Trò chơi không dành cho người yếu tim

05/08/2009 11:52 GMT+7

(TNTT>) Người đi xem wrestling có cảm giác hồi hộp như khi xem một bộ phim hành động và có phấn khích như khi xem một sự kiện thể thao...

Tại nước Mỹ, bóng bầu dục, bóng rổ và bóng chày là 3 bộ môn có lượng CĐV đông đảo hàng đầu. Nhưng trong tương lai, cả 3 bộ môn này có thể sẽ phải nhường chỗ cho "professional wrestling" (gọi tắt là wrestling) hay ở Việt Nam còn gọi là "đô vật Mỹ". Bởi bộ môn "thể thao" này đang nhận được sự ủng hộ của giới trẻ xứ cờ hoa. Không những vậy, nó là bộ môn thể thao gần như duy nhất của Mỹ được đón chào nhiệt liệt tại nước ngoài, kể cả các nước không bị ảnh hưởng của "nền văn minh Mỹ".

Lịch sử bắt đầu từ các gánh xiếc

Wrestling bắt nguồn từ đâu và bao giờ? Chưa có tài liệu nào trả lời chính xác. Nhưng có một cách giải thích được nhiều người cho rằng hợp lý hơn cả: Wrestling bắt nguồn từ các gánh xiếc. Trong các thế kỷ trước, những gánh xiếc dạo thường có màn biểu diễn đánh nhau để thu hút người hiếu kỳ đến xem. Đến cuối thế kỷ 19, wrestling được biểu diễn trong các nhà hát. Sang thế kỷ XX, wrestling trở nên phổ biến tại các nước Bắc Mỹ, Nhật và cả Brazil.

Một chiếc đai vô địch xịn WWE từ Mỹ mang về Việt Nam có giá hàng triệu đồng

Nếu một người lần đầu được đưa đến sàn đấu xem wrestling hay thậm chí là theo dõi qua truyền hình, cảm giác đầu tiên của họ là: "Thật khủng khiếp, sao lại có trò thể thao man rợ đến như vậy?". Cảm giác đó không sai. Wrestling được đánh trên một võ đài giống như quyền Anh nhưng các võ sĩ được "dùng" không hạn chế các chiêu thức tàn bạo nhất và cả vũ khí như ghế sắt, dây xích, gậy để triệt hạ đối thủ. Nhưng bạn đừng tin đó là thật. Tất cả  hình ảnh bạn nhìn đều là đấu giả hết. Nếu các bộ môn thể thao khác trên thế giới đều dựa vào tính trung thực trong thi đấu để tìm người thắng cuộc thì wrestling lại khác. Việc một đô vật thắng hay thua trên sàn hoàn toàn có người viết kịch bản soạn trước. Các đô vật sẽ tập luyện cùng nhau một thời gian ngắn để "đánh" thật nhuyễn trước khi ra sàn và "diễn" trước người hâm mộ.

Đấu giả nhưng hấp dẫn

Wrestling là bộ môn đấu giả tạo. Người hâm mộ môn đấu này đều biết như vậy nhưng họ vẫn bỏ hàng chục thậm chí hàng trăm USD để xem các trận đấu wrestling. Khán giả truyền hình sẵn sàng bỏ qua những trận đấu bóng hay hoặc những bộ phim hấp dẫn để chuyển kênh xem wrestling. Điều gì khiến họ bị cuốn hút vào một trò giả tạo?

 
Tuyệt chiêu Tombston của Undertaker (phải) thường là chiêu kết thúc một trận đấu

Đó là một kịch bản tốt. Trong thế giới wrestling, người viết kịch bản tạo ra những nhân vật thuộc hai phái hắc bạch như trong truyện kiếm hiệp Trung Hoa. Mỗi đô vật là một nhân vật có cá tính riêng, chiêu thức riêng tạo nên nhân vật. Chẳng hạn Shawn Michaels có chiêu Sweet Chin Music, Undertaker có chiêu Tombstone. Thường khi các đô vật này thực hiện tuyệt chiêu, các CĐV đều biết trước và họ hồi hộp xem tuyệt chiêu có thành công hay không.

