Mối hoài nghi về tàu chiến LCS

11/07/2009 23:28 GMT+7

Vào đầu tháng 7.2009, chiếc tàu chiến thứ 2 mang tên Independence thuộc chương trình Tàu tác chiến cận bờ (Littoral Combat Ship, LCS) của Hải quân Mỹ đã được đưa vào thử nghiệm.

Sự kiện này được giới chức quân sự Mỹ chào đón. Nhưng bên cạnh niềm hân hoan đó, cũng còn không ít quan ngại về loại tàu tác chiến cận bờ. Nếu theo đúng kế hoạch thì vào ngày 30.6, tàu Independence đã được ra khơi. Nhưng do thủy thủ đoàn khi đó nhận thấy có tiếng động lạ ở phần động cơ nên cuộc thử nghiệm buộc phải hoãn lại một ngày.

Chương trình LCS mà hải quân Mỹ đang rất kỳ vọng quả là có nhiều vấn đề đáng để quan tâm.

Một tàu thay thế cho tất cả

Những chiếc tàu thuộc chương trình LCS hiện được coi là tàu đa năng nhất. Đích ngắm của loại tàu này là làm nhiệm vụ phòng vệ chống lại hải tặc, khủng bố, buôn bán ma túy và các loại tội phạm phá hoại khác. Việc cho ra đời các loại tàu LCS cho thấy phần nào chiến lược của quân đội Mỹ, theo đó họ hướng đến việc đối phó với các loại kẻ thù mới như cướp biển, khủng bố, băng nhóm ma túy..., cùng lúc củng cố khả năng đối phó với các quân đội chính quy. Chính vì thế mà báo cáo của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA) trong giai đoạn đầu của chương trình LCS nêu rõ: Các con tàu này sẽ thay đổi cơ bản chiến thuật của lực lượng hải quân Mỹ trong tác chiến hiện nay.

Theo quan điểm của CSBA, các LCS trong thời gian ngắn nhất cần phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Hơn thế, thời gian chuẩn bị để tác chiến không quá 4 ngày 4 đêm, kể cả thời gian kiểm tra hệ thống vũ khí, khí tài cũng như kiểm tra sự chuẩn bị của thủy thủ đoàn. Những đặc điểm vừa nêu là chưa từng có đối với lực lượng hải quân của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Vì thế, LCS được chờ đợi như một cuộc cách mạng trong tác chiến trên biển.

Cũng cần nhắc lại rằng, người khởi xướng LCS là nguyên Thư ký Bộ Tư lệnh hải quân Gordon R.England. Theo lời ông England, đó là “những chiếc tàu không lớn, có tốc độ nhanh, xoay chuyển linh hoạt và giá thành không đắt”. Với nhiệm vụ chính đề ra cho các nhà thiết kế là tính đa năng của chiếc tàu. Dù vậy, giá thành của LCS giống như các dự án khác của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ thường là cao hơn với dự tính ban đầu.

Hiện LCS được đánh giá là loại tàu có thể đưa vào sử dụng cho cuộc chiến với tàu ngầm và tàu nổi. Nó cũng có thể thực thi các nhiệm vụ khác như gỡ mìn, do thám, tuần tra, hoặc để bảo vệ vùng biển gần bờ, tham gia các chiến dịch đặc biệt, chở hàng cùng nhiều nhiệm vụ khác. Mô hình thiết kế cho phép chuyển đổi công năng của nó. Với mỗi một nhiệm vụ thì nó sẽ được chỉnh sửa thiết kế hoàn toàn khác nhau.

Chương trình LCS có thể nói là độc nhất. Bởi trong chọn lựa đơn vị thiết kế loại tàu này thì cùng lúc có hai hãng thắng thầu. Lực lượng hải quân Mỹ dự định mua 55 chiếc LCS nhằm thay thế cho các chiến hạm kiểu như Oliver Hazard Perry đã lỗi thời, hay tàu dò mìn loại Avenger.

Trước đó, khi chương trình LCS được khởi động vào năm 2004, liền một lúc có 3 hãng tham gia đấu thầu: Lockheed Martin, General Dynamics và Raytheon. Hợp đồng thiết kế sản xuất 4 chiếc LCS được giao cho Lockheed Martin và General Dynamics. Quan điểm thiết kế LCS của hai hãng này đều rất khác nhau về ngoại hình lẫn công năng.

Lockheed Martin đưa ra mô hình mang tên Freedom. Đây là loại tàu một thân bằng thép, phía trên là nhôm, có chiều dài 115,3 mét, rộng 17,5 mét, trọng tải 3.000 tấn, có khả năng đạt tốc độ 45 hải lý/giờ. Trên boong tàu này có chỗ cho 1 hoặc 2 chiếc trực thăng đa năng SH-60 Sea Hawk và 3 chiếc trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout.

