82 ngày làm con tin - Kỳ 6: Học kinh Koran

25/08/2006 15:42 GMT+7

Um Ali là vợ của Abu Ali, kẻ râu rậm đã bắt cóc tôi. Cô ta là người luôn ở bên tôi trong suốt 3 tuần đầu kể từ khi tôi bị bắt. Cô ta chừng 25 tuổi, mắt to, trông rất xinh. Bất cứ khi nào tôi bị chuyển đi, cô ta đều xuất hiện cùng với những đứa con của mình. Ban đầu tôi nghĩ cô ta là đồng minh của mình, chí ít cũng là một người thông cảm với tôi. Nhưng không phải thế. >> Kỳ 5: Phim thánh chiến >> Kỳ 4: Đoạn video đầu tiên >> Kỳ 3: Đoạn video đầu tiên >> Kỳ 2: “Gián điệp” bất đắc dĩ >> Kỳ 1: Bị bắt cóc

 Có một đêm, một trong những đêm đầu tiên tôi ở trong ngôi nhà mới tại Abu Ghraib, Um Ali và tôi cùng nằm trên một manh chiếu, ban ngày thì làm chỗ ngồi còn ban đêm làm giường ngủ. Khi tôi mới cởi chiếc khăn trùm đầu ra thì một tay lính gác mở cửa rồi lao vào phòng và bật ngay đèn lên.


Bị giam cầm suốt 82 ngày quả là một thử thách quá khắc nghiệt với cô gái trẻ Jill Carroll (Ảnh: Eurnews)

Trong cơn điên cuồng, hắn ta ra lệnh tôi ngồi bằng một thứ tiếng Anh bập bẹ. Tôi nhổm dậy, hai tay run bắn đến mức không thể quấn khăn trở lại được.

Tay lính gác bắt đầu quấn chặt khăn trùm đầu kẻ ca rô đỏ – trắng quanh miệng và đầu tôi một cách đầy bạo lực. Tôi mở to mắt trong hoảng loạn, hướng về Um Ali, người đang ở cạnh tôi, với vẻ im lặng đầy khẩn cầu.

Cô ta ném một cái nhìn không thiện chí về phía tôi. Tên lính gác khẽ ra lệnh cho cô ta bằng thứ tiếng Ả Rập mà tôi không hiểu.

“Nhanh lên, khẩn trương lên”, hắn rít lên đầy giận dữ bằng tiếng Ả Rập.

Cái khăn trùm đầu được quấn chặt đến nỗi những sợi vải khô khốc cứ cứa chặt vào miệng tôi.

“Có lẽ chúng sẽ lôi tôi ra và cho một phát đạn vào đầu mất”, tôi hoảng loạn nghĩ.

Hắn ta đang điên tiết lên. Sự hận thù của hắn hiện rõ qua cách hắn quấn khăn một cách tàn bạo quanh đầu tôi. Hắn chẳng hề biết tôi, nhưng tôi là một người Mỹ, một biểu tượng của kẻ thù.
Um Ali lột kính tôi ra. Khi bọn chúng đặt tôi vào một chiếc ghế trong sảnh, tôi nghe những tiếng “click, click”. Thật kinh hoàng, tôi nghĩ đó là tiếng súng đang lên đạn.

“Nếu có gã lính Mỹ nào tới đây thì mày không được lên tiếng”, hắn ra lệnh.

Đó chính là lý do của sự điên tiết. Hắn nghĩ có một vài lính Mỹ quanh đó. Rồi hắn ra lệnh cho tôi đọc một đoạn kinh Koran.

Tôi ngồi đấy, đầu gục xuống, mắt bị bịt kín, thở đầy khó khăn và thầm nghĩ: “Trời đất, mình đang bị buộc chặt vào những thứ này”. Tôi thực sự hoảng loạn.
 
Chừng 20 phút sau, chẳng có người lính Mỹ nào xuất hiện cả. Hắn lôi tôi trở lại phòng và gầm lên, bảo tôi đi ngủ.

Um Ali chẳng hề an ủi hoặc giải thích gì với tôi, dù chỉ là thì thầm.

Trong những ngày đầu bị bắt cóc, tại một trong những ngôi nhà đầu tiên mà tôi bị giam giữ, một bà lão đã đến thăm và nhìn tôi một cách buồn bã. Rồi bà chép miệng: “Inshallah - Thượng đế phù hộ con”, ngụ ý rằng tôi có thể về nhà sớm.

Và rồi bà ta quay qua Um Ali, tỏ vẻ rằng việc bắt giữ tôi là “thuloum”, nghĩa là bất công.

“Chẳng có gì là thuloum cả”, Um Ali đốp lại.

Người phụ nữ đồng hành/kẻ cai ngục/kẻ muốn đánh bom tự sát mỗi ngày một điên tiết và chán nản hơn. Um Ali luôn phải dính chặt với tôi trong một căn phòng nhỏ bé, tối tăm.

Rồi một buổi chiều nọ, cô ta bước vào phòng với một nụ cười toe toét. Cô ả rất hoan hỉ khi nghe tin hàng ngàn ngôi nhà ở California đã bị lửa thiêu rụi trong một đám cháy rừng.

