Náo loạn phiên tòa tuyên án vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn

12/05/2008 23:30 GMT+7

* 1 bị cáo phải nhập viện cấp cứu * Khó có khả năng bồi thường vì thiếu bảo hiểm Ngày 12.5, hội trường xử án vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn (Bình Định) đông nghịt người và cảnh náo loạn không thể kiểm soát nổi khi Hội đồng xét xử tuyên án.

7 bị cáo bồi thường hơn 122 tỉ đồng!

Bản án kết luận 5 bị cáo nguyên là cán bộ và nhân viên Ban quản lý (BQL) chợ phạm tội "thiếu trách nhiệm..." và tuyên phạt các mức án cụ thể như sau: Đỗ Thanh Tâm (nguyên Trưởng ban) 3 năm tù; Đỗ Thanh Tân (nguyên Phó ban) 30 tháng tù; Phạm Viết Ngò (Đội phó Đội bảo vệ) 8 năm tù; 2 nhân viên bảo vệ Nguyễn Thành Hải và Đoàn Bình mỗi người 5 năm tù. Về tội "vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy", bị cáo Đoàn Đình Tri (nguyên bảo vệ chợ) bị phạt 11 năm tù, bị cáo Võ Thị Thúy Vân (tiểu thương) bị phạt 8 năm tù.

Bảo hiểm cháy nổ là chi phí bắt buộc!

"Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều mua bảo hiểm cháy nổ từ trước khi có Nghị định bắt buộc. Họ xem đây là những chi phí bắt buộc trong sản xuất, trong khi đó có nhiều doanh nghiệp VN lại xem đây là chi phí có thể tiết kiệm. Nhiều doanh nghiệp, tiểu thương vẫn chưa có ý thức tự giác trong việc bảo vệ tài sản của mình trước các rủi ro có thể xảy đến bất kỳ lúc nào" - Đại diện Công ty Bảo hiểm quốc tế AIG.

Trung Bảo (ghi)

Về trách nhiệm dân sự, bản án buộc các bị cáo liên đới bồi thường tổng số tiền hơn 122 tỉ đồng cho 538 tiểu thương và 4 cơ quan, đơn vị là UBND TP Quy Nhơn, Bưu điện Quy Nhơn, Công ty TNHH may Trường Thành và Công ty PETEC Bình Định. Trong đó, hai bị cáo Tri và Vân chịu 3/4 tổng số thiệt hại, tương đương gần 92 tỉ đồng; nhóm các bị cáo Đỗ Thanh Tâm, Đỗ Thanh Tân, Phạm Viết Ngò, Đoàn Bình và Nguyễn Thành Hải chịu phần còn lại (hơn 6 tỉ đồng/bị cáo).

Ngay trong lúc Hội đồng xét xử công bố bản án, phòng xử án đã trở nên náo loạn không thể tưởng. Bị cáo Vân đã vật vã kêu oan ngay trước vành móng ngựa khiến chủ tọa phải dừng lại để lực lượng bảo vệ áp giải bị cáo ra khỏi hội trường. Nhưng tiếng khóc than của bị cáo này càng thêm dữ dội hơn. Phiên tòa vẫn tiếp tục được khoảng 20 phút sau thì hầu hết các bị cáo đều choáng váng. Bị cáo Nguyễn Thành Hải đột ngột trợn mắt, co giật liên hồi và sùi bọt mép. Nhưng chủ tọa không ra lệnh tổ chức cấp cứu cho bị cáo Hải mà lại cho nằm dài trên băng ghế (dành riêng cho các bị cáo). Quá xót xa, người thân bị cáo Hải ào lên kêu khóc, van xin. Mãi hơn 10 phút sau, người thân mới được phép bế bị cáo Hải chạy ra bên ngoài, tự thuê taxi đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch (đến chiều cùng ngày vẫn chưa hồi tỉnh). Bị cáo Hải từng bị tai biến để lại di chứng và ngay tại tòa cũng đã nhiều lần thỉnh cầu được Hội đồng xét xử quan tâm xem xét vì sức khỏe không được tốt, nhưng không được chấp nhận.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, không khí náo loạn lấn át lời tuyên án của chủ tọa. Tình hình càng mất khả năng kiểm soát hơn khi bản án đề cập đến phần trách nhiệm dân sự. Các tiểu thương bị hại tỏ ra bất bình với bản án và đã đồng loạt kéo đến trụ sở tiếp dân tỉnh khiếu nại ngay sau khi phiên tòa kết thúc.

Bị cáo Hải tại bệnh viện - Ảnh: VPBĐ

Những dấu hiệu bất thường

Theo khai nhận của các bị cáo, phía Cảnh sát PCCC của tỉnh có giữ 1 chìa khóa hầm chứa nước cứu hỏa trong khu vực chợ, nhưng khi đến hiện trường vào tối 16.12.2006 thì lực lượng này rất lúng túng và thực hiện nhiệm vụ không có hiệu quả, để phần lớn hàng hóa bị cháy rụi. Tuy nhiên trách nhiệm của Cảnh sát PCCC không được đề cập trong bản án. Ngoài ra, UBND TP Quy Nhơn là cấp chính quyền quản lý toàn diện trên địa bàn, việc để xảy ra sự cố gây tổn thất lớn như vậy thì trách nhiệm đến đâu? BQL chợ thiếu kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương tham gia bảo hiểm cháy nổ... Tất cả những vấn đề này cũng không được làm rõ. Tiểu thương bức xúc nêu ý kiến thì chủ tọa lại không cho nói.

