Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà chính trị - quân sự lỗi lạc, là hình ảnh tiêu biểu “Anh bộ đội Cụ Hồ”

22/12/2006 00:06 GMT+7

Cuối năm 1963, tôi được vào chiến trường Nam Bộ bằng tàu Không số, đi trên "Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông". Tháng 4.1964 vào tới Chiến khu Dương Minh Châu, tôi được giao làm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền (B2). Đến tháng 9 năm đó, anh Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị cử vào trực tiếp cùng Trung ương Cục lãnh đạo kháng chiến của nhân dân và quân giải phóng miền Nam.

Cùng vào với anh Thanh, còn có các cán bộ chỉ huy cao cấp của quân đội: Lê Trọng Tấn, Hoàng Cầm, Nguyễn Hòa, Trần Độ, Trần Văn Phác...  Kể từ đây, tôi được trực tiếp sống, chiến đấu và công tác cùng anh Nguyễn Chí Thanh.

Lúc này, đế quốc Mỹ đã đưa quân chiến đấu Mỹ và quân đội các nước chư hầu ồ ạt vào trực tiếp tham chiến, xâm lược miền Nam. Đây là thời điểm bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và lãnh đạo Trung ương Cục đã nhận rõ: ở vào giai đoạn cuối của "Chiến tranh đặc biệt", nếu ta chỉ phát triển chiến tranh du kích, chỉ đánh địch ở quy mô nhỏ thì không thể giành thắng lợi quyết định được. Bởi vậy, cùng với việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng lực lượng cách mạng của quần chúng, chúng ta phải coi trọng xây dựng các quả đấm chủ lực, và đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng với Bộ chỉ huy Miền chỉ đạo mở các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài và hàng loạt trận tiến công đánh bại từng chiến đoàn ngụy, cùng với việc phá rã hàng ngàn "ấp chiến lược", làm phá sản hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - ngụy.


Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh - Ảnh: Tư liệu

Quân đội Mỹ ồ ạt vào xâm lược miền Nam, cùng lúc đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh leo thang, dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam. Hành động phiêu lưu và dã man này khiến nhân loại trên toàn thế giới sửng sốt và lo ngại cho nhân dân Việt Nam. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người phát hiện sớm việc chuyển chiến lược của Mỹ. Phát kiến đó đã được Bộ Chính trị chấp nhận và đề ra quyết sách mới. Lúc đó, anh Thanh đã phân tích: Mỹ vào miền Nam trong thế thua, thế bị động về chiến lược; Mỹ có cả một kho vũ khí khổng lồ nhưng lại vấp phải một núi mâu thuẫn; Mỹ là tỉ phú về đôla, nhưng quân và dân ta lại là tỉ phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng; ta có đường lối chiến tranh cách mạng, có chiến thuật đúng, ta sẽ bắt quân Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, nên ta nhất định thắng.

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền chỉ đạo và tổ chức quân và dân miền Nam phát huy tư tưởng chiến lược tiến công trong tình hình nhiệm vụ mới, đánh thắng quân Mỹ ngay từ những trận đầu. Các trận thắng: Núi Thành, Vạn Tường, Bàu Bàng, Nhà đỏ - Bông Trang, Plây-me và thung lũng Ia-đrăng, cuộc hành quân At-ten-bơ-rô và nhất là đánh bại cuộc hành quân tổng lực để "tìm diệt" mang tên Gian-xơn-xi-ti đã làm nức lòng nhân dân cả nước; đã trực tiếp xây dựng và củng cố niềm tin và quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn dân tộc. Và, từ thực tế chiến đấu, sự sáng tạo của các đơn vị, các địa phương, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến, đồng thời cũng là khẩu hiệu hành động cách mạng nổi tiếng, nhanh chóng đi vào lòng người, lan tỏa thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường như "Nắm thắt lưng địch mà đánh", "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt", lập các "Vành đai diệt Mỹ", thi đua phấn đấu trở thành "Dũng sĩ diệt Mỹ", "Dũng sĩ diệt xe tăng"... Tựu trung nhất đó là tư tưởng chỉ đạo "ở gần và đánh gần". Thực hiện tư tưởng này, chúng ta đã thật sự chống được ý đồ "phân tuyến" của Mỹ - ngụy, đã hạn chế đến mức tối đa (có trận đã vô hiệu hóa) hỏa lực phi pháo của địch. Ta thắng quân đội Mỹ, và sau này thắng quân ngụy Sài Gòn ở giai đoạn "Việt Nam hóa chiến tranh" cũng từ cái tư tưởng "ở gần và đánh gần" này.