“Đó chính là công lý mà Thượng đế đã thực thi, bởi binh lính các người đã phá hủy nhà cửa chúng tao”, cô ta gào lên.


Người Hồi giáo thường giang tay, ngửa mặt lên cao khi cầu nguyện (Ảnh: dw-world)

Một trong những lý do khiến Um Ali ngày càng cứng rắn đối với tôi là do tôi luôn cố ý cho cô ta biết rằng dù phải đọc kinh Koran hằng ngày nhưng tôi không hề có ý định theo đạo Hồi.

Ban đầu, tôi là một học viên hăng hái khi nhận thấy họ rất hài lòng lúc tôi tỏ ra hứng thú với việc học kinh. Nhưng ngay sau đó tôi nhận ra rằng mình đã phạm một sai lầm.

Tôi càng để cho những kẻ bắt cóc dạy dỗ mình thì bọn họ càng muốn tôi chuyển qua đạo Hồi. Sau một vài tuần, họ luôn hỏi: “Tại sao cô chưa chịu theo Hồi giáo?”

Tôi cố trì hoãn một cách tế nhì vì sợ rằng họ sẽ làm gì đó khi nhận ra tôi từ chối theo đạo Hồi. Làm thế nào tôi có thể nói với họ rằng việc theo một tôn giáo mới là không thể trong hoàn cảnh tôi bị bắt cóc, luôn sống trong tuyệt vọng với nỗi sợ chết ngập tràn.

Vào một buổi chiều, lúc đã quá mệt mỏi trong việc nghe Umm Ali giảng giải về các vần thơ trong kinh Koran, tôi liền nói: “Tôi không hiểu tiếng Ả Rập trong kinh Koran, vì thế tôi không thể hiểu bộ kinh nói gì”.

“À, chúng tôi sẽ mang đến một bộ kinh bằng tiếng Anh. Cô cần thứ này chứ?”, Abu Ali nói.

Bọn họ luôn nói rằng họ không ép buộc tôi theo đạo Hồi nhưng cũng luôn hỏi rằng tại sao tôi lại chưa cải đạo.

“Ồ, chắc chắn rồi”, tôi nói.

Sau đó Abu Ali móc điện thoại di động và gọi: “Mày có một cuốn Koran bằng tiếng Anh chứ? Đưa tới đây nhanh”.

Lời hắn như gầm lên khi chỉ điểm hẹn cho người kia.


Sau đó chừng 20 phút, hắn trở vào, tay mang theo một cuốn kinh Koran nhỏ màu xanh. Ngoài bìa cuốn sách có chữ “Le Qur’an” mạ vàng. Đó là một bản tiếng Pháp chứ không phải tiếng Anh.

Sau đó, tôi nói với Um Ali rằng có lẽ tôi sẽ không chuyển qua đạo Hồi.

Cô ta nói rằng mình sẽ rất giận dữ khi đã bỏ công ra dạy cho một kẻ ngoan cố như tôi.“Chúng tôi ái ngại cho cô và không muốn cô phải sa địa ngục. Chúng tôi sợ phải gặp cô trong ngày phán quyết và khi đó cô sẽ nói, ‘Tại sao quý vị không cứu tôi?’”

Ngay từ đầu tôi đã nghĩ đến việc chạy trốn và đã vạch ra hàng loạt kế hoạch. Tại một trong những nơi tôi bị giam giữ, có một cửa sổ nhỏ ở phòng tắm, cao chừng 6 foot (gần 2 mét). Nếu leo lên được, tôi có thể nhìn ra ngoài.

Tôi đã cố làm điều đó hai, ba lần. Mỗi lần, tôi cố nhìn càng lâu càng tốt. Tôi thấy một cánh đồng cỏ mọc rất cao, trải dài chừng nửa cây số. Cuối cánh đồng là những hàng cọ, dừa chạy về hướng đông, theo hướng Abu Graib. Tôi từng nghe bọn chúng nói về nhà tù đó.

Nhưng tôi đã quá hớ hênh. Một ngày nọ, có một tay lính gác bước vào sau bữa ăn sáng. Hắn ta nhìn tôi rồi nói: “Có người bảo cô hay nhìn qua cửa sổ nhà tắm”.

“Cô biết đấy, tôi có một xó tối dưới lòng đất. Ở đó rất lạnh, chỉ có một cửa nhỏ. Không hề có ánh sáng. Tôi có chỗ đó”, hắn ta lặp lại lời dọa mà tôi từng nghe trong ngày đầu bị bắt cóc.

Rồi bọn chúng đóng một tấm vải dầu chặn giữa nhà tắm và ô cửa sổ. Thật kinh khủng khi ánh sáng mặt trời biến mất.

Chúng theo dõi tôi mọi nơi mọi lúc. Thậm chí khi tôi ngồi một mình cũng có vài gã vác súng qua lại ngoài sảnh. Chúng luôn chuyển tôi đi. Thậm chí nếu thoát ra ngoài, tôi cũng chả biết mình sẽ phải chạy về hướng nào nữa. Trốn thoát là điều không tưởng. Tất cả những dự định tương lai của tôi – hôn nhân, con cái – đều biến mất. Tất cả đều biến mất, chẳng bao giờ trở thành hiện thực nữa.

