Vừa dọn lũ, vừa chống bão

06/11/2007 23:35 GMT+7

Hôm qua 6.11, các tỉnh Trung Bộ đã ngớt mưa, mực nước các sông đã xuống nhưng nước lũ vẫn còn ngập nhiều vùng. Người dân miền Trung đang vừa dọn lũ vừa chống bão.

Quảng Nam: Hôm qua, tại phiên họp khẩn cấp bàn giải pháp ứng phó với bão Peipah, UBND tỉnh Quảng Nam đã sớm lên phương án di dời 70 nghìn dân sơ tán tránh bão (tập trung ở các huyện phía nam) và di dời 60 nghìn dân tránh lũ, chủ yếu ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn - Vu Gia và các huyện đang bị sạt lở như Đại Lộc, Tiên Phước, Đông Giang... Đáng lo ngại, hiện 48/63 hồ chứa nước ở Quảng Nam đã đầy; riêng hồ Phú Ninh đã mở 2 đợt xả lũ. Trong khi đó, các điểm sạt lở và lũ dữ tiếp tục cô lập các huyện vùng cao. Đến chiều qua, đã có gần 500 hộ dân ở các xã biên giới Tr'hy, Ch'um, A Xan (H.Tây Giang) đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Nhiều khu dân cư ở H.Bắc Trà My cũng đang bị chia cắt. Lũ lụt dài ngày cũng gây bùng phát sốt xuất huyết tại các phường Thanh Hà, các xã Cẩm Kim, Cẩm An, Cẩm Nam, Cửa Đại (Hội An)...

Đà Nẵng: Chiều 6.11, Phó chủ tịch UBND TP Trần Phước Chính chủ trì cuộc họp bàn phương án phòng chống bão Peipah. Hiện 400 hộ của huyện Hòa Vang đang nằm trong vùng có nguy cơ rất lớn cần được di dời; hàng trăm nghìn hộ dân ven biển, vùng thấp trũng, ở nhà tạm cũng sẽ gặp nguy hiểm nếu bão đổ bộ vào bờ; cung đường ven biển Nguyễn Tất Thành đang đối mặt với nguy cơ bị xâm thực, trôi ra biển... Phó chủ tịch UBND TP yêu cầu các ban ngành, UBND các quận huyện tập trung tuyên truyền cho người dân nhanh chóng chèn chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ vào, rà soát lại tổng số hộ dân cần di dời nếu bão đổ bộ vào Đà Nẵng, các ngành, các lực lượng sẵn sàng chuẩn bị đối phó với cơn bão dữ...

Quảng Ngãi: Tin mới nhất từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, trong đợt mưa lũ từ 2 - 6.11, tỉnh Quảng Ngãi có 7 người chết, 2 người mất tích và 4 người bị thương nặng (kể cả những nạn nhân trong vụ sạt lở núi ở huyện Tây Trà chiều 5.11). Mưa lũ cũng đã làm sụp đổ 32 ngôi nhà, tốc mái 284 nhà và trên 50.000 ngôi nhà khác chìm trong nước. Hiện vẫn còn gần 6.000 ngôi nhà vùng hạ lưu sông Trà, sông Vệ bị ngập nước. Huyện miền núi Tây Trà và 15 xã vùng cao, vùng sâu vẫn bị chia cắt.

17 tàu bị ách tắc do lũ đã chuyển bánh

 Chiều 6.11, Xí nghiệp Vận tải đường sắt Phú Khánh (thuộc Công ty vận tải hành khách Sài Gòn) cho biết, 9 đoàn tàu khách và 8 tàu chở hàng bị ách tắc do lũ tại các ga Tuy Hòa, Chí Thạnh, La Hai, Diêu Trì và Vân Canh, đã tiếp tục chuyển bánh kể từ 18 giờ 30 ngày 5.11. Đó là các tàu khách: TN4, SH2, TN2, SE2, SE6, SE3, SH1, SE1 và TN3. Từ ngày  2 - 5.11, Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh đã sửa chữa, gia cố 6 điểm đường ray bị nước ngập, đất sụt, xói lở nặng, cơ bản thông tàu bước 1 (có thể cho tàu chạy qua với vận tốc 5 km/h) và đang tiếp tục tu sửa. Ga Nha Trang cho biết, kể từ ngày 7.11, các tàu bị hủy trong hai ngày 5 - 6.11 là QN11 và QN12 sẽ chạy trở lại. Nhà ga và Xí nghiệp Vận tải đường sắt Phú Khánh đều đã lên phương án chuẩn bị đối phó với cơn bão số 6, bố trí các đoàn tàu đá, tàu công trình để kịp thời phục vụ công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả; nếu bão mạnh lên cấp 6 sẽ lập tức cho dừng tất cả các đoàn tàu. (Lưu Trang)

