Cải cách giáo dục, bài toán nan giải của Pháp

27/06/2007 22:17 GMT+7

Việc xem xét bản dự thảo cho điều luật mới về quyền tự chủ của các trường Đại học Pháp tại Hội đồng Bộ trưởng đã được dời lại 1 tuần so với dự kiến (4.7 thay vì 27.6). Thêm một tuần để Bộ trưởng Bộ Giáo dục bậc cao Valérie Pécresse "thuyết phục" các công đoàn sinh viên học sinh và thầy cô giáo…

Tấm gương CPE

Người Pháp vốn có "truyền thống" biểu tình, đình công từ lâu đời và giới sinh viên, học sinh cùng các thầy cô giáo luôn xứng đáng đứng vào hàng ngũ những người Pháp đình công, biểu tình hăng hái và rầm rộ nhất. Chính vì lý do đó, khi chuẩn bị đưa ra điều luật mới, mà theo Thủ tướng F.Fillon là "sự cải cách quan trọng nhất của cơ quan lập pháp", bà V.Pécresse đã hết sức thận trọng. Bà cùng với Thủ tướng và cả Tổng thống N.Sarkozy đã không ít lần gặp gỡ nhiều tổ chức, công đoàn của sinh viên, giáo viên và hiệu trưởng các trường đại học.

Sai một ly, đi một dặm, một điều luật mới không được giới sinh viên học sinh và các thầy cô giáo tán đồng sẽ có thể gây hậu quả khó lường. Điều này cựu Thủ tướng D.Villepin có lẽ hiểu hơn ai hết. Điều luật CPE về lần tuyển dụng đầu tiên dành cho những người dưới 26 tuổi không những chỉ sớm "chết yểu" sau hơn 2 tháng ra đời dưới áp lực của hàng triệu người xuống đường biểu tình mà còn làm cho sự nghiệp chính trị của vị cựu thủ tướng đi vào ngã cụt. Ông Villepin không phải từ chức, nhưng từ ngày đọc diễn văn "khai tử" CPE, gần như ông cũng chính thức chôn vùi mọi tham vọng hướng đến cuộc đua vào điện Élysée. 

Bài học của CPE vẫn còn rõ mồn một, ông Sarkozy vào thời điểm đó đã có chiến lược rất khôn khéo "tọa sơn quan hổ đấu", không can dự trực tiếp vào cuộc đối đầu giữa ông Villepin và các công đoàn. Nhờ vậy ông đã không để mất điểm và thẳng tiến từ chức Bộ trưởng Nội vụ đến ghế Tổng thống. Giờ đây, trên cương vị Tổng thống, quả là một bài toán không dễ cho Sarkozy khi vừa phải can thiệp trực tiếp vào cuộc cải cách giáo dục bậc cao, vừa bảo toàn được con số trên 60% người Pháp ủng hộ trong các cuộc thăm dò gần đây.

Bà V.Pécresse cũng không phải ngoại lệ, bà hiểu rõ sự thận trọng khi đưa ra điều luật mới là hết sức cần thiết. Bà đã dời thời gian trình bản dự thảo điều luật mới lên Hội đồng Bộ trưởng lại 1 tuần để đàm phán, sửa đổi và để chiếc ghế bộ trưởng bà vừa nhận không bị lung lay bởi những làn sóng phản đối rất có thể xảy ra vào mùa khai trường tháng 9.

Cuộc cải cách quan trọng

Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp luôn dao động trong khoảng từ 8 đến 9% là khá cao so với các nước châu u khác và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ luôn cao hơn mức trung bình của quốc gia. Điều này làm giới chuyên môn đặt câu hỏi cho nền giáo dục của Pháp khi giá trị của bằng cấp trên thị trường tuyển dụng có vẻ không còn được như trước đây. Đây là lý do mà một trong những điều Tổng thống Sarkozy hứa hẹn nhiều nhất tại chiến dịch tranh cử tổng thống là cải thiện nền giáo dục. Và dự luật đầu tiên của tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục cấp cao Pécresse cũng nhằm cải tổ lại các trường đại học.

Điều gây tranh cãi trước tiên trong bản dự thảo là việc cho phép các trường đại học "tình nguyện" áp dụng điều luật mới chứ chưa xác định một thời hạn cụ thể dành cho tất cả các trường. Trường đại học nào "xung phong" sẽ được sự hỗ trợ của chính phủ. Các công đoàn sinh viên học sinh, giáo viên cho rằng cách làm này sẽ gây nên sự bất bình đẳng giữa các trường vì chỉ những trường đại học lớn mới đủ "tự tin" để áp dụng và hưởng những hỗ trợ từ chính phủ, các trường nhỏ có nguy cơ phải ở ngoài cuộc.

Nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh viên chính là những điều khoản về việc gia tăng học phí (với mức học phí xấp xỉ 150 euro/năm, mỗi năm Chính phủ Pháp phải "bù" cho mỗi sinh viên trường công từ 7.000 đến 10.000 euro), giảm thành viên hội đồng quản trị tại các trường từ 60 xuống còn 20 (số lượng sinh viên trong hội đồng từ 14 còn 3) và mở kỳ thi tuyển ngay từ năm thứ nhất của cấp thạc sĩ (thay vì năm thứ 2 như hiện nay). Các công đoàn sinh viên cáo buộc những điều luật này làm tổn hại đến dân chủ của các trường đại học khi số lượng sinh viên trong Hội đồng quản trị còn quá ít.

Ngoài ra việc tổ chức thi tuyển để được học thạc sĩ sẽ làm cho khả năng kiếm việc làm của giới trẻ thêm phần khó khăn khi tấm bằng cử nhân ngày nay không đủ đảm bảo cho các bạn trẻ một chỗ làm như trước đây. Trong vòng một tuần lễ, nếu những thương lượng và điều chỉnh của bà Pécresse không đủ thuyết phục các công đoàn thì việc áp dụng điều luật mới rất có thể làm cho mùa khai trường 2007-2008 trở nên "nóng" một cách bất thường.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.