Một ngày nọ, Mắt đen, thủ lĩnh nhóm bắt cóc, đến để nói chuyện. Hắn ta ngồi bên ngoài bục cửa, khuất khỏi tầm nhìn của tôi. Tôi tựa người vào tường, quì gối, gục đầu xuống. Tôi sợ đến mức không thể động đậy được.

Hắn ta bắt đầu nói về Abu Musab al-Zarqawi, trùm khủng bố người Jordan chỉ huy nhánh al-Qaeda tại Iraq. Hắn gọi Zarqawi là “bạn tốt”.

“Anh ta là một người tốt... Nếu cô gặp anh ta, cô sẽ thích ngay”, Abu Nour nói bằng giọng trầm ấm.

Nhưng Zarqawi không còn là thủ lĩnh của các đội quân tử vì đạo nữa, Abu Nour (tên thật của Mắt đen)  nói. Hắn ta đơn giản chỉ là một thành viên của tổ chức mới, gọi là Mejlis Shura Mujahideen Fil Iraq. Dịch theo nghĩa đen là “Hội đồng chiến binh tử vì đạo tại Iraq”.

Người Mỹ nói rằng các đội quân tử vì đạo tại Iraq luôn do người nước ngoài chỉ huy. Thế nên các tay súng nổi dậy tại Iraq đã đến gặp Zarqawi và nói rằng nên có một thủ lĩnh người Iraq.

Zarqawi đồng ý, thế là xong chuyện. Một người Iraq tên là Abdullah Rahid đã được chọn làm thủ lĩnh.

“Cô không biết ai là Abdullah Rashid đâu?”, Mắt đen nói.
“Không, tôi không biết”, tôi đáp.
“Chính tôi đây. Tôi là Abdullah Rashid”, hắn ta nói.

Tôi hoảng sợ cùng cực. Tôi không dám nhúc nhích. Người đàn ông này nói với tôi rằng hắn ta là bạn của Zarqawi, kẻ thường chặt đầu con tin. Và thậm chí hắn ta còn nói mình hiện là sếp của Zarqawi. Điều này có nghĩa gì?

Nhưng sau đó một vài tuần, tôi thấy Zarqawi vẫn là người hùng của đám quân chống đối và là nhân vật có ảnh hưởng nhất, bất chấp vị trí của Nour/Rashid là gì. Và qua những cuộc đối thoại giữa bọn bắt cóc, tôi nhận ra rằng có thể hai thủ lĩnh nổi dậy – Abu Rasha và Abu Ahmed – có thể là thành viên của hội đồng này.

Nhiều lúc tôi nghe những kẻ bắt cóc bàn về việc thay đổi kế hoạch theo chỉ đạo của hội đồng và của Zarqawi. Trong đó có một câu nói về trường hợp của tôi mà tôi chỉ hiểu sơ sơ vì được nói bằng tiếng Ả Rập. Đại ý là có thể nào trường hợp của tôi được giải quyết mà không có tiền bạc và giết chóc hay không.

Nhưng vào một đêm nọ, tôi nằm bất động trên giường và nghe được cuộc trò chuyện của họ.
“Hãy cầu nguyện đi”, Mắt đen (kẻ có các biệt danh khác là Abu Nour và Abdullah Rashid) nói ở phòng bên cạnh. Một ai đó lặp lại yêu cầu này. Có vẻ bọn họ đang tụ tập ở đó.

“Allahu Akbar”, các mujahideen nói.

Tôi không thấy bọn họ nhưng tôi biết những động tác mà người Hồi giáo Sunni thực hiện khi cầu nguyện. Lúc đó chắc hẳn bọn họ đang đứng vai kề vai, tay đưa lên gần mặt và ngửa ra.

Bức tường giống như chỉ mỏng như tờ giấy. Có vẻ như chỉ còn một mẫu giấy nhỏ tồn tại giữa sự hiến dâng cho Thượng đế của bọn họ và tôi.

“Allahu Akbar”, bọn họ lâm râm đọc rồi hát và lâm râm đọc khi quỳ gối xuống sàn.

“Allahu Akbar”, bọn họ lặp lại và từ từ đứng lên. “Allahu Akbar, Allahu Akbar”, mỗi một lần cử động bọn họ đều lặp lại câu này.

Tôi lắng nghe, không dám thở mạnh. Tôi muốn ho nhưng cố chịu đựng. Tôi nghĩ, nếu mình ho trong khi bọn họ đang cầu nguyện, tôi có thể bị giết.

Tôi nằm ngửa, tay đặt trên bụng. Sau cùng thì tôi thiếp đi.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy với nguyên tư thế đó.
Đó là cách mà tôi thường thức dậy trong ngôi nhà đó, người gần như bất động trên giường. Tôi sợ đến mức không dám cử động, ngay cả khi ngủ.

Đỗ Hùng (dịch từ Christian Science Monitor)

Kỳ 7: Hy vọng hão

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.