Ông Lê Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết, hàng ngàn hộ dân ở huyện này đang nằm trong vùng nguy cơ sạt lở núi. Toàn huyện có 6/9 xã xuất hiện vết nứt lở núi. Trong khi hiện tại, huyện chưa có điện sinh hoạt; điện thoại, giao thông về các xã bị ách tắc hoàn toàn nên công tác chỉ đạo di dời dân gặp khó khăn. Nếu không có biện pháp mạnh để cưỡng chế dân ra khỏi vùng nguy hiểm thì tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Phú Yên: Tính đến chiều 6.11, tỉnh có 20 người chết (huyện Đông Hòa chiếm một nửa), thiệt hại hơn 100 tỉ đồng. Hệ thống thủy nông Đồng Cam (hệ thống thủy lợi tưới cánh đồng lúa Tuy Hòa lớn nhất miền Trung) bị đất cát bồi lấp hơn 13.000m3. Toàn tỉnh có khoảng 17.000 ha lúa, sắn và bắp bị ngã đổ. Hiện nay, nước lũ đã xuống nhưng rất chậm nên một số vùng ở huyện Đông Hòa, Tuy An và Phú Hòa vẫn còn bị cô lập. Ngày 6.11, UBND tỉnh đã quyết định xuất 900 tấn gạo để cứu đói cho người dân vùng lũ, mỗi nhân khẩu được nhận 15 kg gạo trong 3 tháng; tỉnh cũng hỗ trợ 3 triệu đồng cho mỗi gia đình nạn nhân bị chết do lũ, 1 triệu đồng cho mỗi người bị thương và 5 triệu đồng cho gia đình có nhà bị sập.

Bình Định: Toàn tỉnh có 11 người chết và mất tích; hơn 10.000 ha lúa bị ngập trong lũ và có nguy cơ hư hại, mất trắng; hơn 2 vạn nhà dân chìm trong nước, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng và sập; hệ thống giao thông liên huyện bị xói lở; nhiều đoạn đê ở huyện An Lão, Phù Cát, Tuy Phước bị vỡ, sạt lở và hàng chục km kênh mương thủy lợi bị tàn phá nghiêm trọng... UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các huyện, TP xuất ngân sách để mua lương thực, thực phẩm tiếp tục cứu trợ cho người dân và bao cát để gia cố nhiều đoạn đê..., đồng thời nhanh chóng đưa 1.500 tấn gạo do Chính phủ cứu trợ bước đầu đến những vùng dân cư bị thiệt hại nặng nhất trong tỉnh.

Gia Lai:  Tin từ Ban Phòng chống lụt bão Gia Lai ngày 6.11 cho biết, lũ lớn trong những ngày qua đã làm cầu Bung, nối quốc lộ 25 tại xã Ia Rsơm, huyện Krông Pa đi các xã phía đông của huyện này đang giai đoạn hoàn thành bị đổ toàn bộ trụ T8, sập hai nhịp số 8, 9. Mỗi nhịp cầu bị đổ gồm hai dầm bê tông cốt thép dài 21,4m. Các trụ số 7, 9 bị lệch dầm. Các nhịp còn lại có nguy cơ bị lệch, đổ rất cao. Thiệt hại ước tính lên đến hàng tỉ đồng.

Được biết, cầu Bung gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 21,4m gồm phần móng và cọc bê tông cốt thép vĩnh cửu, được thi công năm 1999, hoàn thành năm 2001 với số vốn hơn 7 tỉ đồng. Tháng 10.2006, ngành giao thông vận tải Gia Lai tiếp tục cải tạo phần dầm bê tông vĩnh cửu với kinh phí hơn 6,5 tỉ đồng, dự kiến đến tháng 12.2007 hoàn thành. Sự cố này khiến 5 xã vùng đông huyện Krông Pa bị cô lập. Nguyên nhân chính đang được các ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ. 

Sáng 6.11, anh Rơlan Vuốt (25 tuổi), thường trú tại xã Ia Mlá (Krông Pa) khi vượt suối Ia Mlá đã bị nước cuốn trôi, đến chiều cùng ngày vẫn chưa tìm được xác. Tính đến ngày 6.6, trên toàn địa bàn Gia Lai đã có ba người thiệt mạng do lũ cuốn.

Chờ bão Peipah, canh chừng dịch tiêu chảy

Trong 2 ngày 5 và 6.11, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đã có mặt tại Bình Định và Phú Yên để cùng với các địa phương bàn biện pháp ứng phó với bão Peipah (bão số 6). Theo ông Phát, một trong những vấn đề mà Chính phủ lưu ý là, các tỉnh thành miền Trung vừa phải khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, vừa phải chủ động đối phó với bão số 6, nhưng không được lơ là, mất cảnh giác với dịch tiêu chảy cấp đang bùng phát ở một số địa phương.

Văn phòng Bình Định - H.X.H - D.H - Thiên Trúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.