Nghệ sĩ Xuân Hương: Đa sầu, đa cảm nhưng không chịu thua số phận

28/04/2007 15:16 GMT+7

Người phụ nữ ấy luôn tạo cho khán giả những trận cười đầy ý nhị, hả hê. Thói hư tật xấu, nạn tham nhũng, cửa quyền, quan liêu được chị chuyển thành nhiều câu chuyện rất đời qua những câu đối đáp, tình huống độc đáo trong các tiểu phẩm hài, với mong muốn góp phần nhỏ bé xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Dịp lễ 30/4 - 1/5 này, nghệ sĩ Xuân Hương tái ngộ cùng khán giả tại Nhà hát Bến Thành qua vở Những người thích đùa 4, ít ai biết rằng đây cũng là dịp để chị nhớ lại những ký ức riêng mình...

Cuộc hội ngộ trùng phùng

32 năm trước. Trong những ngày đầu tiên đất nước đón mừng chiến thắng lịch sử của dân tộc, trên con đường quốc lộ nối Tây Ninh - Sài Gòn có một cô gái gầy nhom, ốm yếu, còng lưng đạp xe hối hả. Chặng đường mấy chục cây số bỗng chốc trở nên quá gần với cô gái trẻ. Cô đang đi tìm lại hạnh phúc thiêng liêng nhất đời mình.

Lóng ngóng, lơ ngơ giữa Sài Gòn đô hội, cuối cùng cô cũng tìm được trụ sở Hội Điện ảnh TP.HCM. Quăng chiếc xe đạp nơi cổng, cô chạy vào ôm chầm lấy cha mình - đạo diễn Bích Lâm. Nước mắt hạnh phúc, sung sướng của tình phụ tử thấm ướt cả chiếc áo sơ mi ông đang mặc. Cô khóc thật ngon lành. Gần 20 năm sau cái đêm ông quyết định ra đi theo tiếng gọi của đất nước, gia đình ông mới có dịp trùng phùng. Đoạn phim quay lại một góc đời đầy đau thương, cơ cực của nghệ sĩ Xuân Hương đã diễn ra như thế...

Cuộc chiến tranh đã không đứng bên ngoài khung cửa gia đình chị. "Tuổi thơ tôi là những chuỗi ngày kinh hoàng, những lần tản cư trong đêm tối tránh bom đạn. Ba vào chiến khu, chị em tôi phải sống nhờ rày đây mai đó để có điều kiện học hành. 6 tuổi, tôi đã phải xa cha xa mẹ, thiếu hẳn tình cảm gia đình". Chị cười buồn. Còn nhỏ, nhưng cô bé Hương gầy còm đã biết làm mọi việc trong nhà. Được trời phú cho trí thông minh nên dù phải làm lụng vất vả, quỹ thời gian dành cho học tập rất ít nhưng chị vẫn cố gắng học giỏi với mong ước sau này có nghề nghiệp ổn định và dựng xây một mái ấm hạnh phúc.

Những ngày đèn sách

- Huy chương vàng các nhóm hài TP.HCM (1992)

- Giải nhì (không có giải nhất) các nhóm hài TP.HCM do Nhà văn hóa Thanh Niên tổ chức

- Giải kịch bản xuất sắc nhất Gala Cười 2003 với tiết mục Đố em

- Giải Cù nèo vàng 2006 do bạn đọc Báo Tuổi Trẻ bình chọn

- Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) quay phim, phỏng vấn năm 1997 và 1998

Từ ngày còn cắp sách, chị đã nổi tiếng với tài hát hò trong những lần trường tổ chức văn nghệ. "Tôi còn nhớ mãi lời ba nói (lúc đó ba chị là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) sau khi tôi hát cho ba nghe, rằng ba sợ tôi không đủ thanh, đủ sắc để theo nghiệp ca hát. Tôi biết ba không muốn tôi vì danh vì lợi mà lao vào nghề này". Bởi thế chị quyết định nghe lời ba thi vào lớp đào tạo kỹ thuật viên âm thanh, lồng tiếng của Hãng phim Giải phóng. Được một thời gian, máu biểu diễn lại nổi lên khiến chị một lần nữa xin ba cho mình thử sức. Hội đồng giám khảo của trường Sân khấu - Điện ảnh lúc đó là những bậc thâm niên như thầy Thành Trí, Đinh Xuân Hòa, cô Lê An, cô Tường Trân đã quyết định chấm điểm cao nhất cho thí sinh Xuân Hương trong lần thi tuyển đó. "Ba không muốn mang tiếng là tôi ỷ thế, cậy quyền vì ba đang là hiệu trưởng để được đặc cách vào học. Ba bắt tôi phải thi tuyển như bao nhiêu thí sinh khác và nếu rớt, lẽ đương nhiên tôi phải từ bỏ ý định theo nghề".

Năm 1979, Bộ Văn hóa - Thông tin cho trường hai suất học bổng sang Liên Xô (cũ) du học. Trường có hai thí sinh xuất sắc là Thanh Bạch và Xuân Hương được đề cử. "Sau cùng không biết vì sao, chỉ còn một suất. Ba bảo để dành suất ấy cho anh Thanh Bạch vì nếu cho tôi đi sẽ không khỏi những lời xầm xì vì tình riêng mà ba chọn tôi. Một năm sau, có lẽ những người bạn ba tôi biết chuyện nên can thiệp. Sau cùng tôi cũng trở thành sinh viên của trường Nghệ thuật sân khấu Quốc gia Moscow, khoa đạo diễn tạp kỹ". Sáu năm đèn sách, chị về nước và làm giảng viên kỹ thuật biểu diễn khoa kịch nói trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh.