Các quan điểm của luật sư (LS) tham gia tố tụng tại phiên tòa cũng không được công tố viên tranh luận đầy đủ và chứng minh rõ ràng. LS Võ Hồng Nam (bào chữa cho bị cáo Vân) yêu cầu có vật chứng để đối chứng nhưng đã bị bác bỏ. Nhân chứng của vụ án không có mặt tại tòa để đối chất; trong khi đó, lời khai của họ tại cơ quan điều tra (theo bút lục) lại khác so với cáo trạng của Viện KSND tỉnh.

Bất thường hơn nữa là khi tranh luận với LS, công tố viên đã khẳng định rằng phích quạt (của bị cáo Vân) cắm vào ổ điện có thể hiện trong bản ảnh giám định ghi lại từ hiện trường. Trong khi đó LS phản biện đưa ra bản ảnh trong hồ sơ vụ án chứng minh không hề có kiểu ảnh mà công tố viên viện dẫn!

"Cứ kháng cáo"

Ông Hồ Khá

Ngay sau khi đọc xong bản án, ông Hồ Khá - thẩm phán, chủ tọa phiên tòa lui về phòng đợi phía sau phòng xử án. Lập tức cánh PV báo chí đến đăng ký phỏng vấn.

* Thưa ông, với tư cách là chủ tọa phiên tòa, ông có tiên liệu những tình huống đã xảy ra?

- Có!

* Vậy tại sao công tác tổ chức hậu cần và ứng phó lại yếu kém như thế?

- Tôi có đề nghị đơn vị chức năng lo việc này, chuẩn bị nhân viên y tế, xe cứu thương. Nhưng không hiểu sao lại không có.

* Ông có tin là bản án hôm nay đã tuyên là đúng?

- Đây là tòa sơ thẩm. Nếu thấy không đúng thì cứ kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

* Bản thân ông nghĩ gì trước tình cảnh nguy cấp của bị cáo Nguyễn Thành Hải?

- Do bị cáo thấy tòa xử nặng nên mới thế. Nếu thấy không vừa lòng thì cứ kháng cáo.

* Nhưng ngay cả các tiểu thương bị hại cũng rất bất bình?

- Thì họ cứ kháng cáo...

UBND TP Quy Nhơn phải có trách nhiệm

LS Phan Thanh Thy (bảo vệ quyền lợi cho các tiểu thương bị hại) nói: "Theo hợp đồng ký kết giữa BQL chợ và tiểu thương, thì bị đơn dân sự trong vụ án và phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại phải là BQL chợ, chứ không thể quy kết cho các thành viên nào. Bên cạnh đó, BQL chợ là một pháp nhân, do UBND TP Quy Nhơn thành lập nên UBND TP Quy Nhơn phải có trách nhiệm khi để xảy ra hỏa hoạn".

Nhiều chứng cứ khách quan bị bỏ qua

LS Võ Hồng Nam (bào chữa cho bị cáo Vân) bức xúc: "Công tố viên tại phiên tòa chỉ căn cứ duy nhất vào bản kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) là chứng cứ buộc tội, mà không xem xét, đánh giá toàn diện vụ án với các chứng cứ khách quan khác, như: lời khai ban đầu của bị can (khi còn tư cách là tiểu thương), lời khai nhân chứng... Công tố viên nói bản giám định do một chuyên gia nổi tiếng thế giới về cháy nổ thực hiện nên đã khoa học và khách quan, theo tôi cũng chưa thật hợp lý. Cần phải xem lại nguyên nhân phát sinh cháy”.

 

LS Trần Lâm Hải (bào chữa cho bị cáo Tri): "Tại tòa cũng như trong quá trình điều tra, thân chủ tôi khai đã tắt cầu dao điện và trước khi ra về đã bàn giao cho Đội phó Đội bảo vệ Phạm Viết Ngò. Việc này, ông Ngò cũng xác định là đúng, nhưng vẫn không được tòa xem xét. Để các bị cáo tâm phục, khẩu phục khi bị buộc tội thì cần phải làm rõ hơn nữa nguyên nhân phát sinh cháy, cũng như vai trò của nhân viên phụ trách hệ thống điện của chợ".

 

Bảo hiểm cháy nổ ở các chợ vẫn bị bỏ ngỏ

Ông Lê Văn Định, Giám đốc Bảo Việt Bình Định, cho biết chỉ có khoảng 5 hộ trên tổng số hơn 300 tiểu thương chợ Lớn Quy Nhơn sau vụ cháy được bố trí kinh doanh tại Trung tâm Hội chợ - Triển lãm tỉnh là có tham gia bảo hiểm. Còn ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc Bảo hiểm Pjico Bình Định, cho biết công ty ông không bán được một hợp đồng nào cho các BQL và bà con tiểu thương các chợ. Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Trần Xuân Chí, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Bình Định, cho rằng: Nghị định 130/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được ban hành từ tháng 11.2006, nhưng đến nay vẫn chưa được địa phương triển khai rộng rãi. BQL các chợ thiếu quan tâm, bà con tiểu thương thì chưa mặn mà. Thực trạng này cần sớm được khắc phục.

Nhóm phóng viên VP Bình Định

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.