã biết người từng trải phong trần, nhưng các nàng vẫn vừa lăm lăm chén rượu vừa giả "nai" ỏn ẻn: "Em là con gái miền rừng", mời rượu thầy mà lơi lả như mời bạn trai.

Trong bối cảnh gần gũi ấy, có thầy thì tỏ ra là nhân vật quan trọng, ề à với các tâm sự đại loại như: tôi đã dạy ông này tôi đã dạy bà kia. Có thầy lại muốn tỏ ra ga-lăng hơn người và ngôn ngữ xem chừng có phần ngả ngớn (nghe nói bữa trước có thầy say lên say xuống, người ta phải rót nước lọc mời thầy xơi, nhưng thầy vẫn hăng hái giằng lấy chái rượu, quyết không chịu thua bạn kém trò).

Còn học trò thì ai cũng như ai, xum xoe, nịnh nọt không biết ngượng mồm, tâng bốc thầy như tâng bốc vĩ nhân. Tựu trung là thầy hể hả và trong đó đề tài thi cử được nhắc tới thường xuyên. Sáng hôm sau, chỉ có hai thầy đã tới tuổi về hưu tiếp tục chuyến đi sang tỉnh X vừa thâm nhập thực tế vừa kết hợp lên lớp. Còn lại gần 10 người thì lên đường... về xuôi vì có việc đột xuất! Một đống SGK trên chiếc ô tô cùng hai thầy sang tỉnh X sẽ được phát hành tận tay, bán đúng bìa giá. Buôn bán gì cho lại!

3. Mấy ngày lang thang cùng hai thầy, tôi còn được mục kích nhiều chuyện lạ lùng liên quan đến tình nghĩa thầy trò. Học viện "tại chức" thường là chức sắc ở các địa phương nghe tin thầy đến là vội vàng tìm bằng được để tổ chức đánh chén, nên tình nghĩa thầy trò luôn được bày tỏ xung quanh bàn nhậu. Có anh học trò từ sáng sớm đã mũ áo chỉnh tề, hai tay thu trước bụng đứng chầu chực trước cửa hàng phở nghe nói là ngon nhất phố huyện. Có anh thì suốt ngày quấn quít bên thầy, chỉ trở về lúc nửa đêm...

Một lần ngang qua chỗ hai thầy trò đang say sưa, tưởng họ nói chuyện, té ra thầy đang hướng dẫn trò đánh dấu ký hiệu trong bài thi sắp tới. Mà tôi thấy các ông thầy cũng là người cả nể, trò mời gì cũng ăn, mời gì cũng uống, rủ đi đâu cũng đi. Hôm ăn trưa ở Mã Lù Thàng, thấy rượu ngon, một thầy ngỏ ý nhờ mua hộ, người ta không mua mà tặng luôn một thùng nguyên đai nguyên kiện. Với trường hợp này thì tôi xin chịu, vì không biết thầy vô tình nhờ vả hay là thầy đưa ra "gợi ý", hay là thầy vòi vĩnh (!?).

Hơn chục năm trước, một trong các nguyên do khiến tôi quyết định bỏ nghề "làm thầy" vì nhận ra cái nghề này đang có xu hướng trở nên "bệ rạc". Và cho đến nay, càng ngày tôi càng thấy quyết định của mình là đúng đắn. Liệu có quá lời hay không khi tôi nhận xét trong nhiều hợp là thầy - trò lớp "tại chức" chỉ lợi dụng nhau, và họ biến tri thức trở thành chiếc "cần cầu cơm" cho cả hai phía? Lại ao ước giá Nhà nước có "phép thần thông" kiểm tra tri thức của hàng vạn (?) học viên "tại chức" đã lĩnh bằng!

Theo Thể Thao Văn Hóa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.