Trồng rừng kiểu Úc

04/02/2008 22:37 GMT+7

Ông vẫn thường cười hà hà tự trào: "Tui là Trần Minh khố chuối!", bởi tên ông là Trần Minh. Nhưng có lẽ không người nào ở TP.HCM lại sở hữu nhiều rừng như ông.

Vào năm 1995, ông Trần Minh được một suất tham quan nước Úc. Trong hơn 1 tháng, lúc mọi người trong đoàn bận rộn ăn chơi, mua sắm thì ông lại lang thang vào... rừng. Vốn là một người yêu thiên nhiên, những cánh rừng trồng của nước Úc đã hấp dẫn người đàn ông này. Học ngay tại rừng với những người trực tiếp trồng rừng, ông nhanh chóng nắm bắt các kỹ năng "thuần hóa" đất đai.

Ông trở về nước. Lúc ấy có cả một dải bát ngát những cánh đồng năn nhiễm phèn nặng ở huyện Củ Chi (TP.HCM) không ai canh tác. Ông Minh làm đơn và chính quyền huyện đồng ý cho ông thuê đất với thời hạn 30 năm, gồm 230 ha đất trũng phèn tại các xã Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Phước Hiệp. Ông Minh hứa chắc: "Tui sẽ biến những cánh đồng năn cá không sống được này thành một đống tiền".

Rồi ông bắt tay làm cật lực. Ông kể: "Hồi đầu tui thuê 60 nhân công chuyên làm việc xắn bùn lên liếp. Nhưng  do làm thủ công nên đắp lên được bao nhiêu đất bùn, khi bờ bao kênh Đông bị bể thì đất bị trôi tuột xuống bấy nhiêu. Lúc đó tui nghĩ phải tìm cách cơ giới hóa việc lên liếp. Tui mua liền một lúc 4 xe gầu múc, nhưng đồng năn sình lầy sâu đến gần 2m thì làm sao xe chạy được trên đó. Vậy là tui mày mò tìm tòi và nảy ra sáng kiến: kết nối nhiều thanh sắt chữ I lớn làm thành những loại dụng cụ như "chiếc dép" hình chữ nhật. Đặt "dép" lên bùn sình và cho xe múc chạy lên. Múc được khoảnh nào tui lại cho dời hai "chiếc dép" sang chỗ khác, cứ thế mà múc lên khoảng 700.000m3 đất bùn, tạo thành hệ thống mương hình chữ U có chiều dài 10 km, sâu hơn 2m và bờ liếp có chiều rộng khoảng 8m".

Ròng rã 12 tháng trời, ông Minh ăn ngủ với công nhân tại Củ Chi để lên liếp. Công trình hoàn thành vào năm 1997.

Lên liếp xong, ông Minh bắt tay vào trồng rừng. Nhận thấy tràm ta cho năng suất không cao, ông tìm cách nhập giống tràm Úc cao sản về trồng. Ban đầu, ông trồng khoảng 300.000 cây tràm, xen giữa là dứa. Mấy năm đầu, do đất nhiễm phèn nặng nên cây phát triển còi cọc. Ông lại cho vét lớp sình có nhiều phèn đọng lại và thiết kế thêm hệ thống mương hình chữ Z để rửa phèn. Ông Minh kể: "Những năm ấy, khi đất chưa được thuần hóa, cỏ không mọc được. Còn cá thì thả xuống một đêm, sáng hôm sau đã thấy chết nổi lềnh khênh trên mặt nước. Nhưng giống tràm Úc có khả năng chịu đựng rất tốt. Qua vài năm, tràm đã lên xanh khắp trên các bờ liếp". Ông phấn khởi trồng thêm và nhân rộng ra nhiều dự án khác.

Đi giữa bạt ngàn tràm xanh mát, ông Minh say mê ngắm nhìn thành quả hơn 10 năm lao động cật lực của mình. Ông nhẩm tính: "Xã Thái Mỹ hơn 1,3 triệu cây, xã Tân Thông Hội 900.000 cây, xã Phước Hiệp 600.000 cây và cù lao Long Phước hơn 500.000 cây. Vị chi tất cả là trên 3,3 triệu cây".   Ngoài số tràm này, ông còn trồng trên bờ liếp hơn 2.000 gốc tre giống Mạnh Tông và giống Điền Trúc của Đài Loan để lấy măng, 600.000 gốc dứa sẽ cho quả vào đầu năm tới, nuôi đàn heo hơn 1.000 con trong 3 trại giữa rừng tràm Tân Thông Hội, trồng hơn 10.000 giò phong lan rải rác ở cả 3 rừng tràm tại Củ Chi. Chỉ tính riêng nguồn lợi khi khai thác rừng tràm, mỗi cây bán khoảng 30.000 đồng, ông Minh đã có trong tay xấp xỉ 100 tỉ đồng.

Năm 2005, mô hình trồng rừng của ông Minh đã được chọn là một trong 30 đề tài được trao giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật của TP.HCM. Nhiều nhà khoa học đầu ngành về trồng rừng, nghiên cứu sinh thái rừng tại các viện khoa học ở Hà Nội hoặc các nước Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia...  cũng đã đến thăm những khu rừng tuyệt đẹp của ông Minh.

****

Rời khu rừng tràm bát ngát ở Tân Thông Hội, ông Minh vừa nhắc người tài xế riêng của mình lấy cua cho khéo kẻo cán lên những cây dứa còn non, vừa hoan hỉ: "Mùa xuân tới, khi tràm ra hoa, ở đây tui sẽ nuôi thêm ong mật để tăng thêm nguồn lợi".

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.