Dự án của General Dynamics là loại tàu 3 thân bằng nhôm, chiều dài 127,8 mét, rộng 30 mét, trọng tải 2.600 tấn, tốc độ 45 hải lý/giờ và, tương tự như Freedom, cũng có chỗ cho trực thăng và máy bay không người lái.

 Tàu Freedom chạy thử tại hồ Michigan
Tàu Freedom chạy thử tại hồ Michigan - Ảnh: Reuters

Những nghi vấn ban đầu 

Lockheed Martin bắt đầu đóng tàu LCS mang tên Freedom vào tháng 6.2005 rồi chuyển giao cho hải quân Mỹ vào tháng 9.2008 và cũng không tránh khỏi trục trặc. Vào tháng 4.2008, khi hạ thủy Freedom, báo The New York Times đăng bài viết đề cập đến số tiền mà những người đóng thuế phải trả cho chiếc tàu “giá không đắt”. Theo báo này, tại thời điểm đó, giá thành của chiếc Freedom đã là 531 triệu USD, cao gấp 2 lần so với tính toán ban đầu. Ngoài ra, The New York Times còn cho rằng để hoàn thiện con tàu phải cần thêm gần 100 triệu USD nữa.

Giá thành nêu trên của loại tàu tác chiến cận bờ thực tế là cao hơn nhiều các loại tàu chiến khác. Điều này mâu thuẫn với quan điểm ban đầu về thiết kế và sản xuất LCS. Để thấy rõ có thể làm phép so sánh, 52 chiến hạm loại Oliver Hazard Perry theo con số chính thức có giá 10 tỉ USD. Trong khi đó, số lượng LCS tương ứng lại có giá cao hơn nhiều lần, nếu tính theo giá chiếc Freedom nói trên.

Đã thế, theo một số nhà báo Mỹ thì việc đội giá không phải là vấn đề duy nhất của chương trình đầy tham vọng này. Mong muốn sản xuất các LCS mới với giá rẻ và cuộc cạnh tranh giữa hai hãng trúng thầu đã làm nảy sinh hàng loạt các lỗi trong thiết kế. The New York Times viết: “Trong khi cố gắng hạ thủy các con tàu, hải quân Mỹ và các nhà sản xuất đã vừa điều chỉnh lại thiết kế vừa đóng tàu cùng một lúc. Điều này giống như vừa xây dựng tòa nhà văn phòng vừa sửa lại bản thiết kế của nó”.

Một điều lạ lùng khác là chiếc LCS đầu tiên lại được giao cho Lockheed Martin – hãng trước đây hầu như không có kinh nghiệm thiết kế và đóng tàu chiến cho lực lượng hải quân. Tuy nhiên, chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ lại cho phép các hãng công nghiệp quốc phòng lớn hiện thực hóa các dự án lớn của quân đội mà lại ít chịu sự kiểm soát từ phía chính phủ. Theo The New York Times, để bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm của mình, Lockheed Martin buộc phải hợp tác với hãng Gibbs & Cox và hai hãng đóng tàu khác là Marinette Marine và Bollinger.

Cũng cần bổ sung thêm rằng, quan điểm mới về sản xuất LCS nhằm thay thế hàng loạt tàu có công năng hẹp tại vùng cận bờ gây nên sự hoài nghi của các nhà chuyên môn. Đương nhiên là cách nhìn nhận ban đầu như “đơn giản, tiện dụng và giá rẻ” có vẻ hợp lý nhưng chỉ là trên lý thuyết. Thực tế thì việc đóng chiếc tàu “siêu hạng” này tốn kém nhiều hơn cả mấy chiếc tàu bình thường khác cộng lại.

Dự báo tương lai và về tính khả thi của chương trình LCS là khá phức tạp. Cuộc thử nghiệm chiếc LCS mới hẳn sẽ cho ra nhiều lời giải đối với những bài toán có thể không có từ trước. Ngoài ra, vấn đề tài chính đối với Washington cũng đáng lưu tâm và khá đau đầu. Liệu trong thời buổi khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay, Chính phủ Mỹ có duyệt chi 30 tỉ USD cho việc thiết kế sản xuất hơn 50 chiếc LCS mà mới chỉ đến chiếc thứ hai đã gây ra nhiều nghi ngại? Đây là câu hỏi sẽ làm dấy lên nhiều cuộc tranh cãi.

Bên cạnh việc phục vụ cho quân đội Mỹ, LCS cũng từng được hy vọng sẽ tìm được khách hàng là các quốc gia khác. Trước đây, Ả Rập Xê Út và Israel từng bày tỏ sự quan tâm tới loại tàu chiến Freedom. Tuy nhiên, theo trang tin DefenseNews, Israel sau đó đã chuyển hướng quan tâm sang các chương trình sản xuất tàu khu trục ở trong nước với nguồn tài chính từ Mỹ. Sự quan tâm của Ả Rập Xê Út cũng không còn được nhắc tới. Vì thế, việc tìm khách hàng cho LCS trở nên vô cùng khó khăn.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.