Công việc là niềm vui

Công cuộc đổi mới từ 20 năm trước đã kéo theo sự chuyển biến tích cực của toàn xã hội. Để góp phần nhỏ bé vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, Xuân Hương quyết định tham gia vào Nhóm Tuổi trẻ cười sống. Năm 1989, nhóm hài Thanh Bạch - Xuân Hương ra đời. Xuân Hương bắt tay vào viết kịch bản hài đả kích thói hư tật xấu, tệ tham nhũng, hách dịch... Tiếp đó là chương trình Những người thích đùa, đóng dấu thương hiệu Thanh Bạch - Xuân Hương, được khán giả cả nước đón nhận.

Hàng loạt kịch bản hài dí dỏm, vui nhộn nhưng không kém phần sắc sảo, bám chặt lấy những vấn đề thời sự nóng bỏng được chị chuyển thể thành những tiểu phẩm trong Những người thích đùa. Khán giả đến với chị không chỉ vì những tràng cười hả hê mà qua đó, họ như cảm thấy mình được "nói", được phản ánh những tồn tại, những nghịch lý trong xã hội. Nghệ sĩ Xuân Hương sống trong lòng công chúng là nhờ vào điều đó. "Đôi lúc tôi vẫn có cảm giác bất lực vì những điều tưởng chừng như dễ dàng sửa đổi nhất lại cực kỳ khó lay chuyển trong xã hội ta. Tuy nhiên, tôi đã xác định vẫn luôn là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa".

Dịp lễ 30/4 và 1/5 này, chị và những đồng nghiệp gồm NSƯT Thanh Điền, Trung Dân, Mạc Can, Tòng Sơn, Phú Hải... sẽ có dịp tái ngộ cùng khán giả tại Nhà hát Bến Thành qua vở Những người thích đùa 4. Lần này, chị tâm đắc với các tiểu phẩm như Một phiên tòa, lên án việc xử án oan sai, tồn đọng, bỏ sót án, chuyện bé xé to hay cho "chìm xuồng" vụ án lớn... Tiết mục Hành là chính sẽ làm khán giả thích thú với câu chuyện một ông cụ xin giấy phép an táng cho mẹ già đã gặp nhiều trở ngại, bị biến thành "quả bóng" lăn từ nơi này sang nơi khác. "Tôi dùng tiếng kèn đưa linh để tống tiễn những lề thói cũ trong việc xử lý hành chính, chôn chúng xuống tận nấm mồ sâu" - Chị cười cho biết.

Thành công trên sân khấu nhưng cuộc đời riêng của chị lại gập ghềnh, sóng gió. Và chị buộc lòng phải chọn cho mình con đường đi sau những dằn vặt đau khổ, sau những chọn lựa giữa trách nhiệm, bổn phận và hy sinh. "Thôi thì cứ nghĩ tất cả là do số phận. Trong những ngày tưởng chừng như không gượng dậy được tôi may mắn còn có công việc và bạn bè, đồng nghiệp làm bạn đồng hành. Tôi làm việc như chưa bao giờ được làm để vượt qua nỗi buồn. Khó khăn nhất vẫn là chiến thắng được bản thân!". Chị thổ lộ bằng giọng nghẹn ngào. Chị lao vào viết kịch bản mới, nhảy sang đạo diễn cho đoàn xiếc TP.HCM dựng vở Cuộc phiêu lưu trên hoang đảo tạo được tiếng vang. Chị tiết lộ thêm đang viết kịch bản mới, đồng thời sẽ làm đạo diễn kiêm MC cho một game show đài truyền hình. Chưa dừng ở đó, chị còn ấp ủ kịch bản dài cho chính kịch về đề tài tình yêu, hôn nhân, gia đình.

Với nghệ sĩ Xuân Hương, lễ 30/4 hằng năm luôn là ngày ghi dấu sự kiện quan trọng của cuộc đời. "Đừng nghĩ chiến tranh ở ngoài mặt trận. Bom đạn không chỉ cày xới thịt da của người lính mà còn làm tan nát con tim, tâm hồn của những người mẹ, người vợ, những đứa con nơi hậu phương. Tôi cảm nhận được điều đó từ khi còn rất nhỏ. Có lẽ vì vậy mà tôi nghiêm khắc với bản thân mình và cả con. Với tôi, một ngày hòa bình luôn vô cùng thiêng liêng và hạnh phúc. Tôi dạy con phải biết trân trọng giá trị đó".

...Chuông điện thoại reo liên tục trong ngôi nhà trầm lặng với rất nhiều đồ cổ của chị ở con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Văn Bánh. Chị bảo rằng vẫn mãi muốn mình là nghệ sĩ cho dù có quay ngược lại thời gian. "Cám ơn cuộc đời đã cho tôi được những gì hôm nay, cả những vinh quang, hạnh phúc lẫn buồn đau, bất hạnh. Tôi là người đa sầu, đa cảm nhưng không bao giờ chịu thua số phận. Giờ đây tôi đang sống như một người mẹ và người bố để lo cho con trai đang học lớp 12, chuẩn bị vào đại học. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể cho con, cho gia đình chỉ vỏn vẹn có hai thành viên của tôi".

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.