Luôn sâu sát thực tế, nắm bắt nhanh nhạy mọi vấn đề, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã phân tích và khái quát rất sâu sắc cục diện cuộc chiến, nhất là sau chiến thắng lớn của ta đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn-xi-ti của Mỹ ở miền Đông Nam Bộ. Bài viết Năm bài học phản công chiến lược mùa khô mang bút danh Trường Sơn của đồng chí đã ngay lập tức trở thành tác phẩm có giá trị. Nó là vũ khí tư tưởng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân quyết đánh và quyết thắng quân Mỹ xâm lược. Nó gây ấn tượng mạnh mẽ và niềm tin cho bè bạn năm châu. Nó làm cho quân thù sửng sốt và lúng túng hoang mang. Và nó đã góp phần cùng Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chiến lược chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân - 1968 để thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Hồ Chủ tịch "Đánh cho Mỹ cút" một cách tin cậy.

Suy cho cùng, tư tưởng "ở gần, đánh gần" vừa là tư tưởng chiến thuật lại vừa là tư tưởng chiến lược. Đây là điểm thứ nhất nổi trội trong tư duy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Điểm nổi trội thứ hai là chính anh đã đề ra biện pháp có hiệu quả để mở mặt trận Tây Nguyên (kể cả việc đề xuất làm sao có lương thực, một yếu tố vô cùng quan trọng, tiên quyết cho việc thực hiện chủ trương lớn này; kể cả việc anh đề xuất công tác cán bộ trước khi triển khai thực hiện chủ trương mở mặt trận Tây Nguyên). Tôi nhớ, suốt thời chống Pháp và những năm đầu chống Mỹ, rừng núi Tây Nguyên còn heo hút lắm, lực lượng của ta ở đây còn mỏng manh lắm. Cán bộ vô Nam hay ra Bắc đều phải hoặc là đi lận theo ven biển, hoặc là leo đèo lội suối dọc dãy núi Trường Sơn; đạn và gạo chỉ có thể gùi trên vai thì cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn để đánh du kích. Thực tế cuộc chiến tranh chống Mỹ đã khẳng định một hiện thực mang tính quy luật và chân lý là: Chúng ta có mở được mặt trận Tây Nguyên thì mới mở được tuyến đường vận tải chiến lược bằng cơ giới, mới đưa được lực lượng lớn người và của vào miền Nam để thực hiện "Cả nước đánh giặc Mỹ, giải phóng miền Nam". Mặt trận Tây Nguyên mở được cũng đồng thời thu hút được lực lượng địch để tạo điều kiện cho chiến trường Nam Bộ, một chiến trường "trọng điểm của trọng điểm" phát triển. Thực tế đã chứng minh tư tưởng chỉ đạo này là rất đúng đắn và sắc sảo.

Mùa hè năm 1967, khi ra Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị tình hình chiến trường và cùng với Bộ Chính trị, với Hồ Chủ tịch thiết kế và hoạch định cuộc Tổng tiến công Mậu Thân sắp tới, anh Nguyễn Chí Thanh đã đột ngột từ trần. Đây là một đau thương vô hạn, một tổn thất vô cùng lớn của cách mạng Việt Nam, của chiến sĩ và đồng bào cả nước. Đối với Trung ương Cục, Bộ chỉ huy Miền và Quân giải phóng miền Nam thì đây là một tổn thất không gì bù đắp nổi. Anh đột ngột ra đi, nhưng phẩm chất cách mạng, tài năng thao lược và đạo đức lối sống của anh mãi mãi là tấm gương cao cả, sáng ngời, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với tất cả chúng ta.

