Một năm học cách sống tự lập

23/07/2006 22:26 GMT+7

Thế là đã tròn một năm con vào Sài Gòn học đại học. Một năm qua với biết bao là bỡ ngỡ, khó khăn, thành công, thất bại, nụ cười, nước mắt... của một cô sinh viên năm 1.

Rời xa miền quê nghèo khó, con không khỏi choáng ngợp trước một Sài Gòn hoa lệ, ồn ào, náo nhiệt. Thời gian đầu con nhớ nhà đến thắt ruột. Những bữa cơm ký túc xá thật buồn khi chỉ có mình con và đĩa cơm. Con thèm đến cháy lòng một bữa cơm gia đình như ngày xưa: có bà nội, ba mẹ, con và bé Ngọc ngồi quây quần bên mâm cơm. Nhà ta không giàu, những bữa cơm thường chỉ có vài món đơn sơ. Nhưng với con không nơi đâu cơm ngon như nhà mình. Mỗi lần nhớ lại cảnh ấy, mắt con lại nhòe đi, miếng cơm đang nhai trong miệng bỗng nhiên mặn chát...

Con biết vào Sài Gòn học đại học nghĩa là con phải học cách sống tự lập. Con phải làm quen với cuộc sống không có những lời dạy bảo ân cần của ba, không có bàn tay vỗ về yêu thương của mẹ. Con phải tự khẳng định mình và bước đi bằng chính đôi chân của mình giữa một môi trường sống nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức và cạm bẫy. Đã không ít lần con thất bại, vấp ngã, đôi lúc mệt mỏi đến rã rời, con tưởng chừng không còn chút sức mạnh nào để bước tiếp... Và khi ấy, hình ảnh gia đình mình lại hiện lên trong tâm trí con. Đó là cảnh ba bất chấp căn bệnh đau dạ dày kinh niên, hằng ngày cặm cụi giữ từng chiếc xe đạp cho học sinh chỉ để kiếm 200 đồng mỗi chiếc; là những năm tháng mẹ oằn vai xách thùng ya-ua đi bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Đến bây giờ, ở cái tuổi 51, là công nhân lâm trường, ngày nào mẹ cũng phải tưới nước chăm sóc cây đến nỗi nước ngấm vào người. Mẹ phát bệnh thường hơn, lúc thì cảm cúm, rồi thấp khớp, chân tay tê dại. Con lại nhớ đến cái lưng còng vì một đời vất vả lo cho con, cho cháu của bà nội. Con quên sao được ánh mắt lấp lánh niềm vui và nụ cười móm mém của bà mỗi lần con nhận được một giải thưởng hay học bổng nào đó! Và con biết con không có quyền bỏ cuộc, con phải đứng lên, phải học cách sống tự lập cho thật tốt.

Bùi Thị Minh Châu
(Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.