Chủ nghĩa thành tích và "trò chơi con số"

20/08/2006 23:58 GMT+7

Trên Báo Thanh Niên, nguời viết bài này đã nhiều lần bàn về chủ nghĩa thành tích, chủ nghĩa thành tích lan rộng... nhưng chủ yếu là nói về tư tưởng - nguồn gốc của chủ nghĩa thành tích. Hôm nay, xin đề cập đến công cụ thực hiện, phương pháp và hình thức biểu hiện của chủ nghĩa thành tích - đó là "trò chơi con số".

Trước hết phải nói tới ngành giáo dục, bởi chủ nghĩa thành tích phát sinh ở ngành này sẽ có tác hại "kép": nó không những đánh lừa các bậc phụ huynh, các nhà quản lý vĩ mô, các nhà tuyển dụng lao động nếu chỉ dựa vào bằng cấp - tức là người lớn hôm nay, mà còn làm hại lớp trẻ về hai mặt: mất lòng tin vào sự trung thực của người lớn và sẽ học tập trở thành người chạy theo thành tích trong tương lai. Theo số liệu sơ bộ, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông ở 50 tỉnh, thành phố có báo cáo lên đến 94,71%, trong số đó có 13 tỉnh, thành phố còn đạt cao hơn số đó, cao nhất là Nam Định 99,87%, Quảng Ninh 99,5%, Thanh Hóa 99,2%, Hải Phòng 99,06%... Hà Tây tuy đạt 97,7% mà đã nổi lên mấy hội đồng thi có chuyện. Kết quả thi đại học có tới 18 nghìn con zero, khoảng 15 nghìn thí sinh khác thuộc khối A chỉ đạt 1 điểm/3 môn... thì tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông cao "thật" đến mức nào? Số tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở năm ngoái - theo báo cáo - đã lên đến con số 31, trong đó có một số tỉnh, miền núi có đến quá 2/3 là bà con dân tộc ít người, trong đó có không ít người chưa nói được tiếng phổ thông!

Mới đây, kết quả thăm dò dư luận về cải cách hành chính đã cho ra kết quả thật bất ngờ. Theo bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM, thì nhiều sở, ngành tại đây đã công bố tỷ lệ hài lòng của người dân đối với thủ tục của ngành mình là khá cao, như giao thông công chính lên tới 99%, lao động - thương binh xã hội đạt mức tuyệt đối 100%, nông nghiệp và phát triển nông thôn 94,3%... và bà đã đặt câu hỏi đầy nghi ngờ: Có ai tin đó là sự thật hay không? Chắc chẳng ai tin, vì nếu tin thì TP.HCM không thể đón tiếp nổi các đoàn của các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như hầu hết các nước trên thế giới đến tham quan học tập kinh nghiệm! Nếu thăm dò bằng phiếu kín và nếu để ngành khác hoặc cấp trên kiểm phiếu, thì dù chỉ thăm dò trong phạm vi công nhân viên chức của sở, ngành này, người viết bài này có thể dám chắc tỷ lệ hài lòng cũng chẳng cao đến như vậy.

Những người trong ngành thống kê và những người trung thực thường gọi những con số trên là "trò chơi con số".

N.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.