Cảnh báo mất cân bằng giới tính

09/07/2009 00:28 GMT+7

Tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta đã đến mức 112 trẻ trai/100 trẻ gái, vượt xa tỷ số giới tính khi sinh theo quy luật tự nhiên (103-106/100). Đáng lưu ý, nhiều ý kiến cho rằng mất cân bằng giới tính có sự "đóng góp" quan trọng của người cung cấp dịch vụ y tế. Mời nghe đọc bài

Tỷ số giới tính tăng cao

Hội thảo triển khai đề án "Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh" được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tổ chức hôm qua 8.7, tại Hà Nội. Theo báo cáo, tỷ số giới tính khi sinh liên tục tăng trong những năm gần đây, từ 107 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2006) đến nay đã ở mức 112 trẻ trai/100 trẻ gái và ngày càng có nhiều địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao, cá biệt có tỉnh lên đến 120-125 trẻ trai/100 trẻ gái.

Ông Nguyễn Đình Bách, Phó chánh thanh tra Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng: "Việc tìm hiểu một cách dễ dàng các phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi qua các website, sách, ấn phẩm kết hợp khả năng nhận biết giới tính thai nhi sớm qua các dịch vụ y tế (siêu âm, bắt mạch, chọc ối...) và điều kiện nạo phá thai đơn giản, thuận tiện, là những yếu tố quan trọng dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh". Ông Bách dẫn chứng đợt kiểm tra trong tháng 6 vừa qua tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, TP.HCM, cho thấy hoạt động hướng dẫn lựa chọn giới tính thai nhi đang diễn ra công khai, phổ biến. Chỉ riêng đợt kiểm tra này đã phát hiện 30.200 cuốn với 27 đầu sách đã được xuất bản. Thanh tra cũng phát hiện 7 trang web của đơn vị cá nhân có bài viết với nội dung phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi.

Can thiệp bắt đầu từ cán bộ y tế

Theo ông Bách: "Công tác kiểm tra các hoạt động chẩn đoán giới tính thai nhi qua các hình thức (bắt mạch, siêu âm...) rất khó thực hiện vì nó được nấp sau các hoạt động chuyên môn và không để lại chứng cứ. Ngay cả trường hợp thanh tra phát hiện xuất bản sách, ấn phẩm vi phạm cũng thường được ngụy biện là không biết quy định đã cấm các hoạt động tuyên truyền lựa chọn giới tính thai nhi".

Đáng lưu ý, ông Dương Quốc Trọng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, cho biết: "Vẫn còn một số thầy thuốc siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi nhưng rất khó khăn để xử lý vì không có bằng chứng thể hiện".

Còn thạc sĩ Đỗ Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa, thẳng thắn: "Nếu không có sự tham gia của cán bộ y tế thì những người mang thai không thể nào biết để xử lý thai nhi theo ý muốn". Từ thực tiễn này, ông Vinh đề xuất trong đề án thí điểm can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính, cần tập trung tuyên truyền cho các cán bộ y tế.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, đề án thí điểm can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính sẽ thực hiện tại 852 xã thuộc 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao (từ 115 trẻ trai/100 trẻ gái trở lên) là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Tiền Giang, Đồng Nai, Bạc Liêu, với tổng kinh phí 7 tỉ đồng. Biện pháp thực hiện là tăng cường cung cấp thông tin về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai…

Bên cạnh việc tuyên truyền, cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt nặng các cơ sở cung cấp dịch vụ chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.