Tiếp thị bản thân trước nhà tuyển dụng

01/03/2009 17:26 GMT+7

Trong những hoạt động của Sàn giao dịch việc làm (diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM trong hai ngày 28.2 và 1.3), phần hấp dẫn nhất vẫn là chương trình ứng viên tự giới thiệu trước nhà tuyển dụng.

Tiếp thị bằng ngoại ngữ

Người "mở hàng" trong nhóm đầu tiên là bạn Đoàn Hữu Độ (mã số 67), tốt nghiệp khoa Cơ khí chế tạo máy - trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Độ khá tự tin giới thiệu những thông tin cần thiết về bản thân. "Em đã có 4 năm kinh nghiệm trong quản lý sản xuất, trong thiết kế gia công. Mong muốn của em là tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn cũng như nếm trải những thử thách mới" - Độ bày tỏ nguyện vọng. Bạn Nguyễn Thị Thu Mong, cử nhân Luật kinh doanh nói trôi chảy: "Dù chưa có kinh nghiệm làm việc nhưng em có tính chăm chỉ, năng động, dễ thích nghi, lạc quan, có bằng cấp về vi tính, Anh văn, Luật, có một số kỹ năng… Đó là lý do khiến em tin tưởng mình là một ứng viên tiềm năng".

Đặc biệt, nhiều nhà tuyển dụng lẫn những bạn trẻ theo dõi chương trình có vẻ ấn tượng trước khả năng tự giới thiệu bằng Anh văn lưu loát của bạn Đỗ Phương Huyền. Cô gái này cho biết vừa tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Lúc còn là sinh viên, cô có đi làm thêm nhưng không quên trau dồi tiếng Anh (Huyền đã có bằng TOEFL 563 điểm). Huyền từng được nhận học bổng Kỹ sư tài năng của trường ĐH Bách khoa, học bổng của một công ty dầu khí. Huyền muốn nhắm đến những công việc nghiên cứu và phát triển gắn với chuyên ngành kỹ thuật hóa học - lĩnh vực khá mới mẻ tại VN. Trước câu hỏi tại sao lại "dám" trình bày bằng tiếng Anh, phải chăng là muốn "chơi trội" so với nhiều ứng viên khác chỉ nói bằng tiếng Việt? Huyền bày tỏ: "Đây là cơ hội tốt để thể hiện khả năng của mình trước nhà tuyển dụng. Cũng có thể mình muốn tạo dấu ấn riêng, miễn sao không phải phô diễn là được".

Ngày 1.3, ông Phan Văn Phú - Đại diện Công ty Dịch vụ Xuất khẩu lao động và chuyên gia TP.HCM (SULECO - thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM) cho biết, năm nay, SULECO có kế hoạch đưa hơn 600 lao động trẻ sang thị trường Nhật, Singapore, Dubai. Công ty này cũng có chỉ tiêu tuyển 200 thợ hàn, thợ lắp ống dẫn dầu có tay nghề cao (trình độ văn hóa: tốt nghiệp THCS trở lên, không yêu cầu ngoại ngữ) sang thị trường Bồ Đào Nha. (N.L)

Sao lại là "em"?

Khi đứng trên sân khấu nói về mình, phần lớn các ứng viên đều dùng danh xưng là "em". Chỉ rải rác vài người dùng "tôi" hoặc "mình". Ông Phan Văn Phi, một trong những nhà tuyển dụng đại diện Công ty Bảo hiểm nhân thọ Daichi Việt Nam nhận xét: "Khi tôi tham gia phỏng vấn, tôi thích ứng viên xưng "tôi" hơn là "em", cho dù người đó có nhỏ tuổi hơn. Bởi lẽ, như thế sẽ phù hợp hơn, tạo sự tự tin, tự chủ hơn cho chính ứng viên. Còn khi xưng "em", có vẻ như họ đang đi xin việc. Thực ra, doanh nghiệp tuyển dụng lao động phải dựa trên năng lực, sự cống hiến của người lao động". Ông Phi cũng là một trong những người đặt ra cho một số ứng viên những câu hỏi có vẻ như không ăn nhập gì. Chẳng hạn, nhà tuyển dụng này đặt câu hỏi với bạn Lê Thị Đông (chuyên ngành xuất nhập khẩu): "Trong mùa nắng nóng này bạn thích ăn trái cây gì?". Một nhà tuyển dụng khác thì hỏi bạn Đông: "Cha mẹ bạn làm nghề gì?"... "Với những câu hỏi này, chúng tôi muốn biết thêm khả năng ứng xử của ứng viên" - ông Phi nói.

Bạn Phạm Anh Thắng lặn lội từ huyện Củ Chi đến Sàn giao dịch việc làm. Thắng thổ lộ: "Mình là người siêng năng, tự cảm thấy có sáng tạo trong công việc. Có điều, khoản giao tiếp trước đám đông còn dở lắm!". Tuy nhiên, đây đó vẫn có vài ứng viên hơi cường điệu về thực lực của mình, nên đã rơi vào tình huống khó xử khi nhà tuyển dụng "check" lại bằng cách phỏng vấn sâu hơn…   

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.