Tôi được biết, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia cách mạng từ năm 1934, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937. Từ 1937-1938, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Hội nghị toàn quốc lần thứ 8 của Đảng ở Tân Trào, tháng 8.1945, đã cử đồng chí là Ủy viên Trung ương chính thức và Trung ương chỉ định đồng chí làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Đồng chí đã bị đế quốc Pháp bắt ba lần, giam ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Bị giam cầm, tra tấn nhưng đồng chí luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc và tìm cách vượt ngục thắng lợi lại tiếp tục hoạt động, khơi dậy phong trào cách mạng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là người cộng sản kiên định, trung thành, gian khổ không sờn lòng, khó khăn không lùi bước. Đồng chí là người rất giỏi về tổ chức và vận động quần chúng thực hiện các chủ trương của Đảng. Nhận rõ và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, đồng chí phát huy được ý chí cách mạng, tinh thần sáng tạo của quần chúng để tiến hành chiến tranh cách mạng, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân, phát triển kinh tế và văn hóa.

Ngày đầu kháng chiến, dải đất hẹp miền Trung nhanh chóng bị thực dân Pháp chiếm đóng. Quân và dân ta thiếu thốn mọi đường: thiếu vũ khí, lương thực, thiếu căn cứ địa an toàn trong khi các đơn vị vũ trang còn non trẻ, nhiều bề nguy khốn. Lúc đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đưa ra nhận định mới: Mất đất nhưng chưa mất nước; kiên quyết bám dân, xây dựng cơ sở, phát triển chiến tranh du kích trong vùng địch kiểm soát sẽ xoay chuyển được tình thế. Bình - Trị - Thiên trở thành một mặt trận sôi động và cực kỳ anh dũng, đã góp phần chặn đứng âm mưu chia cắt chiến lược và mở rộng chiến tranh ra Thanh-Nghệ-Tĩnh của thực dân Pháp. Thời đó, đồng bào và đồng chí ở vùng này đã nói: "Anh Thanh là linh hồn của cuộc chiến đấu của Bình-Trị-Thiên khói lửa!".

Năm 1950, đồng chí được Đảng điều vào quân đội và được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Phó bí thư Quân ủy. Ngay lập tức và thường xuyên liên tục, đồng chí Nguyễn Chí Thanh giáo dục cho cán bộ chiến sĩ ta thấm nhuần chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân đội ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Đồng chí đã tổ chức thực hiện sự lãnh đạo có hiệu lực của Đảng đối với quân đội, thực hiện đường lối quân sự của Đảng, tạo ra một bước phát triển mới về sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, liên tục mở các chiến dịch lớn, từ chiến dịch Biên Giới 1950 đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Chấp hành chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã tập trung vào tăng cường bản chất cách mạng của quân đội nhân dân. Tập trung xây dựng chế độ lãnh đạo tập thể của Đảng trong các cấp, từ Tổng quân ủy đến chi bộ đại đội, làm cho công tác tư tưởng vượt lên trên phạm vi của công tác động viên và tác động tâm lý thông thường của con người theo bản năng, phát triển thành công tác giáo dục chủ nghĩa Mác Lê-nin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mục tiêu chiến đấu của quân đội. Với việc thiết lập và xây dựng hệ thống tổ chức công tác Đảng - công tác chính trị trong quân đội, đồng chí đã làm rõ các mối quan hệ giữa quân đội với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân, với bầu bạn quốc tế, trong đó mối liên hệ giữa quân đội với Đảng là mối liên hệ bản chất chi phối các mối quan hệ khác. Chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng quân sự của Đảng thể hiện trong chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; trong giải quyết mối quan hệ giữa chính trị và quân sự, giữa tiền tuyến và hậu phương, giữa con người và vũ khí, giữa lãnh đạo và chỉ huy, giữa đạo đức và tài năng của cán bộ... đã tạo ra bước ngoặt về xây dựng chính trị làm cơ sở nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân.