Các công ty tổ chức wrestling

Hiện có 3 công ty chính tổ chức đấu wrestling là WWE, TNA và ROH. Nhưng WWE là công ty thành công nhất dưới sự lãnh đạo của nhà McMahon. Bản thân chủ tịch Vince McMahon và vợ, con ông đều là nhân vật xuất hiện trong các trận wrestling dù họ hầu như không bao giờ lên võ đài. Đầu óc kinh doanh nhạy bén cộng với việc sử dụng hiệu quả công cụ truyền hình, Vince McMahon đã đưa các giải đấu RAW, SmackDown của WWE trở thành những giải wrestling hấp dẫn nhất thế giới. Với đội ngũ 564 nhân viên (kể cả các đô vật), doanh thu của WWE trong năm 2008 là hơn 526 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 70 triệu USD.

Và giữa các nhân vật trong wrestling có sự kết thù oán, có quan hệ gia đình... như trong giang hồ. Mỗi trận đấu wrestling là cách giải quyết ân oán. Các nhà viết kịch bản biết cách để đẩy mỗi cuộc đấu trở thành cao trào hấp dẫn người hâm mộ và khiến họ không bao giờ cảm thấy nhàm chán khi bỏ tiền và thời gian xem wrestling. Chẳng hạn, họ tạo ra Randy Orton (người đang giữ đai vô địch wrestling RAW) là một nhân vật tốt trong năm 2003. Nhưng khi thấy Orton không còn hút khách, người viết kịch bản chuyển anh thành nhân vật phản diện. Giờ mỗi trận của Orton đấu với các nhân vật chính diện như John Cena, người xem lại hồi hộp xem Orton có bị hạ sớm hay không? Hoặc họ tạo ra nhân vật là hai anh em Undertaker và Kane, khi khán giả thắc mắc hai anh em ai là người mạnh hơn, nhà viết kịch bản sẽ tạo ra lý do để Undertaker và Kane gặp nhau trên võ đài. Nó khiến người xem bị cuốn hút như dân mê boxing háo hức chờ ngày hai anh em Klitschko thượng đài.

Nhờ sự phát triển của công nghệ và kỹ xảo hiện đại, các trận đấu trở nên hấp dẫn với hiệu quả của ánh sáng và âm thanh. Cộng với những tình tiết sáng tạo chẳng kém Hollywood, các chiêu đánh đẹp mắt đến khó tin, người đi xem wrestling cảm thấy hồi hộp như khi đi xem một bộ phim hành động và có cảm giác phấn khích như khi xem một sự kiện thể thao. Có thể coi wrestling chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa điện ảnh và thể thao.

Khi giả thành thật

Trong wrestling, nhiều khi các đô vật diễn "thật" quá với những động tác phức tạp và tai nạn là điều không thể tránh khỏi. Máu đổ và chấn thương không phải là chuyện hiếm trên sàn wrestling. Nhưng điều tệ nhất của bộ môn này là các đô vật được quyền sử dụng doping để phát triển cơ bắp cho đẹp. Điều đó dẫn đến những tai nạn thương tâm. Năm 2005, đô vật Eddie Guerrero bị chết vì bệnh tim và người ta nghi ngờ là do tác động của một chất cấm trong thể thao. Năm 2007, đô vật Chris Benoit đã giết chết vợ con rồi tự sát. Người ta tin rằng anh hành động như vậy vì bị ảo giác do một chất kích thích gây ra.

Bất chấp mặt trái đó, wrestling vẫn được phát triển và mang về lợi nhuận khổng lồ từ tiền truyền hình, bán vé,  kinh doanh các sản phẩm liên quan, thậm chí là cả cá cược. Nhiều công ty mở sàn đấu bộ môn này nhưng hiện tại WWE là thành công hơn cả vì họ có kịch bản tốt, kỹ xảo tốt, công nghệ truyền hình tốt và thu hút hết các ngôi sao trong làng đô vật về đầu quân.

Tại Việt Nam, người hâm mộ wrestling đa phần là giới trẻ. Họ biết đến wrestling qua truyền hình (chủ yếu là True Sport 2), qua internet và qua các trò chơi điện tử. Hiện nay trên mạng mua bán ở Việt Nam, một chiếc đai WWE được đòi giá 6 triệu đồng hay một chiếc áo thun của đô vật Shawn Michaels được trả giá 1 triệu đồng. Điều đó cho thấy một phần giới trẻ Việt đang bị chinh phục bởi sự hấp dẫn của bộ môn này.

Hồ Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.