Bùng nổ cuộc chiến ngoại giao Nga - Anh

17/07/2007 23:52 GMT+7

Những mâu thuẫn âm ỉ bấy lâu nay đã biến thành một cuộc chiến ngoại giao thực sự. Sau khi Anh trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga, giờ đây người ta đang chờ đợi đòn trả đũa mạnh mẽ từ Điện Kremlin.

"Khi một vụ giết người được thực hiện, khi một số người vô tội đối mặt với hiểm nguy do vụ giết người đó tạo ra, khi cơ quan công tố nêu rõ điều gì cần thiết cho công lý, và khi không có dấu hiệu của sự hợp tác, thì một hành động phải được thực hiện", Hãng tin BBC trích lời giải thích của Thủ tướng Anh G.Brown sau khi nước này trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga hôm 16.7.

Như vậy là đã rõ! Anh trục xuất nhóm quan chức ngoại giao trên để đáp lại việc Nga "không hợp tác" điều tra cái chết của cựu điệp viên A.Litvinenko vào năm ngoái. Điều mà người Anh gọi là "không hợp tác" ở đây chính là việc Nga từ chối dẫn độ A.Lugovoi, cựu điệp Nga bị Anh cáo buộc đã ám sát Litvinenko. Ông Brown nhấn mạnh là sẽ không có lời xin lỗi nào về việc trục xuất nhưng vẫn mong muốn "giữ quan hệ tốt" với Nga.

Diễn biến vụ việc

Tháng 11.2006: Cựu điệp viên Nga A.Litvinenko, đã định cư tại Anh, gặp đồng hương A.Lugovoi và một người Nga khác tại một khách sạn ở London. Hơn 3 tuần sau, Litvinenko chết vì nhiễm chất phóng xạ polonmium-210. Một bức thư của Litvinenko được công bố sau đó tố cáo Tổng thống Nga V.Putin có dính líu đến cái chết của nhân vật này.

Tháng 12.2006: Cảnh sát Anh khẳng định Litvinenko bị ám sát.
Tháng 5.2007: Các công tố viên Anh khẳng định cựu điệp viên Nga Lugovoi phải bị truy tố vì tội giết Litvinenko. Sau đó, Anh chính thức đề nghị Nga dẫn độ Lugovoi nhưng bị từ chối.

Tháng 7.2007: Anh trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga.

Tuy nhiên, xem ra "mối quan hệ tốt" này thật khó duy trì. Nhiều tờ báo tại Anh, sau khi được tin về vụ trục xuất, đã hoan hỉ. "Bằng cách từ chối dẫn độ Lugovoi tới Anh để xét xử, Tổng thống (Nga) Putin đã có một hành động đáng bị trừng phạt", Báo Daily Mail bình luận.

Tờ The Times kết luận đơn giản hơn: "Những quyết định được công bố hôm qua là đúng đắn". Hãng tin BBC thậm chí còn cho rằng những người Nga bị trục xuất là gián điệp. Phản ứng của báo chí cho thấy người Anh xem biện pháp trục xuất là cần thiết để "trừng phạt" Nga. Báo chí Anh cũng cảnh báo một cuộc "chiến tranh lạnh" sẽ đến.

Quả thực "chiến tranh" đã đến rất nhanh sau khi Ngoại trưởng Anh D.Miliband thông báo việc trục xuất. Hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga A.Grushko tuyên bố Nga sẽ có phản ứng “trong một tương lai rất gần” và những hành động của Nga sẽ “được xác lập mục tiêu cẩn thận và cân xứng” với hành động của Anh.

Trước đó, Phát ngôn viên D.Peskov của Tổng thống Putin phát biểu: "Dù không muốn bị kéo vào một trận bóng bàn nhưng phía Nga sẽ có phản ứng cần thiết". Ông Peskov cũng cảnh báo rằng hành động của Anh có thể sẽ làm xấu đi quan hệ song phương.

Nhưng không phải đợi đến quyết định trục xuất của Chính phủ Anh thì quan hệ London - Moscow mới xấu đi. Trên thực tế, mối quan hệ này vốn luôn ở trong tình trạng căng thẳng trong thời gian qua. Trong khi Anh luôn phàn nàn về một số vấn đề trong lòng nước Nga thì phía Nga cũng không ngớt chỉ trích Anh dung dưỡng cho nhiều phần tử bất hảo, trong đó có cựu tài phiệt B.Berezovsky và nhân vật người Chechnya A.Zakayev, bị Nga liệt vào danh sách tội phạm, khủng bố. Nga đã nhiều lần đề nghị Anh dẫn độ hai nhân vật này nhưng bị từ chối. Quan hệ trục trặc đó càng trầm trọng thêm sau vụ cựu điệp viên Litvinenko bị đầu độc chết vào năm ngoái. Và những mâu thuẫn âm ỉ đó đã biến thành một cuộc chiến ngoại giao thực sự. Cuộc chiến này cũng nằm trong dòng chảy của những căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.