Xung quanh việc giao chỉ tiêu đào tạo đại học, cao đẳng: Các trường có được "cởi trói"?

22/10/2006 22:08 GMT+7

Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đang xây dựng đề án "Đổi mới phương pháp giao chỉ tiêu đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ)" để trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là điều mong mỏi của hầu hết các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc vì lâu nay việc giao chỉ tiêu còn nhiều điều chưa hợp lý.

Quá nhiều bất cập

Tại nhiều cuộc hội nghị, hội thảo về giáo dục ĐH, không ít các trường đã lên tiếng than phiền về cách phân bổ chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT. Tại hội thảo chuyển đổi trường dân lập sang tư thục tổ chức vào tháng 3.2006, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hải Phòng bức xúc: "Việc phân giao chỉ tiêu hiện nay là cực kỳ vô lý!". Ông cho biết: Trường ĐHDL Hải Phòng dốc sức đào tạo đội ngũ giáo viên và đầu tư vào cơ sở vật chất nhưng 8-9 năm nay không được tăng thêm chỉ tiêu nào. Trong khi ở các trường công lập, cứ tăng thêm một chỉ tiêu thì lại được Nhà nước rót thêm vốn. Như vậy là không công bằng, cần phải xem xét lại cơ chế xin - cho và việc giao chỉ tiêu phải căn cứ vào cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...

Trong buổi thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ vào đầu năm học này, giáo sư Trần Phương - Hiệu trưởng trường cũng đề cập đến chuyện giao chỉ tiêu: "Nhiều khi trường phải tuyển vượt chỉ tiêu vì không thể chủ động được, nếu như có năm sinh viên đến ít thì nhà trường sẽ phá sản vì vẫn phải trả lương cho giáo viên. Đối với trường dân lập, chỉ có chủ động về chỉ tiêu thì trường mới đảm bảo được hoạt động. Việc Bộ cứ khống chế chỉ tiêu tuyển sinh của các trường DL như hiện nay là... phi kinh tế !".

Mới đây, chuyện ở Trường ĐH FPT cũng làm dư luận bức xúc. Ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng trường cho biết: Đây là một trường tư thục do một doanh nghiệp thành lập, chi phí hoàn toàn do doanh nghiệp bỏ ra song trường vẫn phải xin chỉ tiêu từ Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT cho biết nếu năm nay còn chỉ tiêu thì mới giao, nếu không lại phải xin từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư! 

Các trường công lập cũng bức xúc về vấn đề này. Ông Phạm Gia Khánh - Giám đốc Học viện Quân y cho biết: việc đào tạo sau đại học ở ngành y là vô cùng quan trọng, thế nhưng chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ lại bị khống chế. Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân mới đây, một cán bộ của Học viện Quân y đã đề xuất: "Chỉ tiêu nghiên cứu sinh phải do cơ sở đề nghị lên, bởi chỉ cơ sở mới xác định được tính cấp thiết của đề tài, chất lượng và khả năng nghiên cứu cũng như vấn đề tài chính, chứ không thể cứ "dội" từ trên xuống một cách không có căn cứ".

Đổi mới ra sao?

Hiện Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ GD-ĐT tạo đang xây dựng đề án đổi mới việc giao chỉ tiêu. Theo đó có 3 phương án đổi mới. Phương án 1 là giữ nguyên cơ chế giao chỉ tiêu như hiện nay và chỉ hoàn chỉnh một số bất cập. Phương án 2 là gia tăng phần tự chủ của các trường với việc giảm chỉ tiêu giao từ Nhà nước, tăng chỉ tiêu đề xuất của các trường. Chỉ tiêu thuộc diện Nhà nước tập trung cho hệ sau ĐH, dự bị, cử tuyển, sư phạm, những ngành mà Nhà nước có nhu cầu. Dự kiến với phương án này, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành những tiêu chí đảm bảo chất lượng, từ đó làm căn cứ để xây dựng chỉ tiêu như tỷ lệ sinh viên/ giảng viên; diện tích cơ sở vật chất; chi phí thường xuyên... Phương án thứ 3 là "cởi trói" hoàn toàn cho các trường đăng ký chỉ tiêu đào tạo, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để dân giám sát. Tuy nhiên, phương án này có một thách thức là phải xác định được một cơ chế giám sát có hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên ngày 18.10, ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết: hiện cả ba phương án trên chưa phải là chính thức. Trong cuộc họp của Bộ GD-ĐT mới đây về đề án này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải rà soát việc giao chỉ tiêu trong thời gian qua để đề xuất phương án khả thi cho giai đoạn tới và lộ trình triển khai phương án đó. Vì vậy, đề án còn đang được hoàn thiện và sẽ được công bố trước ngày 20.11.

V.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.