Với trọng trách là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo sát sao và trực tiếp chủ trì việc tổng kết công tác Đảng - công tác chính trị, xác định rõ vị trí, chức năng, nguyên tắc tiến hành công tác chính trị; phê phán quan điểm hạ thấp và thu hẹp chức năng công tác này. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và người kế nhiệm là đồng chí Song Hào (sau này là Lê Quang Đạo) đã góp phần quan trọng cùng với Quân ủy Trung ương xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội ngày càng trưởng thành, làm nòng cốt trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đứng vững trước mọi thử thách chính trị phức tạp. Thường xuyên chăm lo vun đắp phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" - "Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" là bản chất và truyền thống tốt đẹp của quân đội ta do Đảng và Hồ Chủ tịch dày công giáo dục, rèn luyện. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người không ngừng chăm lo tăng cường bản chất cách mạng của quân đội nhân dân và chính đồng chí là một vị tướng tiêu biểu cho bản chất và truyền thống tốt đẹp của quân đội ta.

Giai đoạn bước vào "Kế hoạch 5 năm" xây dựng CNXH ở miền Bắc, được Đảng phân công phụ trách mặt trận nông nghiệp, đồng chí đã xắn quần lội ruộng xem xét việc canh tác, khảo sát những khó khăn, tìm hiểu những nơi sản xuất khá, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, xác định phương hướng phát triển sản xuất, phá "xiềng ba sào" cùng với việc thâm canh tăng năng suất, phát động phong trào thi đua với Đại Phong... tuy chỉ mới một thời gian ngắn nhưng đồng chí đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý và những ấn tượng tốt đẹp cho cán bộ và đồng bào trên mặt trận kinh tế hàng đầu này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ sức mạnh của cách mạng là sức mạnh của toàn dân, trong đó công - nông là lực lượng cơ bản. Thấm nhuần tư tưởng đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chăm lo tăng cường đoàn kết dân tộc. Là người hoạt động cách mạng khắp cả Bắc - Trung - Nam, đồng chí càng chăm lo xây dựng khối đoàn kết Bắc - Nam, đoàn kết quân dân, củng cố liên minh công - nông, mạnh dạn bồi dưỡng và đề bạt cán bộ xuất thân công nông và các dân tộc ít người, các địa phương, đồng thời coi trọng trí thức cách mạng. Sống ở đâu đồng chí cũng là hạt nhân, là trung tâm đoàn kết.

Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch "Đạo đức là gốc; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân", đồng chí Nguyễn Chí Thanh là người đầu tiên "nổ súng" và kiên trì đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong quân đội. Lời nói của đồng chí luôn có sức thuyết phục vì bản thân đồng chí sống trong sáng, giản dị, khiêm tốn, đoàn kết chân thành. Phê bình và tự phê bình thỏa đáng nhưng nghiêm túc, không "bé xé to", không "dĩ hòa vi quý". Đồng chí là một mẫu mực về: lời nói đi đôi với việc làm, lý luận liên hệ với thực tiễn, đạo đức đi đôi với tài năng, chính trị và quân sự song toàn. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kể từ buổi ban đầu đến khi ở những cương vị lãnh đạo cao nhất, lúc nào đồng chí cũng xông xáo thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ, lăn lộn với phong trào, tìm ra quy luật phát triển tạo ra bước ngoặt mới cho cách mạng, tự tôi rèn mình trong đấu tranh cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trở thành nhà chính trị - quân sự lỗi lạc của Đảng, quân đội và dân tộc ta. Như  cán bộ và bà con trên mặt trận nông nghiệp gọi anh là "Đại tướng Nhân dân". Anh Tố Hữu viết: "Sáng trong như ngọc một con người". Còn đồng chí Viện trưởng Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã viết rằng: "Sau Bác Hồ vĩ đại, một trong những người cộng sản lãnh đạo có đức tài, có tâm huyết, khí phách, có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ với quần chúng, đó là đồng chí Nguyễn Chí Thanh!".

Cuộc đời hoạt động cách mạng, sống và làm việc theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, học và thực hành được nhiều lời dạy của Bác, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là hình ảnh tiêu biểu của "Anh bộ đội Cụ Hồ" với đầy đủ hình tượng cao đẹp, tầm vóc và ý nghĩa sâu xa của danh hiệu cao quý đó. Anh là một trong những cán bộ lãnh đạo lỗi lạc của Cách mạng Việt Nam, của Đảng ta, Nhà nước ta, của Quân đội ta; Anh là người con ưu tú của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh!

Hà Nội, tháng 12/2006,

Đại tướng Lê Đức Anh (Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.