Cửa hàng tiện lợi sắp đổ bộ Việt Nam

20/03/2008 22:14 GMT+7

Ít nhất 2 hệ thống cửa hàng tiện lợi là 7-Eleven và 108 đang có những bước khởi động để vào thị trường Việt Nam vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Nếu cả 7-Eleven và 108 cùng nhảy vào Việt Nam kinh doanh, với kinh nghiệm dư thừa họ sẽ là những thách thức mới cho các "đại gia" bán hàng trong nước.

Thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng

Người Việt Nam đã biết đến hình thức cửa hàng tiện lợi qua các thương hiệu như G7 Mart hay Shop & Go nhưng việc mua hàng ở những nơi như thế này chưa trở thành thói quen. Bản thân G7 Mart chưa hiệu quả sau một thời gian hoạt động còn Shop & Go thì chưa tạo được một hệ thống cửa hàng bao trùm để tạo nên tính tiện lợi của hình thức bán hàng này. Trong khi đó, cách đây 2 tuần, Tập đoàn CP của Thái Lan thông tin trên báo chí nước này rằng họ đang để mắt đến thị trường Việt Nam do nhìn thấy tiềm năng về sức mua của người tiêu dùng nước ta. Khi được phóng viên Thanh Niên hỏi về kế hoạch đưa 7-Eleven vào Việt Nam, bà Malinee Tratrudee, Thư ký phó chủ tịch dự khuyết (AVP) của CP All (một công ty thuộc Tập đoàn CP), cho hay hiện họ đang gửi dự thảo kinh doanh sang cho Tổng hành dinh của 7-Eleven ở Nhật Bản. Bà Malinee cũng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về kế hoạch này.

Trong khi đó, cách đây mấy ngày, công ty thương mại và công nghệ hàng đầu Thái Lan Loxley và tập đoàn sản phẩm tiêu dùng Saha cũng tuyên bố lên kế hoạch mở chuỗi cửa hàng tiện lợi 108 tại Việt Nam. Theo Loxley, nền kinh tế Việt Nam mở cửa và đang bùng nổ sẽ là cơ hội tốt cho họ.

Thói quen tiêu dùng đang thay đổi

Ông Prasert - Ảnh: Việt Phương

Phóng viên Thanh Niên cũng đã có cuộc trao đổi với ông Prasert Suvithyasiri, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh quốc tế của Loxley, công ty đã làm ăn ở Việt Nam từ hơn 10 năm nay với các sản phẩm như cáp quang và thức ăn nuôi tôm sú. Ông Prasert cũng là người đã làm việc tại Việt Nam từ năm 1995 và nói tiếng Việt rất thạo.

* Là người sống và làm việc ở Việt Nam đã lâu, ông nhận thấy thói quen tiêu dùng của người Việt Nam thay đổi như thế nào trong những năm qua?

- Cũng như ở các nước đang phát triển khác, người Việt Nam bắt đầu chuyển sang mua hàng ở các siêu thị nhiều hơn. Khoảng 10 năm trước, khi hàng hóa trong siêu thị chưa được quan tâm thì bây giờ người ta vào siêu thị chật cứng. Đôi khi các siêu thị còn bị quá tải. Từ năm ngoái chúng tôi đã bán thử nghiệm một số mặt hàng tại các siêu thị ở TP.HCM  để thăm dò thị trường. Dự định cuối năm nay hoặc đầu năm sau, cửa hàng tiện lợi 108 đầu tiên sẽ được mở tại TP.HCM.

* Người Việt Nam quen đi chợ 1 hay 2 lần một tuần chứ không quen ghé các cửãa hàng tiện lợi để mua những thứ lặt vặt. Mặt khác, do đường sá và vỉa hè chật chội, người ta ưa tạt qua các tiệm tạp hóa hơn. Ông có nghĩ tâm lý người tiêu dùng sẽ thay đổi?

- Cũng như ở Thái Lan, ban đầu khi mở ít cửa hàng, chúng tôi sẽ mở ở những nơi có bãi đỗ xe hay tiện cho việc đi lại của người dân như cạnh các ngân hàng chẳng hạn. Sau này khi mở rộng hệ thống, các cửa hàng sẽ bao trùm rộng hơn ở các khu dân cư, người dân sẽ cảm thấy tiện lợi hơn khi có một cửa hàng cung cấp đủ mọi thứ ngay cạnh nhà. Họ sẽ không cần phải đi xa bởi chỉ đi bộ mấy bước là đã đến nơi.

* Với một hệ thống cửa hàng tiện lợi bao trùm khắp mọi nơi như vậy trong khi giá cho thuê mặt bằng ở Việt Nam lại cao, điều này có ảnh hưởng đến giá các mặt hàng tiêu dùng của 108 không, thưa ông?

- Khi lập một hệ thống bao trùm như vậy thì chúng tôi sẽ không nắm trong tay hết các cửa hàng mà sẽ nhượng quyền kinh doanh cho các hộ gia đình hay các công ty khác. Họ đã có sẵn mặt bằng kinh doanh nên số tiền đầu tư vào mặt bằng sẽ không là vấn đề. Tuy nhiên hàng hóa thì họ vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống phân phối chung. Việc quản lý hệ thống phân phối cũng là một yếu tố quyết định sự thành công. Lúc đó chúng tôi sẽ nắm được ở cửa hàng này hay cửa hàng kia đã bán được bao nhiêu món, thiếu cái gì và một đội chuyên giao hàng sẽ luôn hoạt động để bảo đảm nguồn hàng đầy đủ và phong phú. Còn về giá cả các mặt hàng, tất nhiên chúng tôi sẽ vẫn phải điều chỉnh chứ giá đắt thì chẳng ai vào cửa hàng tiện lợi để mua cả.

* Với việc các cửa hàng tiện lợi sẽ mở cửa 24/24 mà ở Việt Nam thì sau 11 giờ đêm, những nơi vui chơi giải trí đều đóng cửa, đường phố sẽ vắng tanh, người ta sẽ ở trong nhà hết. Vậy các cửa hàng tiện lợi sẽ bán hàng cho ai vào thời điểm này?

- Ở Thái Lan, doanh thu của các cửa hàng tiện lợi chủ yếu là vào ban đêm nhưng đúng là ở Việt Nam thì khác. Tuy nhiên có những người có việc đi về khuya có thể ghé mua thứ gì đó. Cửa hàng tiện lợi không chỉ phục vụ những người đi chơi đêm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn thăm dò thị trường.

oOo

Dù sao đây mới chỉ là dự định của các tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, nếu cả 7-Eleven và 108 cùng nhảy vào kinh doanh ở Việt Nam, với kinh nghiệm dư thừa của họ thì khả năng thành công rất lớn, là một thách thức mới cho những "đại gia" kinh doanh hàng tiêu dùng trong nước.

Việt Phương
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.